Cần chế tài mạnh xử lý việc dùng chất cấm trong chăn nuôi

Bình An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/11, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị “Vận động thực thi hiệu quả chính sách quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong chăn nuôi, trường hợp với kháng sinh và chất cấm”.

Nhiều nội dung đã được các đại biểu thảo luận như: Làm sao để quản lý tốt hơn việc sử dụng và kinh doanh chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, nhất là những chất cấm mới; Những biện pháp quản lý và chế tài cần thay đổi như thế nào để có tính răn đe...

Chất cấm, kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi đang là nỗi lo đối với người tiêu dùng mỗi khi mua thực phẩm.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, tình trạng lạm dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi vẫn còn cao. TS Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam cho biết: “Syteamine là chất mới bùng phát lên và Thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh sử dụng nó. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi công bố chất này thì vẫn còn nhiều người không biết, cũng không có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn, điều chỉnh đây có phải là chất cấm hay không, do vậy, rất khó khăn cho việc kiểm soát”.

Cũng theo ông Lộc, hiện nay có những chất cấm mới như Cyteamine đang gây khó trong công tác quản lý và xử lý do chưa có văn bản quy định. Vì vậy, cần phải nhanh chóng đưa những chất này vào danh sách cấm sử dụng trong chăn nuôi cùng loại với sabultamol, Chlebutarol- những chất có thể gây rối loạn hệ tuần hoàn, nguy hiểm tính mạng người tiêu dùng.

Đại diện các doanh nghiệp nuôi và chế biến thịt của Việt Nam băn khoăn rằng, làm sao để việc sản xuất các sản phẩm chăn nuôi phải truy xuất được nguồn gốc, nhất là trong giết mổ công nghiệp cần phải đẩy mạnh.

Nhiều đại biểu cho rằng, Nghị định 119 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi còn chưa quy định cụ thể, có khá nhiều hành vi cần được xử lý và bổ sung như: Kinh doanh thuốc thú y hết hạn; vận chuyển thu gom, lưu giữ động vật chứa chất cấm; mua bán nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y cho doanh nghiệp chưa được cấp phép thuốc thú y, thuốc y tế chữa bệnh cho động vật, xử phạt chưa mang tính răn đe...