Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND TP Hà Nội từ 13/4 đến 20/4

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021; Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội Bãi bỏ 10 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND TP Hà Nội từ 13/4 đến 20/4.

Quý I/2020, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72%
3 tháng đầu năm 2020, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu làm gián đoạn hầu hết hoạt động kinh tế, xã hội.

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã đoàn kết, đồng lòng, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và đã đạt được những kết quả cơ bản như sau:

Tăng trưởng kinh tế được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%) - cao gấp 9 lần Thành phố Hồ Chí Minh (0,42%) nhưng thấp hơn cả nước (3,82%). Cụ thể các ngành như sau: Dịch vụ tăng 3,20% (cùng kỳ tăng 7,10%); Công nghiệp và xây dựng tăng 5,46% (cùng kỳ tăng 7,84%); Nông nghiệp giảm 1,17% (cùng kỳ tăng 3,19%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,44% (cùng kỳ tăng 6,9%).
 

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 2,5% (cùng kỳ tăng 11%). Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,1% (cùng kỳ tăng 12,9%); Kim ngạch nhập khẩu giảm 21,3% (cùng kỳ tăng 3%). Khách du lịch giảm mạnh; tổng lượng khách du lịch giảm 47,2% (cùng kỳ tăng 9,1%), trong đó, khách quốc tế giảm 43,9% (cùng kỳ tăng 12,6%); tổng doanh thu giảm 38,8% (cùng kỳ tăng 32%).

Thu NSNN trên địa bàn đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 30,3%). Thu nội địa đạt 66.564 tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán, tăng 6,0% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương đạt 13.676 tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán (cùng kỳ đạt 11,9%). Kế hoạch đầu tư công cấp Thành phố đầu năm giao 14.971,987 tỷ đồng cho 207 dự án. Đến nay, đã tổ chức đấu thầu và khởi công 30/84 dự án mới, còn 54 dự án tiếp tục đấu thầu, khởi công trong các quý còn lại.

Hà Nội đã triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản đang/sắp vào vụ thu hoạch trước nguy cơ dư nguồn cung, giải tỏa áp lực cho hoạt động xuất khẩu trước tác động của dịch bệnh.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu trong nước. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ Quý I đạt 707.668 tỷ đồng, tăng 7,4% cùng kỳ. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,4% (cùng kỳ tăng 10,2%), tổng mức bán lẻ tăng 2,3% (cùng kỳ tăng 10,1%).

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, nhất là về tiếp cận đất đai và triển khai dự án. Tiếp tục rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai.

Thành phố quán triệt, thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ, các Bộ, ngành và Thành ủy về phòng và chống dịch bệnh Covid-19; nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý ngay những vấn đề phát sinh của dịch bệnh. Đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh; triển khai thực hiện nghiêm 07 nhóm nhiệm vụ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg và Chỉ thị số c16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/UBND về cách ly xã hội từ 01-15/4/2020 và Chỉ thị số 06/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố với 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Đẩy nhanh tiến độ 237 dịch vụ công còn lại của Thành phố, đồng thời mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Tăng cường tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp; đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và sớm trước quy định cho doanh nghiệp và người dân; duy trì tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện qua mạng,...; mở rộng các phương thức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hình thức trực tuyến.
Khẩn trương kết nối, tích hợp 249 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị công bố dịch vụ công trực tuyến; văn bản của Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ngày 20/4/2020, UBND Thành phố ban hành văn bản số 1392/UBND-THCB nêu chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hện tốt việc triển khai kết nối, tích hợp dịch vụ công trực tuyến Thành phố trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đầu năm 2020, toàn Thành phố chỉ còn 0,2% tỷ lệ hộ nghèo

Thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 03/4/2016 về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 phù hợp tình hình thực tế của Thành phố. Sau gần 05 năm thực hiện kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả rất quan trọng, cụ thể như sau:

Cuối năm 2017, Thành phố không còn hộ nghèo diện chính sách người có công; không còn xã, thôn thuộc diện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn , hoàn thành trước 01 năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố còn dưới 1,2%, nếu trừ hộ nghèo chính sách BTXH còn 0,6%, hoàn thành trước 02 năm mục tiêu giảm nghèo của Thành phố giai đoạn 2016-2020.

Tính đến đầu năm 2020, theo chuẩn Trung ương, thành phố Hà Nội còn 4.112 hộ nghèo, chiếm 0,2% và có 3.939 hộ cận nghèo, chiếm 0,19% tổng số hộ dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Trung ương giảm từ 2,97% đầu giai đoạn xuống còn 0,2%.

Theo chuẩn của Thành phố, thành phố Hà Nội còn 8.692 hộ nghèo, chiếm 0,42% và có 41.937 hộ cận nghèo, chiếm 2,01% tổng số hộ dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Thành phố giảm từ 3,64% xuống còn 0,42% (giảm 52.212 hộ).

Từ năm 2016 đến nay, thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo tập trung huy động các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực tại chỗ của địa phương để tạo lập nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến ngày 31/3/2020, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội là 8.766 tỷ đồng, tăng 3.579 tỷ đồng (69%) so với năm 2015.

Tính đến ngày 31/3/2020, UBND-Ban đại diện HĐQT NHCSXH Thành phố đã chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH Thành phố giải ngân 13.588 tỷ đồng cho gần 434.000 lượt khách hàng vay vốn thông qua 17 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số thu nợ trong giai đoạn này là 10.028 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng đến ngày 31/3/2020 là 8.723 tỷ đồng với trên 289.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 3.588 tỷ đồng (69%) so với năm 2015. Trong đó, một số chương trình tín dụng đã có ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn.

Trong đó, về Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện cho vay 4.069 hộ với tổng doanh số cho vay đạt 102 tỷ đồng; dư nợ đến ngày 31/3/2020 đạt 122 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,4% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng với trên 7.000 hộ đang vay vốn, dư nợ bình quân đạt 17 triệu đồng/hộ, trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg là 101 tỷ đồng và dư nợ cho vay theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg là 21 tỷ đồng.

Hà Nội có 112 ca mắc COVID-19

Lũy tích đến ngày 23h00’ ngày 20/4/2020, Hà Nội có 112 ca mắc (75 trường hợp đã khỏi ra viện, 37 trường hợp đang điều trị), trong đó: 38 ca phát hiện tại Sân bay/khu cách ly tập trung (chưa về cộng đồng); 74 ca được phát hiện tại cộng đồng (13 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh).

Trong tuần có 04 ca mắc mới (03 trường hợp tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh; 01 trường hợp tại thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) giảm 10 ca so với tuần trước đó (tuần trước 14 ca).

Các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai như sau:

Ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh: Ổ dịch có 13 ca mắc COVID-19 trong đó tại Xóm Bàng (05); Xóm Hội (05); Xóm Đường (01); Xóm Chợ (02).

Tiếp tục khoanh vùng, cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi từ ngày 08/4/2020: Lập 12 chốt kiểm soát ra/vào, 74 tổ giám sát đến từng hộ gia đình theo dõi sức khỏe (02 lần/ngày).

Xét nghiệm sàng lọc 12.673 người dân xã Mê Linh (trong đó: 10.149 mẫu tại thôn Hạ Lôi, 1.834 mẫu tại thôn Liễu Trì và 690 mẫu tại thôn Ấp Hạ), kết quả: 05 dương tính, 12.668 âm tính. Xét nghiệm 734 trường hợp F1, kết quả: 07 dương tính, 727 âm tính

Ổ dịch tại Xóm Trên, thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, Thường Tín: Khoanh vùng cách ly y tế khu vực xóm Trên, thôn Đông Cứu (399 hộ dân, 1.367 nhân khẩu) từ ngày 16/4/2020; lập 04 chốt kiểm soát ra/vào.

Rà soát các đối tượng F1: có 50 trường hợp và chuyển lên khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng An Ninh-ĐHQGHN, Thạch Thất.

Rà soát và ra quyết định cách ly tại gia đình với các đối tượng F2: 176

Thành lập 08 tổ theo dõi sức khoẻ 2 lần/ngày đối với toàn bộ dân thôn Đông Cứu

Huyện Thường Tín bố trí 03 tổ điều phối, vận chuyển cung ứng hàng hóa đảm bảo đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ người dân trong khu vực cách ly

Đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.196 mẫu PT-PCR cho người dân của thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín. Kết quả tất cả đều âm tính.

Ổ dịch tại bệnh viện Thận Hà Nội: Tiếp tục cách ly tại Bệnh viện Thận Hà Nội, kiểm soát chặt chẽ nhân viên y tế và bệnh nhân vào bệnh viện.

Triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ người bệnh và cán bộ y tế của bệnh viện. Các mẫu xét nghiệm của những người có liên quan, kết quả đểu âm tính.

Hoàn thành xét nghiệm cho tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân, cụ thể: 45 trường hợp F1 âm tính; 687 người liên quan khác (143 nhân viên BV Thận, 517 bệnh nhân ngoại trú, 27 bệnh nhân nội trú, người nhà) đều âm tính.

Ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai: Đến nay các đơn vị đã rà soát 31.112 trường hợp có liên quan đến yếu tố BV Bạch Mai, xét nghiệm 29.411 mẫu, kết quả: 08 dương tính, còn lại âm tính.

Về công tác xét nghiệm: Trong tuần thực hiện 19.136 mẫu (4.012 test nhanh, 15.124 mẫu RT-PCR). Lũy tích đã xét nghiệm: Lũy tích số mẫu đã xét nghiệm: 76.720 mẫu, trong đó: 60.827 mẫu xét nghiệm RT-PCR, 15.893 mẫu test nhanh. Các đơn vị đã tổ chức xét nghiệm nhanh 1.064 người tại các chợ đầu mối Đền Lừ - Hoàng Mai, Yên Sở - Hoàng Mai, Long Biên - Ba Đình, Hà Vỹ - Thường Tín và Ngã Tư Sở - Đống Đa. Các quận, huyện, thị xã đã rà soát được 2.970 người có liên quan tới các chợ hoa tại Mê Linh, Quảng Bá, Tây Tựu và làm xét nghiệm nhanh được 2.937 người.

Ứng dụng Cổng thông tin Thành phố (Hà Nội SmartCity): Tổ chức hướng dẫn cập nhật dữ liệu người nhiễm, nghi nhiễm Covid -19 lên ứng dụng Hà Nội Smartcity cho cán bộ của 29 trung tâm, trạm y tế phục vụ công tác quản lý và điều hành của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Tổ chức cập nhật được 22.249 người thuộc diện quản lý, giám sát trên ứng dụng, trong đó 14.317 người liên quan tới ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, 7.932 người nghi nhiễm khác để phục vụ quản lý, giám sát theo quy định. Tính đến 17h ngày 19/4/2020, đã có 15.231.471 lượt truy cập xem bản đồ dịch trên ứng dụng; 57.038 tài khoản được đăng ký sử dụng trên hệ thống và 694.095 lượt tải ứng dụng trên 02 nền tảng di động IOS và Android và tiếp nhận, xử lý 2.579 phản ánh, kiến nghị của người dân về các lĩnh vực như: y tế (dịch Covid-19), giao thông, an ninh, môi trường....
Tăng cường quản lý chất thải trong phòng chống dịch COVID-19

Để tăng cường quản lý chất thải trong phòng chống dịch COVID-19, UBND Thành phố ban hành văn bản số 1351/UBND-KGVX giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm việc thu gom, lưu giữ, xử lý nước thải y tế và chuyền giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường và tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ những việc trên. Phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng quy định; không sử dụng lại đối với khẩu trang sử dụng một lần.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Hướng dẫn đôn đốc các đơn vị đủ năng lực chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn Thành phố đảm bảo kịp thời hàng ngày đáp ứng nhu cầu. Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn công tác đảm bảo môi trường phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, cơ sở cách ly y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện quản lý, xử lý chất thải

Giao Sở Xây dựng chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã đảm bảo thu gom, vận chuyển, không để tồn đọng rác thải sinh hoạt trên địa bàn; tăng cường các giải pháp phòng hộ, chống lây nhiễm bệnh COVID-19 trong cán bộ, công nhân, giữ gìn an toàn lực lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố.

Giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị cân đối, bố trí kinh phí thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải trong công tác phòng chống dịch (nếu có) theo quy định.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và chỉ đạo các cơ quan báo, đài Thành phố, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh, truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng quy định, không sử dụng lại đối với khẩu trang sử dụng một lần.

Giao UBND các quận, huyện, thị xã: chủ động xây dựng phương án xử lý chất thải y tế nguy hại, chất thải lây nhiễm từ khu vực cách ly trên địa bàn quản lý. Chủ động phối hợp với Sở Y tế để nắm bắt tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh trên địa bàn và khoanh vùng để quản lý chặt chẽ chất thải phát sinh theo quy định. Hướng dẫn, tuyên truyền và giám sát việc phân loại, lưu giữ các loại chất thải phát sinh tại khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi cư trú theo quy định.

Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội

Để tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, tại văn bản số 1232/UBND-ĐT ngày 14/4/2020, UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải (cơ quan thường trực Ban ATGT Thành phố) chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

Giao lực lượng công an, nòng cốt là cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng cảnh sát khác và thanh tra giao thông vận tải kết hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, phòng chống dịch bệnh COVID-19 với tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, ưu tiên xử lý các lái xe có hành vi vi phạm quy định về tốc độ, phần đường, làn đường, tín hiệu giao thông; xử lý các vụ tụ tập, chạy xe thành đoàn, “lạng lách”, “đánh võng” gây rối trật tự công cộng, cương quyết trấn áp các đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ.

Đề nghị các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, đặc biệt là đài truyền hình, phát thanh, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh, đồng thời xác định việc tuân thủ các quy định pháp luật về TTATGT, hiệu lệnh của người thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; “đã uống rượu, bia - không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không vượt đèn đỏ; đi đúng phần đường, làn đường; chú ý quan sát khi qua các nút giao; tham gia giao thông an toàn trong thời gian thực hiện cách ly xã hội là góp phần cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Chỉ đạo việc một số địa phương vận chuyển công dân sau khi hết hạn cách ly về tập trung tại bến xe trên địa bàn Hà Nội

Ngày 17/4/2020, UBND Thành phố có văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Giao thông Vận tải về việc một số địa phương vận chuyển công dân sau khi hết hạn cách ly về tập trung tại bến xe trên địa bàn Hà Nội. Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Du lịch, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô thực hiện theo quy định, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch theo đúng quy định. Trước đó, để việc vận chuyển công dân sau thời gian cách ly được đảm bảo theo công tác phòng chống dịch COVID-19, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố đề nghị tổ chức vận chuyển công dân sau thời gian cách ly đến ga Hà Nội hoặc cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (đối với công dân có nhu cầu di chuyển tiếp bằng máy bay, tàu hỏa), đồng thời thông báo cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội danh sách phương tiện và hành khách phối hợp kiểm tra, giám sát. Đối với công dân sinh sống ngoài thành phố Hà Nội và không có nhu cầu di chuyển tiếp bằng máy bay, tàu hỏa, Sở đề nghị giao Bộ Tư lệnh Thủ đô báo cáo Bộ Quốc phòng và có văn bản gửi Bộ chỉ huy quân sự các địa phương đề nghị không vận chuyển công dân về tập trung tại các điểm công cộng trên địa bàn Hà Nội mà thực hiện vận chuyển công dân theo phương án vận chuyển của Bộ Quốc phòng.

Phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động tại các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông

Cũng trong ngày 17/4/2020, UBND Thành phố có văn bản số 1372/UBND-ĐT giao Giám đốc Sở Giao thông Vận tải căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo các địa phương thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, an toàn phòng chống dịch trong hoạt động tại các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn Thành phố trong thời gian thực hiện phòng chống dịch; theo tình hình thực tiễn và các chỉ đạo cụ thể từng thời điểm của Chính phủ và Thành phố trong công tác phòng chống dịch COVID-19, chủ động chỉ đạo dừng hoặc cho hoạt động trở lại (nhưng phải đảm bảo giãn cách và các biện pháp phòng dịch) bến thủy nội địa, bến khách ngang sông đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021

Ngày 17/4/2020, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1612/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021 thay thế Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 ban hành kèm theo Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 18/02/2020 của UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, năm học 2019 - 2020, dự kiến toàn Thành phố có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, dự kiến 62% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 2,6% được tuyển vào trường THPT công lập tự chủ, 20% được tuyển vào trường THPT ngoài công lập, 7,5% được tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 7,9% số học sinh tham gia học nghề. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 tất cả các trường THPT công lập. Bài thi: tổ chức thi 3 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn (thời gian làm bài 120 phút/bài thi), ngoại ngữ (thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút). Thời gian thi: ngày 17, 18/7/2020.

Tổ dân phố mới phải có 450 hộ gia đình trở lên

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 17/4/2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày ký) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố ban hành hành kèm theo Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 19/9/2019 của UBND thành phố Hà Nội như sau:

1. Sửa đổi Khoản 2, Điều 3:

“Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới. Trường hợp đặc biệt, đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình quá lớn, hoạt động gặp nhiều khó khăn, có thể xem xét chia tách để thành lập thôn, tổ dân phố mới nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 8 Quy chế này”.

2. Sửa đổi Điều 4:

“Điều 4. Tổ chức của thôn, tổ dân phố

Mỗi thôn có Trưởng thôn, trường hợp cần thiết thì có 01 Phó Trưởng thôn; mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng tổ dân phố, trường hợp cần thiết thì có 01 Phó Tổ trưởng tổ dân phố”.

3. Sửa đổi tiết a.2, Điểm a, Khoản 01 và bổ sung Khoản 3 vào Điều 8:

“Điều 8. Điều kiện, quy trình, hồ sơ thành lập thôn, tổ dân phố mới

a.2) Đối với tổ dân phố mới: phải có 450 hộ gia đình trở lên

Trường hợp khu vực dân cư mới hình thành nhưng chưa đủ các điều kiện để thành lập thôn, tổ dân phố theo quy định thì ghép vào thôn, tổ dân phố hiện có cho phù hợp, bảo đảm thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền cấp xã và các hoạt động của thôn, tổ dân phố. Trình tự thủ tục ghép các khu vực dân cư mới hình thành vào thôn, tổ dân phố hiện có theo quy định tại Điều 14 Quy chế này.

Đối với tòa nhà cao tầng tại các khu đô thị mới hoặc các khu vực dân cư có vị trí biệt lập đặc thù mà cơ bản đảm bảo các điều kiện theo quy định thì được xem xét thành lập tổ dân phố mới”.

Trong trường hợp cần thiết, UBND Thành phố sẽ xem xét, trình HĐND Thành phố việc thành lập thôn, tổ dân phố tại kỳ họp HĐND Thành phố gần nhất theo đề xuất của Sở Nội vụ.

Bãi bỏ 10 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt Quyết định số 1574/QĐ-UBND ngày 16/4/2020 về việc công bố Danh mục TTHC, TTHC bị bãi bỏ lĩnh vực đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Theo đó, công bố:

- 06 thủ tục hành chính lĩnh vực đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải bao gồm: (1) Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. (2) Cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh bị thu hồi, bị tước quyền sử dụng. (3) Cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng. (4) Cấp phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải (kinh doanh vận tải hành khách: bằng xe ô tô theo tuyến cố định, bằng xe buýt theo tuyến cố định, bằng xe taxi, xe hợp đồng; kinh doanh vận tải hàng hóa: bằng công-ten-nơ, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải). (5) Cấp lại phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải (kinh doanh vận tải hành khách: bằng xe ô tô theo tuyến cố định, bằng xe buýt theo tuyến cố định, bằng xe taxi, xe hợp đồng; kinh doanh vận tải hàng hóa: bằng công-ten-nơ, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải). (6) Đăng ký khai thác tuyến.

Bãi bỏ 10 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải, bao gồm: (1) Cấp lại Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp Giấy phép bị hư hỏng, hết hạn, bị mất hoặc có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép. (2) Cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. (3) Cấp phù hiệu xe nội bộ. (4) Cấp lại phù hiệu xe nội bộ. (5) Cấp phù hiệu xe trung chuyển. (6) Cấp lại phù hiệu xe trung chuyển. (7) Cấp phù hiệu cho xe taxi, xe hợp đồng, xe vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo, xe kinh doanh vận tải hàng hóa, xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe kinh doanh vận tải bằng xe buýt. (8) Cấp lại phù hiệu cho xe taxi, xe hợp đồng, xe vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo, xe kinh doanh vận tải hàng hóa, xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe kinh doanh vận tải bằng xe buýt. (9) Đăng ký khai thác tuyến. (10) Lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định.

Các thủ tục hành chính: Thủ tục số 21, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 40, 41 Phần I lĩnh vực Đường bộ tại Quyết định số 4267/QĐ-UBND ngày 09/8/2019 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Thủ tục số 03 Phần I lĩnh vực Đường bộ tại Quyết định số 5410/QĐ-UBND ngày 30/9/2019 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hết hiệu lực.

Khẩn trương điều tra, mở rộng, sớm đưa vụ án điều khiển xe máy gây rối trật tự công cộng tại khu vực hồ Hoàn Kiếm ra xét xử

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm có Báo cáo số 87/BC-UBND về kết quả giải quyết việc tụ tập, điều khiển xe máy gây rối trật tự công cộng tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Theo đó, tính đến ngày 13/4/2020, Công an quận Hoàn Kiếm đã tổ chức bắt giữ và điều tra truy xét 33 đối tượng. Căn cứ hành vi vi phạm, tài liệu chứng cứ thu thập được đã điều tra, làm rõ 24 đối tượng vi phạm và có biểu hiện vi phạm. Cơ quan CSĐT - Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây rối trật tự công cộng để điều tra, đồng thời ra quyết định tạm giữ hình sự 15 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng, tạm cho cam đoan về 9 đối tượng.

Xét báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, tại văn bản số 3248/VP-NC ngày 20/4/2020, Chủ tịch UBND Thành phố giao Công an Thành phố chỉ đạo Công an quận Hoàn Kiếm, các phòng nghiệp vụ có liên quan khẩn trương điều tra, mở rộng, củng cố tài liệu chứng cứ, phối hợp chặt chẽ với các ngành nội chính sớm đưa vụ án ra xét xử để răn đe, phòng ngừa chung. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị có biện pháp phòng ngừa không để tái xảy ra tình trạng trên.

Chấm dứt hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội và giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội

Để triển khai thực hiện Nghị định số 9/2020/NĐ-CP ngày 13/01/2020 của Chính phủ về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ bảo trì đường bộ và đảm bảo tính đồng bộ, tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành có liên quan, xét đề xuất của liên sở: Giao thông Vận tải - Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 17/4/2020 về việc chấm dứt hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội và giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội được thành lập tại Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 27/2/2014 của UBND Thành phố về việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ Hà Nội; số 1175/QĐ-UBND ngày 27/2/2014 về việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội từ ngày 01/3/2020.

UBND Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải đề xuất xử lý các vấn đề tài chính của Quỹ như: tài sản, quyết toán kinh phí đã bố trí cho Quỹ năm 2020, kinh phí bố trí chuyển tiếp cho các dự án dở dang. Sở Giao thông Vận tải xử lý các vấn đề về nhân sự (thôi kiêm nhiệm), tài sản, chuyển tiếp nhiệm vụ đối với các cơ quan liên quan, thu nộp con dấu của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội theo đúng quy định.

Quyết định số 6436/QĐ-UBND ngày 3/12/2014 của UBND Thành phố ban hành Quy chế hoạt động, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ Hà Nội hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2020.