Chi phí điều trị Covid-19 khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B ra sao?

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B "sẽ không điều trị miễn phí mà người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được thanh toán theo quy định của BHYT.

Liên quan đến vấn đề điều trị Covid-19 khi chuyển Covid-19 từ nhóm A sang B, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B "sẽ không điều trị miễn phí mà người dân có thẻ BHYT sẽ được thanh toán theo quy định của BHYT. Chuyển về thay đổi trong thanh toán, còn về phác đồ và phương thức điều trị vẫn như bình thường.

Về vấn đề này, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp cùng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển từ nhóm A đang nhóm B. Hiện, Bộ Y tế đang chỉnh sửa các hướng dẫn về chuyên môn như: chẩn đoán, điều trị, phòng, chống lây nhiễm của Covid-19 để khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B sẽ triển khai ngay.

Người dân tiêm vaccine Covid-19
Người dân tiêm vaccine Covid-19

“Việc chuyển từ nhóm A sang nhóm B dự kiến diễn ra trong tháng 6/2023. Khi Thủ tướng ký công bố hết hiệu lực của Quyết định 447 thì Bộ Y tế cũng đồng thời ký ban hành hướng dẫn về chuyển dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.

Đề cập đến vấn đề kiểm soát bệnh Covid-19 khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Phan Trọng Lân cho biết, Bộ Y tế sẽ tăng cường triển khai các điểm giám sát trọng điểm.

Trong đó, tiếp tục thực hiện giám sát giải trình tự gen và giám sát các trường hợp viêm phổi nặng, các ca bệnh nặng, ổ dịch có diễn biến bất thường tại cơ sở y tế, cộng đồng. Trong quá trình giám sát, khi kết quả giải trình tự gen có biến đổi bất thường sẽ phát hiện nhanh chóng để xử lý kịp thời.

Liên quan đến vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức lưu ý, khi chuyển dịch Covid-19 sang nhóm B, các địa phương cần rà soát lại tình hình dịch tại địa phương mình, từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Trong đó, các địa phương tập trung bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch Covid-19 cùng với việc quản lý các bệnh truyền nhiễm khác, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ lồng ghép giám sát Covid-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm cả giám sát trọng điểm. Tiếp tục thực hiện giám sát giải trình tự gen và giám sát các trường hợp viêm phổi nặng, các ca bệnh nặng, ổ dịch có diễn biến bất thường tại các cơ sở y tế, cộng đồng.

Bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Rà soát, sửa đổi, cập nhật các phác đồ điều trị, quản lý bệnh nhân Covid-19, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện phù hợp với tình hình mới. Triển khai tiêm vaccine làm một trong những hoạt động tiêm chủng thường xuyên.