Chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ, việc EVN liên tiếp giảm giá điện cho khách hàng trong 2 đợt năm 2020 và lần 3 năm 2021 đã phần nào chia sẻ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt đối với người dân, DN sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đáng quý và thiết thực
Trước những khó khăn của dịch Covid-19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giảm tiền điện đợt 3 cho khách hàng bị ảnh hưởng. Theo đó, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19; Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nghiễm, đã nhiễm Covid-19...

Thông báo giảm tiền điện lần 3 của EVN. Ảnh: Hoàng Anh 
Bộ Công Thương cũng nêu rõ, không thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đối với các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thu phí cách ly y tế tập trung theo chỉ đạo. Thời gian hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021. Ước tính, số tiền hỗ trợ giảm giá điện đợt 3 cho khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch khoảng 1.470 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT); cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 100 tỷ đồng. Tổng số tiền giảm giá điện, giảm tiền điện 3 đợt là hơn 13.800 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi - Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Năng lượng (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đưa ra quan điểm, đây là quyết định kịp thời, đúng, chính xác của Chính phủ. Thứ nữa, đó là nỗ lực của EVN trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ nhằm hỗ trợ trực tiếp tới các đối tượng bị ảnh hưởng dịch. Tuy nhiên, nếu đối tượng nào cũng đòi hỏi nhận được ưu đãi giảm giá thì khó, vì EVN cũng là một DN kinh doanh không thể để thất thoát.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ quyết định giảm giá tiền điền cho người tiêu dùng trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong lần giảm giá tiền điện đầu vào tháng 4, 5, 6/2020, lần 2 vào tháng 10, 11, 12/2020 tất cả các DN, người tiêu dùng đều rất hoan nghênh vì đã phần nào giảm chi phí khá lớn. Việc tiếp tục giảm giá điện trong giai đoạn hiện nay mang ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế.
Công nhân EVNNPC sửa chữa điện trong những ngày nắng nóng 2021. Ảnh: Hoàng Anh
Khi có quyết định, đa số khách hàng trong diện đồng loạt nhận được tin nhắn thông báo số tiền được khấu trừ nhờ chính sách hỗ trợ khách hàng đợt 2 theo quy định của năm 2020. Số tiền đó đã được hoàn trả cùng thời điểm thu tiền hóa đơn các tháng kế tiếp. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết người tiêu dùng đều rất phấn khởi với gói hỗ trợ trực tiếp, kịp thời và hiệu quả, giúp giảm bớt khó khăn về tài chính. Cùng với đó, các DN sản xuất kinh doanh được hỗ trợ giảm giá tiền điện cũng rất phấn khởi. Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương chia sẻ, là DN chuyên sản xuất truyền thống và công nghệ hiện đại để cho ra sản phẩm Phở tươi và Phở khô Hà Thành, dây chuyền sản xuất của DN tiêu thụ điện hàng tháng tương đối lớn, việc giảm giá điện là chính sách khá hợp lý, kịp thời, hỗ trợ phần nào chi phí sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn.
“Số tiền được giảm nhiều hay ít tùy theo mô hình sản xuất, kinh doanh của DN, nhưng đó là nguồn khích lệ tinh thần để các DN cùng nỗ lực vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Điều đó cũng thể hiện sự chung tay, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng DN” – nữ doanh nhân nói.
Nên mở rộng thêm đối tượng
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm giá điện, tiền điện được coi là giải pháp thiết thực nhất hỗ trợ hộ tiêu dùng sinh hoạt, các DN sản xuất trong bối cảnh thu nhập giảm mạnh, chi phí, giá xăng, thất nghiệp đều gia tăng. Giai đoạn hiện nay là thời điểm rất quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế. Hiện, các DN đều đang chạy đua để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% như Quốc hội đã đặt ra. Tuy nhiên, trước sự càn quét của đại dịch Covid-19 như hiện nay, ngoài các cơ sở cách ly tập trung được ưu tiên, nên xem xét giảm giá điện cho các DN sản xuất, kinh doanh...
Công nhân EVN dùng thiết bị công nghệ kiểm tra thông số kỹ thuật đảm bảo cung cấp điện trong những ngày nắng nóng 2021. Ảnh: Hoàng Anh
Đánh giá về vấn đề, theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa, thông thường trong cơ chế thị trường sản phẩm thừa, cung lớn hơn cầu, giá phải giảm. EVN giảm giá điện cho khách hàng là hợp lý, nhất là trong mùa nắng nóng tiền điện thường tăng cao hơn, cộng với tác động của dịch bệnh. Vị này đề xuất thêm là trong cơ chế điều tiết giá điện cần nghiên cứu trong tình hình mới khi có sự tham gia của nhiều nguồn năng lượng tái tạo, phải có tiêu chí giá vào giờ thấp điểm, cao điểm, khuyến cáo người dân sử dụng phù hợp để tránh giá tăng đột biến.
GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, chu kỳ điều chỉnh giá, từng có đề xuất 6 tháng điều chỉnh/lần, có thể giữ nguyên hoặc tăng/giảm giá, song cần phải thông báo định kỳ về việc điều chỉnh để người dân quen với việc này. Ông Long khuyến nghị, không thể ngẫu hứng và điều chỉnh không theo quy luật kinh tế thị trường, nếu ghìm lại thì bước nhảy giá điện sẽ càng cao và dư luận càng có cái nhìn xấu. Cần đưa vào cơ chế điều chỉnh giá điện thường xuyên để thấy giá điện theo diễn biến thị trường.
Cùng với gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân và DN, việc giảm giá điện và tiền điện sẽ hỗ trợ giảm bớt một phần khó khăn cho người dân nghèo, người yếu thế và DN do tác động của dịch bệnh. Việc hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được áp dụng đúng đối tượng, đúng thời gian.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn