Chiêm nghiệm về cốt tử

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn cuộc sống từ góc độ cái chết, cuốn tiểu thuyết “Kể xong rồi đi” vừa ra mắt của Nguyễn Bình Phương vẽ một bức tranh đầy đủ hơn về cõi nhân gian bề bộn, cho thấy cái chết ở gần hơn ta tưởng, tham dự vào bàn tiệc cuộc sống nhiều hơn ta nghĩ.

Có thể tìm thấy trong đó nhiều chuyến đi của những con người và số phận khác nhau, thấp hèn hay vinh quang, nhẹ nhàng hay khốc liệt, ngẫu nhiên hay tất nhiên, nhưng tất cả đều cùng một điểm đến, và tất cả đều làm sáng rõ hơn dáng hình của cái chết: Vừa giản dị, vừa quyền lực, vừa kinh dị và lại vừa mang vẻ đẹp siêu phàm.
 Bìa cuốn sách ''Kể xong rồi đi''
Câu chuyện xoay quanh cái chết của một ông đại tá về hưu. Đầu tác phẩm, ông bị đột quỵ và ở cuối tác phẩm thì chết/hoặc sắp chết. Quá trình từ lúc ông đại tá bị bệnh nằm viện, cho đến khi được đưa trở về nhà là hành xử, tâm trạng của đám con cái. Toàn bộ câu chuyện lại được kể lại qua “thằng hâm hấp, thằng cháu bồ côi bồ cút mắt lác” của đại tá được ông mang về nuôi. Cậu ta có mặt trong gia đình đó ở vị trí của kẻ ăn nhờ ở đậu, không có tiếng nói, cậu ta vừa là người tham dự lại vừa là kẻ đứng ngoài.

“Kể xong rồi đi” không đơn giản là chuyện kể về đại tá, với tất cả những vang động ở đây, câu chuyện là những ám dụ: Mỗi con người xuất hiện trong cuộc đời này là để kể câu chuyện của mình, và kể xong thì đi, theo những cách khác nhau do sắp xếp bí mật hoặc ngẫu nhiên của định mệnh. Chiêm nghiệm về một điều cốt tử của đời sống con người, câu chuyện thấp thoáng bóng dáng của một triết gia. Cuốn tiểu thuyết không để lại cảm giác nặng nề. Nó như một tiếng thở dài man mác, “vừa uể oải, vừa như rất hài lòng, lại vừa như cho xong đi”.