Chính biến tại Myanmar: Liên Hợp quốc kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự

Nguyễn Phương (Theo UN, AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặc phái viên Liên Hợp quốc tại Myanmar kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo chính trị bị giam giữ sau cuộc chính biến, gồm Tổng thống U Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

>>> Chính biến tại Myanmar: Chính quyền quân sự trả tự do cho hàng trăm người biểu tình

>>> Hội đồng hành pháp Myanmar đang hợp tác với 5 nước láng giềng

>>> Mỹ và các đồng minh áp lệnh trừng phạt đối với quân đội MyanmarNgày 26/3, Đặc phái viên của Liên Hợp quốc (LHQ) tại Myanmar, bà Christine Schraner Burgener kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar đảm bảo những quyền cơ bản của con người và các tiêu chuẩn dân chủ theo chế độ dân sự vì sự thịnh vượng của đất nước Myanmar.
 Đặc phái viên của Liên Hợp quốc (LHQ) tại Myanmar, bà Christine Schraner Burgener. Ảnh: AP
Bà Burgener cũng hối thúc quân đội Myanmar kiềm chế tối đa khi các cuộc biểu tình phản đối cuộc chính biến diễn ra ở nhiều thành phố và thị trấn.
Quan chức LHQ khẳng định, luôn sát cánh đoàn kết cùng nhân dân Myanmar hướng tới hòa bình, đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar thả các nhà lãnh đạo và quan chức chính phủ dân sự mà họ bắt giữ, bao gồm Tổng thống Win Myint và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Bà Burgener cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực của LHQ hướng tới việc tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Các nhà quan sát Myanmar xác nhận ít nhất 320 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar, trong khi chính quyền quân sự đã vừa thả tự do cho khoảng gần 1.000 người khác bị bắt giam trước đó.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết, ít nhất 320 người biểu tình đã thiệt mạng kể từ đầu tháng 2 đến nay. AAPP xác nhận 3 người biểu tình đã thiệt mạng hôm 26/3, trong đó 2 người bị trúng đạn vào đầu tại thị trấn Myeik ở miền Nam.
Các cuộc biểu tình phản đối cuộc chính biến vẫn tiếp tục nổ ra ở nhiều khu vực trên khắp Myanmar trong đêm 25/3 và ngày 26/3, đặc biệt tại các điểm nóng như Mandalay, Sagaing, Karen và Chin.
Hôm 1/2, quân đội Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở nước này trong vòng 1 năm, đồng thời bắt giữ các lãnh đạo dân sự với cáo buộc gian lận bầu cử và vi phạm các quy định hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19. Cuộc chính biến đã khiến các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra, tới nay đã bước sang tuần thứ sáu.