Chống xâm hại tình dục trong trường học: Coi trọng giáo dục kỹ năng phòng, tránh

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác giáo dục giới tính, trang bị kiến thức phòng chống xâm hại trong trường học đang đặt ra ở mức cấp thiết khi các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương thời gian vừa qua.

Báo động đỏ
Theo số liệu công bố của Bộ LĐTB&XH trong 5 năm (2011 - 2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Trong đó, số vụ xâm hại tình dục (XHTD) chiếm tới 65% (5.300 vụ). Điều đáng nói là 93% nghi phạm trong các vụ XHTD trẻ em lại là những người thân quen của nạn nhân và gia đình. Có những trường hợp do sự lơ là của người lớn, nhưng cũng có trường hợp các em bị xâm hại ở những nơi ít ngờ đến nhất.

Bức ảnh ông Th, người nghi có hành vi dâm ô là cháu N (6 tuổi) tại chung cư Lakeside tại Vũng Tàu.  Ảnh:  Minh Hòa

Trong một buổi toạ đàm về quấy rối, XHTD trẻ em và bạo lực học đường, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết: Các số liệu về bạo lực, lạm dụng tình dục tại Việt Nam cho thấy tình trạng bạo lực, lạm dụng tình dục tại trường học, trên đường đến trường đang rất đáng báo động. Tại Việt Nam, 19% số học sinh (HS) từng bị quấy rối tình dục, 10% từng bị bạo lực tình dục, trong đó 81% là trẻ em gái; 20% từng bị động chạm không mong muốn.
Trước báo động đỏ về nạn bạo lực học đường, XHTD trẻ em, một số quận, huyện của Hà Nội đã lồng ghép trong các bài học, hoạt động ngoại khóa về phòng chống bạo lực cho HS. Tại quận Tây Hồ, lãnh đạo phòng GD&ĐT quận cho biết, đã phối hợp với Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình tổ chức câu lạc bộ giáo dục giới tính cho HS tiểu học, THCS. Thông qua các hoạt động giao lưu với chuyên gia, HS được trang bị kiến thức về sức khỏe giới tính, phòng chống xâm hại... Tương tự, phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã chỉ đạo các nhà trường lồng ghép giáo dục đạo đức, đặc biệt đưa giáo dục giới tính giảng dạy trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp từ năm học 2015 – 2016.
Khắc phục tâm lý né tránh
Thực tế, việc trang bị các kiến thức về sức khỏe giới tính và phòng chống xâm hại không phải trường nào cũng có ý thức và năng lực triển khai một cách bài bản. Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, hiện nay, công tác giáo dục giới tính, phòng chống XHTD vẫn là vấn đề nhạy cảm với cả giáo viên, phụ huynh. Khi đề cập đến vấn đề giáo dục giới tính cho HS, nhất là bậc tiểu học, không ít phụ huynh lảng tránh. “Giáo viên hoàn toàn không được đào tạo chuyên môn sâu về lĩnh vực này. Ngoại trừ giáo viên môn Sinh học có kiến thức liên quan đến môn học, còn lại các giáo viên khác không được đào tạo bài bản để dạy cho HS” – ông Vũ khẳng định. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Vũ, dù phụ huynh không muốn đề cập đến cũng không thể tránh né thực tế, bởi HS đã tiếp cận nhiều thông tin liên quan đến giới tính từ mạng xã hội. Bên cạnh đó, nếu để giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ nói về vấn đề này nhiều khi không đem lại hiệu quả vì tâm lý e ngại, không biết cách chia sẻ từ cả 2 phía. Để giải quyết vấn đề này, cần phối hợp với những chuyên gia có kiến thức sâu về giới tính để có thể hòa nhập với tâm lý HS, định hướng cho HS từ những chia sẻ thực tế.
Chia sẻ vấn đề này, bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông) cho biết, trường chọn nội dung rèn luyện kỹ năng sống là XHTD để giáo dục cho HS. Việc giáo dục kỹ năng sống được tổ chức thành trò chơi "Tôi nói bạn làm theo", HS rất hứng thú tham gia. Bài học được bắt đầu bằng việc hỏi các em đã từng đi chơi một mình chưa, đã từng bị người lạ mặt đến hỏi han, sờ vào vị trí riêng tư?... Trong giờ học đặc biệt này, HS được nhắc nhở phải luôn luôn ghi nhớ 3 điều: Không đi chơi một mình nơi vắng vẻ, xa bố mẹ; không được nhận quà của người lạ và tuyệt đối không được cho người lạ động chạm và các vùng riêng tư trên cơ thể. “Rất nhiều HS đã chia sẻ từng đi chơi một mình, không có bố mẹ và xung quanh rất nhiều người lạ. Thậm chí, có HS nam đã chia sẻ từng bị bác ruột sờ vào vùng kín của mình rất nhiều lần. Các em không hề biết rằng đó là những nguy hiểm đang rình rập...” – bà Tâm chia sẻ.
An toàn là quan trọng số 1. Vì thế việc bố mẹ cần làm ngay là dạy trẻ biết cách bảo vệ bản thân và thoát khỏi nguy hiểm. Đặc biệt, giáo dục giới tính không thể nói vài lần, mà phải có sự đồng hành của cả xã hội từ lúc trẻ bắt đầu đến trường cho đến khi có đủ kiến thức để tự bảo vệ hoặc chịu trách nhiệm về việc mình làm.
TS Vũ Thu Hương -  Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội