Chủ tịch Quốc hội: Băn khoăn lớn nhất là sách giáo khoa

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định liên quan đến chương trình, sách giáo khoa là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), tại Phiên họp thứ 32, ngày 12/3.

Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết: Về quy định chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) bảo đảm thống nhất trong toàn quốc, Dự Luật đã cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Cụ thể, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về khẳng định chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Theo tinh thần các nghị quyết, chương trình GDPT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình GDPT và được thẩm định.
 Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: quochoi.vn
Dự Luật được trình ra lần này quy định: Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đồng thời, Dự Luật cũng quy định: "UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được Hội đồng cấp tỉnh thẩm định và được bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt". "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình GDPT, sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; ban hành Chương trình giáo dục, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở GDPT".
Dự Luật cũng quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục; việc ban hành quy định về chọn sách giáo khoa (Điều 31); bổ sung quy định về thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông trước khi ban hành (khoản 1 Điều 31) và Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc thí điểm đó sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 104).
Với lý do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định như dự thảo luật về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Lo “chạy” sách giáo khoa
Thảo luận về quy định “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục lựa chọn trên cơ sở tham khảo ý kiến giáo viên, học sinh và phụ huynh”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, Nghị quyết 29 của Trung ương đã nêu định hướng “biên soạn thêm sách giáo khoa hỗ trợ việc học và phải phù hợp với từng đối tượng người học”. Định hướng đó không có nghĩa bậc học nào (từ mầm non tới tiểu học, trung học) cũng cần biên soạn nhiều hộ sách. Còn Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc đổi mới giáo dục thì nêu rõ “Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thống nhất”. “Nói như vậy thì Dự Luật không quán triệt đầy đủ tinh thần nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 cũng như đòi hỏi của dư luận xã hội là làm một bộ sách giáo khoa thống nhất” – ông Chiến bình luận.
“Dự án Luật này thì băn khoăn nhất của tôi vẫn là sách giáo khoa" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi soạn Luật, Chính phủ cũng đã bám sát tinh thần của Quốc hội, trong đó Nghị quyết của Quốc hội đã quy định xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa, mỗi môn học có thể có một hoặc một số bộ sách giáo khoa.
"Quan điểm xã hội hóa là bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT biên soạn cũng bình đẳng như các bộ sách khác của các tổ chức, chuyên gia biên soạn đã được thẩm định. Nghị quyết quy định nhà trường tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh để lựa chọn bộ sách giáo khoa sử dụng trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Như vậy có xảy ra tình trạng chạy để được lựa chọn sách?" - Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. Ảnh: quochoi.vn
Đưa ra quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: Cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. Nhưng các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới theo hướng xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, nhưng về chất lượng thì Bộ GD&ĐT vẫn phải chịu trách nhiệm. Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường, cha mẹ học sinh là để đảm bảo tính tự chủ, linh hoạt trong giảng dạy, đặc biệt là để phù hợp với hoàn cảnh thực tế từng địa phương, phù hợp với văn hoá, lịch sử, địa lý của mỗi vùng, miền và cộng đồng dân cư.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải thích thêm: Dù có ai biên soạn sách giáo khoa thì vẫn do Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung. Như vậy thì sau khi được thẩm định, các sách giáo khoa đưa vào lưu hành đều là sách giáo khoa chuẩn quốc gia.
Giải trình rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tuân thủ chủ trương là một chương trình và nhiều bộ sách theo tinh thần đổi mới. Người dạy không phải bám chặt vào sách giáo khoa mà có thể đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng nhiều nguồn học liệu khác. Như vậy sẽ mở để phát huy tính sáng tạo của giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng bộ sách, chứ không phải đứng ra để biên soạn bộ sách riêng. Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa sẽ thẩm định, đảm bảo công bằng giữa bộ sách do Bộ chỉ đạo soạn thảo với các bộ sách do tổ chức, cá nhân khác soạn thảo. 
Đồng thời, Bộ trưởng cũng thông tin thêm, hiện nay Bộ đang chỉ đạo xây dựng bộ sách giáo khoa theo đúng Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tham gia xây dựng bộ sách này là các chuyên gia, nhà khoa học và theo nguyên tắc đấu thầu để lựa chọn, chứ đây không phải là sách giáo khoa của Bộ.