Chủ tịch Quốc hội: Những quy định chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến những ý kiến của đại biểu về vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo, thực hiện đúng pháp luật nhưng cái gì chưa đúng, chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Chức năng, nhiệm vụ tổ kiểm tra, giám sát công vụ của Thủ tướng
Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời câu hỏi của các đại biểu. Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đặt câu hỏi tới Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ tổ kiểm tra, giám sát công vụ của Thủ tướng?
Về vấn đề trên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, ngày 2/4 Thủ tướng ban hành quyết định 364 thành lập Tổ công tác kiểm tra công vụ, giao Bộ trưởng Nội vụ làm tổ trưởng và Thứ trưởng một số Bộ ngành làm tổ phó; sau đó Bộ Nội vụ đã ban hành quy chế, chương trình hoạt động của tổ công tác.
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc kỷ cương kỷ luật hành chính, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng và kế hoạch của Nhà nước, đạo đức công vụ, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đề bạt cán bộ, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Từ tháng 7 đến nay, Tổ đã thực hiện kiểm tra ở 12 đơn vị, gồm 8 tỉnh và 4 Bộ, ngành. Qua đó chỉ ra được vấn đề chấp hành chưa nghiêm quy định về nhiệm vụ hoặc quy định pháp luật, nhất là trong công tác cán bộ, tiếp công dân...
Hàng tháng, Tổ công tác đều báo cáo Chính phủ và Thủ tướng. Qua kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra bộ ngành với thành viên tổ công tác để hậu kiểm nên Tổ làm việc rất kỹ theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, kiểm tra lại và kiến nghị xử lý đối với một số vi phạm, đồng thời yêu cầu đơn vị khắc phục về đề bạt bổ nhiệm cán bộ.
Qua kiểm tra cũng tìm ra những điểm pháp luật hiện quy định chưa phù hợp, là cơ sở tham mưu sửa đổi bổ sung chính sách cho phù hợp hơn.
Về vấn đề tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, Bộ trưởng thông tin, thực hiện chủ trương Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Chính phủ có chỉ đạo xây dựng chương trình hành động và lộ trình. Qua kiểm tra cho thấy các địa phương bộ ngành đều có xây dựng kế hoạch.
Việc thực hiện tinh giản đi kèm sắp xếp tinh gọn bộ máy thời gian qua có chậm do một số văn bản thể chế chậm. Bộ được giao rà soát để sửa 4 luật, 12 Nghị định và khoảng 30 Thông tư để thực hiện trước mắt và lâu dài về tổ chức bộ máy.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Ngọc Duy

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ đúng quy trình

Gửi câu hỏi tới Bộ Công Thương, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) nêu vấn đề về quy hoạch thủy điện nhỏ tại Nghệ An, cấp điện cho các bản làng vùng sâu vùng xa và việc xả lũ của Thủy điện Bản Vẽ.

Về những nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ đã có thông tư hướng dẫn các địa phương rà soát lại quy hoạch thuỷ điện nhỏ và vừa. Cả nước đã đưa hơn 400 dự án ra khỏi quy hoạch, xoá bỏ 231 địa điểm đặt quy hoạch thuỷ điện nhỏ và vừa.

Riêng tỉnh Nghệ An đã rà soát 23 dự án; 6 dự án trên sông Cả, Nậm Vu, Nậm Hạt... đã được đưa ra khỏi quy hoạch; hiện còn 42 dự án.

Về việc cung cấp điện lưới cho một số thôn bản chưa có điện tại Nghệ An, đã được đưa vào chương trình của Chính phủ, cấp điện theo chương trình vốn đầu tư công trung hạn. Trong số 233 thôn bản trên cả nước, tập trung vào 188 thôn khó khăn nhất để đầu tư vào năm 2019.

Còn số khác, Chính phủ sẽ đàm phán với các nhà tài trợ quốc tế, tiến tới năm 2019 sẽ ký kết được hợp đồng tín dụng. Và đến 2020, dự kiến sẽ cấp điện được cho các địa phương.

Về xả lũ tại Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An), Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, năm nay thủy điện xảy ra 4 trận lũ liên tiếp. Trong đó có 2 trận lũ lớn, lịch sử 50 năm mới có một lần.

Thủy điện đã giúp chặn lũ 3 đợt, đến đợt thứ 4 thì lũ về đỉnh điểm. Khả năng cắt lũ không còn nữa. Việc xả lũ khoảng 3 tỷ m3 nước, gấp 10 lần dung tích phòng lũ về hạ du, đã gây thiệt hại nặng nề tới địa phương hạ lưu.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định, việc xả lũ đúng quy trình,đúng quy định, không có sai phạm.

 Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội)

Bộ Giáo dục "nợ" câu trả lời về tích hợp môn học

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) về vấn đề xây dựng môn tích hợp trong chương trình SGK tới đây. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm rõ phương án tích hợp 5 môn. Đó là phương pháp giảng dạy tích hợp giữa các môn được biên soạn mới hay chỉ lồng ghép cơ học kiến thức 5 môn thành 2 cuốn SGK? Phương án tích hợp này có giảm được lượng kiến thức với học sinh hay lại tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết câu hỏi của đại biểu đề cập chuyên môn sâu nên sẽ gửi văn bản trả lời cụ thể nội dung.

Theo Bộ trưởng, tích hợp có nhiều mức, trong đó tích hợp kiến thức các môn học gần nhau là mức tích hợp cao nhất. Môn tích hợp ở tiểu học nhiều nhưng THCS có 2 môn: KHTN và Lịch sử - Địa lý.

Về giáo viên, Bộ có tính toán, môn tích hợp cấu phần thì giáo viên chuyên sâu môn nào dạy môn đó và phối hợp với nhau. Thời gian áp dụng theo lộ trình thì còn 6 - 7 năm nữa nên đủ thời gian bồi dưỡng giáo viên.

Trong số giáo viên có điều kiện và nhu cầu thì học thêm chuyên đề hợp phần môn khác nên dần từng bước có thể tiến tới thay môn. Hướng tới đào tạo giáo viên dạy được cả 3 môn vì quỹ thời gian còn dài, thế giới cũng áp dụng.

Về giảm tải, không phải chỉ cấu trúc môn học mà phụ thuộc cấu trúc chương trình đổi mới phương pháp.

"Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới. Bộ GD&ĐT xét việc học tích hợp có thể giảm tải khi thay đổi chương trình và phương pháp, có tính khả thi cao", Bộ trưởng nói.

3 lần đổi tội danh với bác sĩ Hoàng Công Lương

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nêu hàng loạt câu hỏi. Đại biểu nêu, hiện có 11.700 tội phạm truy nã đang sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, vậy Bộ trưởng Bộ Công an cho biết giải pháp căn cơ để chúng ta giảm sự nguy hại đó?

Bên cạnh đó, vừa qua, một doanh nghiệp đổi 100 USD cho người dân khi không có phép, Công an TP Cần Thơ đã khám xét nhà, tịch thu tài sản được cho là không rõ nguồn gốc, Bộ trưởng cho biết việc làm này có đúng pháp luật không?

Một vấn đề nữa đại biểu nêu liên quan đến vụ án chạy thận ở Hòa Bình. Theo đó bác sĩ Hoàng Công Lương 3 lần đổi tội danh. Đại biểu Tuấn chất vấn về trách nhiệm kiểm sát điều tra ra sao, đánh giá như thế nào về công tác điều tra?

Trả lời câu hỏi liên quan đến vụ án chạy thận, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đánh giá, đây là vụ việc rất đau lòng, hậu quả nghiêm trọng, không ai mong muốn. Trách nhiệm của cơ quan tố tụng phải chứng minh được đúng bản chất của tội phạm.

Trong quá trình tố tụng, việc đánh giá, xác định tội danh chứng cứ có thể thay đổi. Trong điều tra, truy tố vụ án này có một số bị can thay đổi lời khai, phản cung nhiều, phát sinh tài liệu nghi vấn cần được làm rõ.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, việc điều chỉnh tội danh đề đúng bản chất của vụ án, để không lọt, không oan cũng là lẽ đương nhiên với những vụ án phức tạp như thế này.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Về quyết định khám xét tiệm vàng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngày 30/1 Công an TP Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thảo Lực, với hành vi mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê không có giấy phép.

Từ đó, cơ quan công an tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm kim loại màu vàng, màu trắng, đá hột và một số tang vật khác. Ông Lực là chủ nhà không trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, không có giấy phép mua bán ngoại tệ

Công an TP Cần Thơ có đủ căn cứ chứng minh vi phạm hành chính và UBND TP Cần Thơ đã quyết định xử phạt ông Lực. Hiện công ty và ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt hành chính, không có khiếu nại gì.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, vụ việc này gây bức xúc dư luận. Dù có quy định xử phạt, nhưng đây là người dân đi đổi chứ không phải mua bán. Việc khám xét nhà cũng phải đúng quy định, đúng thời gian.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dù người dân có vi phạm nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét, sửa lại quy định xử phạt hành chính cho hợp lý.

"Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo; thực hiện đúng pháp luật nhưng cái gì chưa đúng, chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ", Chủ tịch Quốc hội nói.

Liên quan đến 11.700 tội phạm bị truy nã, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, đây là con số rất lớn và ngành cũng nhận thức được để đối tượng truy nã lớn như vậy nguy hiểm cho xã hội.

Kết quả điều tra vạch trần tội phạm chưa hoàn thành được, sự thể hiện nghiêm minh của pháp luật chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Cái đó cũng là rất nguy hiểm, phải tập trung để bắt các tội phạm trốn truy nã.

"Về biện pháp, chúng tôi tăng cường quản lý dân cư, cư trú, nắm người, nắm hộ. Vừa qua, lực lượng công an cũng đã làm rất cơ bản, có những cái cách nắm giấy tờ tùy thân để các đối tượng truy nã không lợi dụng được", Bộ trưởng cho biết.

 

Thủ tục hành chính là "boongke" lớn nhất

Đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hoá) nêu câu hỏi về Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC).

"Đề án giao nhiệm vụ cho 4 bộ, ngành hoàn hành triển khai trong quý IV/2018 này. Với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trình Đề án, thì còn 2 tháng nữa thì có triển khai được không? Liên thông TTHC là chuyển vất vả từ người dân sang cơ quan quản lý, thì thời gian tới còn liên thông thủ tục gì nữa không?", đại biểu nêu.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ, nhiệm vụ xây dựng nền hành chính thực chất, hiệu quả, được tập thể cán bộ, công chức VPCP luôn coi là thách thức, là "boongke" khó khăn nhất, vì không chỉ liên quan đến chỉnh sửa thể chế, thay thế quy phạm pháp luật, mà còn là quyết tâm thay đổi nhận thức, văn hoá, hành chính, ứng xử của công chức khi thi hành công vụ.

"Liên thông TTHC là khâu đột phá được sẽ xác định tấn công vào sự cát cứ, phân lập thủ tục riêng lẻ, tạo ra ‘chuỗi’ gia tăng chi phí tuân thủ không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp", Bộ trưởng khẳng định.

Trong quá trình thực hiện liên thông TTHC, từ năm 2015, cả nước đã bắt đầu lựa chọn các loại thủ tục mang tính chất bao phủ, liên quan tới mọi người dân, gồm thủ tục đăng ký hộ tịch, cư trú, giải quyết bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đạt được thành công bước đầu.

Còn Đề án thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí sẽ giảm 1/3 thời gian thụ lý, giải quyết nhu cầu của người dân. Làm được việc này sẽ tránh được những trường hợp người đã chết nhiều năm rồi mà vẫn nằm trong danh sách bầu cử, hay gia đình chưa nhận được mai táng phí...

Trong quý IV này, các bộ, ngành liên quan sẽ hoàn thành việc hướng dẫn thực hiện cho các địa phương.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh quyết tâm cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ khi trưa nay (30/10) vừa ký ban hành Chỉ thị số 30 về tăng cường thực hiện liên thông một cửa giải quyết TTHC tại các địa phương.

"Đề án 30 đã được chuẩn bị chu đáo, tính khả thi cao với quy trình thủ tục được chuẩn hoá, dễ làm, dễ hiểu, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan hành chính và người đứng đầu. Đề án cũng nhận được sự đồng tình của các địa phương khi VPCP tham khảo ý kiến góp ý từ trước đó", Bộ trưởng nói.

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Zing.vn

Công trình xây dựng trái phép thách thức sự kiên nhẫn của cử tri

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) đặt vấn đề với ngành Tài nguyên & Môi trường (TN&MT): Đất đai không chỉ là nguồn lực mà còn là chủ quyền, là “máu và nước mắt” của nhân dân. Xin Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết giải pháp nào để lập lại kỷ cương trong vấn đề này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian vừa qua, đặc biệt là vào đầu nhiệm kỳ xảy ra tình trạng lãng phí đất đai, đất lâm trưường quản lý lỏng lẻo để lấn chiếm trái phép…

Trước vấn đề này, Bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành chỉ thị 01 tập trung xử lý các vấn đề vướng mắc, triển khai đồng bộ các biện pháp. Trong đó, có công tác thanh, kiểm tra tập trung những vụ việc vi phạm bức xúc dư luận, khiếu kiện đông người.

Trong năm 2016, 2017, ngành tài nguyên có hơn 1.000 cuộc thanh tra, tập trung vào các dự án, khu vực quản lý đất đai lỏng lẻo. Ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật, thanh kiểm tra tăng cường vai trò trách nhiệm. Gần 3.000 đối tượng bị thanh, kiểm tra thu hồi gần 10.000 ha đất sử dụng trái phép hoặc không hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng cần phải quyết liệt hơn trong vấn đề này, ban hành các chính sách mới, hoàn thiện luật đất đai, nâng cao công tác quy hoạch, quản lý, trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Trong phần tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng bày tỏ ý kiến, không phủ nhận cố gắng của Bộ TN&MT và Bộ trưởng trong giải quyết vấn đề quản lý đất đai lỏng lẻo. Tuy nhiên, đại biểu đánh giá, ở đây vấn đề lớn nhất là kỷ cương, kỷ luật. Tình trạng vi phạm quy hoạch, thất thoát tài sản rất lớn ở giá đất.

"Trong báo cáo của Bộ là do chính sách, cơ chế là không đúng. Nếu địa phương nào đấy, lãnh đạo nào đấy có quyền quyết định đấu thầu, chuyển đổi mục đích có tâm vì nhân dân thì không thể để xảy ra vụ việc như thế được", đại biểu nhấn mạnh. Đồng thời nêu thực trạng, các đoàn của ngành đến địa phương làm việc rồi lại "rút kinh nghiệm" mà chưa xử lý mạnh mẽ.

Về vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng TN&MT trả lời tranh luận này bằng văn bản.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Về câu hỏi tiếp của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng trong việc chậm trễ xử lý vi phạm trong xây dựng, ví dụ vụ toà nhà 8B Lê Trực (Hà Nội). Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng chất vấn quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khi những sai phạm này như "đang thách thức sự kiên nhẫn của cử tri, dư luận".

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, số vụ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang giảm dần, bình quân 3 năm (2016 - 2018) đã giảm 13,2%, tương đương 1.100 vụ một năm. Ông cũng thừa nhận, "đúng là tình trạng vi phạm xây dựng còn phổ biến, diễn biến phức tạp". Một số vụ việc vi phạm chưa được phát hiện kịp thời hoặc chưa được xử lý nghiêm minh

9 tháng 2018 có hơn 10.880 công trình vi phạm trong đó không phép là 3.060 vụ; sai phép 5.481 vụ; sai phạm khác là 2.340 vụ.

Nguyên nhân tình trạng trên, theo ông Hà do thiếu quy định pháp luật hoặc quy định đã có nhưng chưa đủ rõ. Ý thức chấp hành pháp luật của nhà thầu, chủ đầu tư, nhân dân... chưa tốt. Ngoài ra, công tác kiểm tra, phát hiện sớm vi phạm ngay từ đầu chưa dứt điểm; việc cưỡng chế, phá dỡ để trở lại nguyên trạng ban đầu ở một số công trình kéo dài.

Giải pháp được Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhắc tới là hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Kỳ vọng số lượng vụ việc vi phạm sẽ giảm xuống, nhưng Bộ trưởng Xây dựng "không dám hứa lộ trình bao lâu sẽ chấm dứt tình trạng này".

Nhắc tới các sai phạm liên quan đến lĩnh vực xây dựng như vụ nhà 8B Lê Trực, rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội), đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề, Bộ Xây dựng đang quản lý 63 sở xây dựng tại các tỉnh, thành theo ngành dọc, vậy với tình trạng sai phạm tại nhiều công trình như vừa qua thì "Bộ trưởng đã làm gì, phản ánh với Thủ tướng chưa? Cử tri cho rằng ở đây có thể có vấn đề nhóm lợi ích, bao che".

Về vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng rà soát lại các công trình sai phạm mà đại biểu đã nêu trên nghị trường và trả lời bằng văn bản.

 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp tăng nhanh

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề, nợ nước ngoài tăng nhanh, sát "trần" 50% GDP. "Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính với khoản doanh nghiệp tự vay tự trả thì rất khó kiểm soát, nếu doanh nghiệp của Nhà nước, có cổ phần Nhà nước không có khả năng trả nợ thì nợ này ai trả?", đại biểu nêu.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia gồm nợ nước ngoài Chính phủ, các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp.

Với nợ nước ngoài của Chính phủ, vừa qua đã được cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% cuối năm 2018; tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% GDP giai đoạn 2018.

Chính phủ cũng đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Cụ thể, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018; trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ mức 5,9% GDP vào cuối năm 2015 xuống còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018.

Về nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp thì có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, năm 2016 tăng 25,7% so với 2015; 2017 tăng hơn 39% so với 2016. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP.

Nghị quyết Quốc hội đã quy định không dùng ngân sách để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và các khoản nợ của doanh nghiệp. Do vậy, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì thực hiện phá sản theo quy định pháp luật.

Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước quản lý các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp; đề xuất giải pháp kiểm soát chặt chẽ các khoản vay này, đảm bảo nợ quốc gia trong phạm vi cho phép.

Đằng sau tín dụng đen là các tổ chức tội phạm

Trước các ý kiến của đại biểu về tình hình cho vay nặng lãi, tín dụng đen đang tràn về các địa phương, nhất là vùng nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mặc dù là quan hệ dân sự nhưng đằng sau thường là tổ chức tội phạm.

Theo thống kê, trong 4 năm từ 2015 đến 2018 có hơn 7.600 vụ phạm tội, trong đó 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1809 vụ lừa đảo... Hiện cơ quan công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm, hơn 800 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.

Nguyên nhân của vấn nạn trên là do kinh tế trong nước có khó khăn, nhiều cá nhân, công ty gặp khó khăn về vốn nên đi vay; một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham chơi cá độ cũng đi vay nặng lãi "bất chấp lãi suất"; các chế tài xử lý chưa tương xứng và chưa thực sự răn đe; sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chức năng chưa đúng mức...

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công an đã đưa ra một số giải pháp như phối hợp với các ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân; làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; quản lý chặt chẽ các cơ sở cầm đồ, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở đầu tư kinh doanh về đòi nợ thuê trái pháp luật; mở cao điểm tấn công triệt phá các băng nhóm tội phạm, trong đó có các đường dây tín dụng đen, đòi nợ thuê. 

Bộ cũng sẽ rà soát nghiên cứu tham mưu đề xuất với Chính phủ bổ sung, sửa đổi hệ thống quy định cho phù hợp, chặt chẽ.

* Đến 17h Quốc hội nghỉ. Chủ tịch Quốc hội cho biết ngày đầu chất vấn, có 36 đại biểu tham gia chất vấn, 23 người tranh luận và 15 bộ trưởng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC trả lời. Ngày mai Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.