Chủ tịch Tập đoàn FPT: Đang hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho khởi nghiệp

Hà Thanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc tới FPT, người ta thường nghĩ đến tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam, nhưng ít ai biết đây là một trong những DN khởi nghiệp sớm và thành công nhất.

Là một trong những nhân tố chủ chốt thành lập nên FPT từ đôi bàn tay trắng, Chủ tịch Trương Gia Bình luôn có kinh nghiệm sâu sắc cũng như tâm huyết với các startup. 
Nghĩ toàn cầu, hành động địa phương

Ông nhìn nhận thế nào về phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam?

- Nếu ở quy mô quốc gia, khởi nghiệp Việt đang ở giai đoạn khởi động nhưng cũng khởi sắc, đặc biệt là đang hội tụ đủ các điều kiện thiên thời - địa lợi - nhân hòa.

Nói về thiên thời, đầu năm nay, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã bắt đầu nói đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điều này đồng nghĩa cái cũ sẽ ra đi và một thế giới mới đang được tạo dựng, cơ hội dành cho khởi nghiệp là rất lớn. Địa lợi nằm ở việc Việt Nam có 65% trong số 94 triệu người thuộc về thế hệ internet, lớn lên trong môi trường mạng nên họ ở độ tuổi sáng tạo nhất. Còn nhân hòa chính nằm ở nỗ lực của các bạn trẻ.
 Chủ tịch FPT Trương Gia Bình
Ông đánh giá thế nào của các startup Việt Nam ở thời điểm hiện tại?

- Khởi nghiệp ở Việt Nam đang kém rất xa so với nhiều nước trên thế giới. Điều này có thể thấy rõ qua việc một startup Việt được cho là thành công nếu kêu gọi được 1 triệu USD đầu tư thì với thế giới phải là 100 triệu USD. Mặt khác nhiều DN khởi nghiệp luôn chỉ đặt mục tiêu thành công ở thị trường trong nước, còn ở nước ngoài thì họ coi quốc tế là thị trường của mình.

Các DN trên thế giới thường được chia làm 3 loại. Thứ nhất, DN địa phương, đồng nghĩa với thị trường nhỏ. Thứ hai, tập đoàn đa quốc gia có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Thứ ba, các công ty toàn cầu đích thực, ngay từ ngày đầu tiên thành lập, họ đã tư duy phải phát triển ra toàn cầu như Google, Uber... Và loại thứ ba này thường tập trung các DN khởi nghiệp.

Vì vậy, tôi có lời khuyên với cộng đồng startup Việt Nam là phải nghĩ toàn cầu nhưng hành động phải địa phương.

Theo ông, bài toán này nên được giải quyết như thế nào?

- Đã nói đến khởi nghiệp, đầu tiên phải nói đến ý tưởng, sáng tạo. Nếu thực sự các bạn có ý tưởng xuất sắc và có khả năng thuyết phục thì sẽ có tiền, bởi các quỹ đầu tư đang “thắp đuốc” để đi tìm những ý tưởng đó. Ý tưởng không phải là một thứ hàng hóa để mua bán, nhưng khi ý tưởng kết hợp với con người thì hiển nhiên là mua bán được. Tức là để tìm được nguồn vốn, các bạn phải thể hiện được sự cháy bỏng, thuyết phục nhà đầu tư.

Đừng sợ, làm 10 lần chắc sẽ thắng

Gần đây, nhiều DN lớn đã đầu tư vào khởi nghiệp, điều này có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng startup?

- Nhiều người không nhìn thấy vai trò rất quan trọng của các DN lớn đối với khởi nghiệp. Trên thế giới, một startup được cho là thành công khi được một DN lớn nào đó mua lại, và đây cũng là mục tiêu hướng tới của nhiều dự án khởi nghiệp ngay từ giai đoạn còn là ý tưởng. Điều này giúp hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

Nếu một startup nghĩ rằng, tôi khởi nghiệp thì tôi sẽ làm chủ sản phẩm của mình mãi mãi, đây chắc chắn là một sai lầm. Bởi hầu hết trong các tập đoàn thành công trên thế giới, các hạt nhân quan trọng chỉ giữ dưới 10% cổ phần. Các startup cần coi DN đầu tư là bạn đồng hành để cùng phát triển.

Khi thực hiện một startup cần giữ tư duy: Thành công của một đàn cá nhỏ là khi chúng trở thành mồi cho những con cá lớn.

Theo thống kê, cứ 100 startup thì chỉ có 10 thành công, tỷ lệ thất bại lên đến 90%. Và có tới hơn 50% các startup đóng cửa sau 5 năm hoạt động. Lý do là từ đâu?

- Các startup không chỉ đơn thuần là một DN, mà còn là DN tạo ra những giá trị mới có thể chưa từng có. Do vậy tính mạo hiểm rất cao nhưng khi thắng lợi thì bạn có thể trở thành như Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird.

Tỷ lệ “10 ăn 1” là tỷ lệ chung của startup trên thế giới, nên chúng ta hãy chấp nhận. Nhưng đừng sợ, vì nếu cứ làm 10 lần, chắc là sẽ thắng. Như bản thân tôi rất may mắn nên khởi nghiệp một lần với FPT là thành công luôn, nhưng trong chính FPT, tôi cũng đã có hàng trăm lần thử nghiệm rồi lại thất bại.

Nhiều thuận lợi

Nhiều ý kiến cho rằng, người lớn tuổi không nên khởi nghiệp vì nhiệt huyết không đủ, trong khi nếu trẻ quá thì kinh nghiệm lại thiếu. Theo ông, một cá nhân nên khởi nghiệp ở lứa tuổi nào thì tốt nhất?

- Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời ngay trong câu chuyện từ Google. Cả Larry Page và Sergey Brin đều bắt đầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng tới ngày nay, họ đã tạo nên được một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, về sau, họ đã mời Eric Schmidt, một người lớn tuổi cùng cộng tác để quản lý Google. Điều đó cho thấy tập đoàn này thành công nhờ biết kết hợp giữa sáng tạo, năng động, quyết liệt của tuổi trẻ cộng với kinh nghiệm của người già.

Theo tôi, nếu muốn tự thân khởi nghiệp, nên bắt đầu từ khi còn trẻ, tốt nhất là trước tuổi 35.

Khi bắt đầu khởi nghiệp với FPT, ông có những ước mơ gì?

- Nếu nói về gần 3 thập kỷ trước, khởi nghiệp là sự lựa chọn duy nhất của tôi và các đồng nghiệp, vì khởi nghiệp là để tồn tại. Việc thành lập nên FPT xuất phát từ việc một người bạn đến nói với tôi là: “Bình ơi, với 5 USD, tao không thể sống được, không đủ nuôi vợ con”. Tuy nhiên, tới ngày nay, để khởi nghiệp cần nghĩ rộng hơn rất nhiều. Thực sự, khi khởi nghiệp, tuy không có gì nhưng ước mơ của chúng tôi rất lớn, muốn trở thành một tập đoàn hùng mạnh, rồi mong một ngày nào đó được sánh vai với những tên tuổi lừng danh trên thế giới.

Hiện tại, các bạn trẻ khởi nghiệp có khác biệt lớn so với chúng tôi ở thời điểm đó là không phải lựa chọn giữa sống và chết.

Xin cảm ơn ông!