Chưa thuyết phục

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu luôn được dư luận quan tâm và đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Trong lần sửa đổi Luật Lao động lần này, Bộ LĐTB&XH đề xuất hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Chính phủ chọn phương án nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm nâng thêm 3 tháng.
Vấn đề này đang nhận được hai luồng ý kiến. Những người phản đối cho rằng, việc tăng tuổi hưu sẽ khiến nhiều người không có năng lực cố giữ ghế, làm mất cơ hội của người trẻ và tăng tỉ lệ thất nghiệp đối với sinh viên mới ra trường. Nhất là thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp. Bên cạnh đó, tăng tuổi hưu sẽ khiến sức khỏe của đại đa số người lao động bị ảnh hưởng.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ LĐTB&XH, nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định như hiện nay về mức đóng - hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn. Hơn nữa, tuổi thọ trung bình đang được tăng cao, thời gian nghỉ hưu dài, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động. Việc nâng tuổi nghỉ hưu góp phần tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi, nhưng có trình độ, kinh nghiệm trong bối cảnh sức khỏe người lao động ngày càng cải thiện.

Không đồng tình với hầu hết lý do Bộ LĐTB&XH đưa ra, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xác định tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam phải đảm bảo các vấn đề thực tiễn, lấy lý do vì lo vỡ quỹ BHXH là thiếu cơ sở. Bởi vấn đề vỡ quỹ hay không, không nằm ở chỗ tăng tuổi nghỉ hưu, mà nằm ở chế độ chính sách hưu trí hiện hành. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu chỉ giải quyết được 10% vấn đề ảnh hưởng đến quỹ, còn lại 90% phụ thuộc vào chính sách. Nhiều ý kiến đề nghị xem lại cách quản lý quỹ BHXH, hiệu quả quản lý ra sao, nếu vỡ quỹ trách nhiệm chính thuộc về ai? Không thể vì quản lý kém quỹ BHXH buộc 60 triệu người lao động phải tăng tuổi hưu.

Phải nhìn nhận công bằng rằng, với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, sức khỏe, tuổi thọ của người Việt Nam được nâng cao, nếu để tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 tuổi và nam là 60 tuổi có phần lãng phí. Nhưng việc tăng tuổi hưu phải tùy thuộc từng nhóm đối tượng lao động, không nên áp dụng đại trà, sẽ gây bức xúc trong dư luận. Phải coi kéo dài tuổi nghỉ hưu là quyền lợi của người lao động. Theo đó, chỉ kéo dài tuổi nghỉ hưu với những người thực sự có năng lực, có nhu cầu làm việc, không phải là tạo điều kiện để những người tham quyền cố vị tiếp tục “giữ ghế”.

Có thể thấy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều yếu tố, vì vậy cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá tác động cả những yếu tố kinh tế - xã hội một cách khoa học, chính xác. Kéo dài tuổi nghỉ hưu cần phải được xem xét trong điều kiện lao động và tình hình sức khỏe, quyền lợi của người lao động.