Chứng khoán 25/3: Khối ngoại bán ròng phiên thứ 10 trong ngày VNDirect sập hệ thống

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khối ngoại tiếp tục phiên bán ròng 10 ngày liên tiếp với hơn 539 tỷ đồng. Thị trường mất gần 14 điểm trong ngày VNDirect bị đánh sập hệ thống.

VN-Index mất gần 14 điểm, khối ngoại bán ròng hơn 500 tỷ đồng

Sau khi giằng co quanh mốc tham chiếu trong suốt phiên sáng nay 25/3, sang phiên chiều, thị trường bị bán tháo mạnh khiến VN-Index mất mốc 1.280 mới được thiết lập. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh 3 công ty về chứng khoán, bảo hiểm, trong đó có VNDirect bị tấn công hệ thống khiến khách hàng không thể truy cập giao dịch. Đây là công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn thứ ba trên sàn HoSE.  Kết phiên, VN-Index mất 13,94 điểm, tương đương 1,09% xuống còn 1.267 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng.

Toàn thị trường có 250 mã tăng, 456 mã giảm.
Toàn thị trường có 250 mã tăng, 456 mã giảm.

3 cổ phiếu giao dịch tiêu cực nhất trong phiên hôm nay có sự góp mặt của 2 ông lớn ngành ngân hàng là BID (giảm 2,21%) và CTG (giảm 2,8%), lần lượt lấy đi của chỉ số chung là 1,65 và 1,29 điểm. Cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm khá sâu. Theo đó, STB giảm 2,53%, ACB giảm 2,31%, MSB giảm 1,99%, LPB giảm 1,49%, MBB giảm 1,4%, SSB giảm 1,12%... Số ít cổ phiếu còn giữ sắc xanh như EIB, NAB, VPB, TPB.

Nhóm chứng khoán cũng không khá hơn trong ngày VNDirect bị sập hệ thống. VND giảm 1,44%, trong khi đó các cổ phiếu VCI và VDS đều giảm trên 3%, CTS, HCM, AGR đều giảm trên 1%. Riêng TVB tăng kịch trần.

Cổ phiếu bất động sản phân hóa trong đó ở chiều tăng có NVL tăng 3,51%, QCG và HPX thậm chí tăng kịch trần, trong khi đó, các mã như VIC, DIG, NLG tăng nhẹ. Ở phe giảm có VRE giảm 2,43%, KBC giảm 1,96%, VCG giảm 1,17%, SZC giảm 1,73%.

Ở nhóm sản xuất ghi nhận HPG giảm 1,15%, GVR giảm 4,06%, MSN giảm 3,82%, DGC giảm 2,91%, VGC giảm 2,05%, GEX giảm 1,8%, DCM giảm 1,57%, VHC giảm 2,33%. Các mã vốn hóa nhỏ hơn phân hóa hơn nhưng đa phần biến động với biên độ hẹp, ngoại trừ VCF tăng kịch trần.

Cổ phiếu bán lẻ đều chìm trong sắc đỏ khi MWG giảm 1,63%, PNJ giảm 2,54%, FRT giảm 1,14%, DGW giảm 3,8%.

Đáng chú ý, cổ phiếu nhóm bưu điện hôm nay là một trong các nhóm hiếm hoi giữ được mức tăng mặc dù mức tăng khiêm tốn (0,4%). Trong đó, PTI của Bảo hiểm Bưu điện vẫn tăng mạnh nhất nhóm với 2% trong bối cảnh trang web của công ty bị đánh sập hệ thống cùng VNDirect.

Khối ngoại tiếp tục phiên bán ròng 10 ngày liên tiếp với hơn 539 tỷ đồng, tập trung vào VNM (163 tỷ), MSN (134 tỷ đồng), VHM (102 tỷ đồng), ở chiều ngược lại, khối này mua vào NVL (236 tỷ đồng), PDR (61 tỷ đồng), SSI (30 tỷ đồng).

Ngoài VNDirect, còn 2 công ty liên quan cũng bị đánh sập hệ thống

Sau khi trang chủ của VNDIRECT thông báo về sự cố trên, trong sáng 25/3, trang web của 2 công ty khác là Công ty Bảo hiểm Bưu điện PTI và Công ty TNHH MTV quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A cũng đồng loạt đăng tải thông báo tương tự. 

Được biết, cả PTI và IPAAM đều có liên quan tới VNDirect. Cụ thể, trước đây, Bảo hiểm Bưu điện PTI có 2 nhóm cổ đông lớn nhất là VNDIRECT và các cổ đông theo ủy quyền (chiếm 42,33%) và Công ty Bảo hiểm DB - Hàn Quốc (chiếm 37,32%). Trước đó, vào đầu tháng 12/2023, VNDirect mua thêm gần 2,9 triệu cổ phiếu PTI để nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%, qua đó đưa Bảo hiểm Bưu điện trở thành công ty liên kết của mình.

Còn đối với IPAAM, công ty này được thành lập vào năm 2008, và là công ty con duy nhất của VNDIRECT (sở hữu 100% vốn). Tuy nhiên, đến tháng 12/2023, VNDIRECT đã hoàn tất giao dịch chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại IPAAM cho Tập đoàn Đầu tư I.P.A. 

Cả 3 công ty này đều có liên quan đến Bà Phạm Minh Hương. Bà Hương hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDIRECT và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện PTI. Bà Hương đồng thời cũng là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A.

Tính đến hết phiên hôm nay, website của cả 3 công ty trên đều chưa thể truy cập được bình thường. Cổ phiếu VND kết phiên 25/3 giảm nhẹ 1,44%, IPA giảm 1,75%, trong khi đó, PTI lại ngược chiều tăng 2%.