Chứng khoán Mỹ phấn khích với lãi suất, Dow Jones nhảy vọt gần 400 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên ngày 10/11 và chốt tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp khi lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ ổn định.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ có tuần tăng thứ hai liên tiếp. Ảnh: CNBC
Các chỉ số chứng khoán Mỹ có tuần tăng thứ hai liên tiếp. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones  leo dốc 391,16 điểm (tương ứng 1,15%) lên mức 34.283,10 điểm. S&P 500 cộng 1,56% lên 4.415,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng 2,05% lên mức 13.798,11 điểm, ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 5.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong chỉ số S&P 500 đều chốt phiên trong sắc xanh, đà tăng mạnh nhất là nhóm công nghệ vốn hóa lớn với mức tăng 2,6%.

Cổ phiếu Microsoft có thời điểm trong phiên giao dịch đạt mức cao nhất trong lịch sử và kết thúc phiên với mức tăng 2,5%. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác gồm Apple, Meta, Tesla và Netflix đều bật tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu.

Phiên giao dịch khởi sắc này giúp cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ có tuần tăng thứ hai liên tiếp. Tính chung trong tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,3%, Dow Jones cộng 0,7% và Nasdaq Composite tăng khoảng 2,4%.

Lực đẩy quan trọng cho sàn Phố Wall trong phiên giao dịch này là nhờ lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đi ngang.

Trước đó, chứng khoán Mỹ đã đứt mạch thăng hoa trong phiên ngày thứ Năm khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 10 điểm cơ bản.

Lãi suất trái phiếu biến động sau cuộc đấu giá trái phiếu ảm đạm và những bình luận từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng có thể phải hành động nhiều hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.

Phiên giảm điểm trong ngày thứ Năm đã chấm dứt chuỗi phiên tăng dài nhất trong 2 năm của S&P 500 và Nasdaq Composite.

Theo báo cáo của ngân hàng UBS, mặc dù có những biến động trong thời gian gần đây, nhưng nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đã hỗ trợ thị trường chứng khoán, ngay cả khi các nhà đầu tư chưa chắc chắn về lộ trình chính sách của Fed. 

Chiến lược gia cổ phiếu David Lefkowitz của ngân hàng UBS nhận định: “Số lượng việc làm cần tuyển dụng vẫn duy trì mức cao và bảng cân đối kế toán ổn định của khu vực tư nhân tiếp tục củng cố cho kỳ vọng hạ cánh mềm của nền kinh tế.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý thêm rằng, tăng trưởng kinh tế  có thể sẽ giảm tốc trong những tháng tới và lạm phát nhiều khả năng giảm chậm hơn.

Trong tuần tới, các nhà đầu tư Phố Wall sẽ theo dõi chặt chẽ khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa, theo ông Joseph Cusick - Phó Chủ tịch cấp cao của Calamos Investments. “Sự quan tâm đổ dồn vào Washington, nơi chính phủ có thời hạn đến ngày 17/11 để đưa ra giải pháp và ngăn chặn nguy cơ đóng cửa” - ông Cusick cho hay. 

Theo chuyên gia Cusick, mặc dù vấn đề này không tác động nhiều đến thị trường như vài tháng trước song nhà đầu tư vẫn cần theo dõi biến động trong trường hợp một giải pháp không hứa hẹn được đưa ra. 

Ông Cusick cũng nói thêm rằng chỉ số S&P 500 sẽ trở thành tâm điểm của sàn Phố Wall vào tuần tới sau khi phục hồi lên ngưỡng 4.400 điểm trong phiên ngày thứ Sáu. “Thị trường đang chờ đợi xem liệu S&P 500 có thể giữ mốc 4.400 điểm hay phá vỡ ngưỡng quan trọng này hay không”. 

Về dữ liệu kinh tế, kết quả khảo sát mới nhất cho tâm lý người tiêu dùng sụt giảm trong khi triển vọng lạm phát dài hạn tăng lên mức cao nhất trong 15 năm.

Theo khảo sát mới nhất của Đại học Michigan, chỉ số tâm lý của người tiêu dùng trong tháng 11 chỉ đạt 60,4 điểm, giảm 5,3% so với mức 63,8 điểm trong tháng 10 và thấp hơn dự báo của Dow Jones là 63,7 điểm.

Trong khi đó, triển vọng lạm phát dài hạn tiếp tục tăng. Triển vọng lạm phát trong vòng 1 năm tới vọt lên 4,4% - mức cao nhất kể từ tháng 4. Dự báo lạm phát trong 5 năm cũng tăng lên 3,2%, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.