Lãnh đạo HSBC:

“Chúng tôi tham vọng mạnh mẽ trong thu xếp vốn xanh, vốn bền vững"

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Chúng tôi tham vọng giảm lượng phát thải xuống bằng 0 vào năm 2030, cũng như điều chỉnh lượng phát thải tương tự từ danh mục khách hàng của HSBC”- bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết.

Trao đổi với báo chí, bà Nga cũng chia sẻ về các kế hoạch triển khai thu xếp tín dụng xanh, tín dụng bền vững phục vụ phát triển kinh tế Việt Nam.

Bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng HSBC Việt Nam
Bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng HSBC Việt Nam

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững là nhu cầu tất yếu hiện nay. Là một ngân hàng nước ngoài nhiều năm hoạt động tại Việt Nam, xin bà cho biết, HSBC đã có những hoạt động nào trong thu xếp vốn xanh cho nền kinh tế?

- Với cương vị là ngân hàng quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, HSBC có tham vọng mạnh mẽ trong việc thu xếp vốn xanh, vốn bền vững để phục vụ các doanh nghiệp và nền kinh tế. HSBC hiện tại cũng đang làm việc với Chính phủ, với các ngân hàng khác cũng như các đối tác để có thể thực hiện tham vọng này.

Là một ngân hàng nước ngoài, HSBC cũng đồng thời kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, HSBC cũng có những chuyển đổi đối với hoạt động của chính mình. Chúng tôi tham vọng giảm lượng phát thải xuống bằng 0 vào năm 2030, cũng như điều chỉnh lượng phát thải tương tự từ danh mục khách hàng của HSBC cho đến năm 2050.

Vậy, HSBC đã hiện thực hoá các mục tiêu này như thế nào, thưa bà?

- Sau khi Chính phủ Việt Nam cam kết tại COP26 về việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, HSBC Việt Nam cũng đưa ra tham vọng hỗ trợ thu xếp đến 12 tỷ USD cho thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030. Đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ thu xếp được 16%, tương đương gần 2 tỷ USD, trong tham vọng này. Nguồn vốn của chúng tôi đi vào rất nhiều các dự án trong đa dạng lĩnh vực, ngành nghề.

HSBC đặt mục tiêu giảm lượng phát thải xuống bằng 0 vào năm 2030, cũng như điều chỉnh lượng phát thải tương tự từ danh mục khách hàng của HSBC (Nguồn ảnh: Website HSBC)
HSBC đặt mục tiêu giảm lượng phát thải xuống bằng 0 vào năm 2030, cũng như điều chỉnh lượng phát thải tương tự từ danh mục khách hàng của HSBC (Nguồn ảnh: Website HSBC)

Năm 2020, HSBC tài trợ tín dụng xanh cho hoạt động sản xuất của nhà máy nhựa tái chế Duy Tân. Năm 2021, HSBC hỗ trợ Vingroup soạn thảo khung tài chính Bền vững, từ đó có thể giúp họ phát hành thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu cho Vinpearl, và khoản vay hợp vốn xanh 500 triệu USD phục vụ cho hoạt động đầu tư của Vingroup và Vinfast. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản, HSBC đã thu xếp thành công các khoản tín dụng xanh cho REE để đầu tư vào dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà và xây dựng E-Town 6.

Thưa bà, để tiếp cận được nguồn vốn xanh của ngân hàng, dự án sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ. HSBC đã có giải pháp nào để để đưa ra các quy chuẩn đồng bộ, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn?

Với HSBC, chúng tôi đã có những tiêu chuẩn rất chặt chẽ trong việc phê duyệt tín dụng cho dự án xanh và dự án bền vững. Các tiêu chuẩn này phải phù hợp với quy định quốc tế của Hiệp hội thị trường cho vay và Hiệp hội thị trường cho vay Châu Á - Thái Bình Dương.

Chúng tôi hiện cũng phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trong nước để đưa ra các quy chuẩn đồng bộ, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Về phía Chính phủ, HSBC đang làm việc chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác, đưa ra các kiến nghị cụ thể, những ví dụ thành công từ những quốc gia khác. Cùng với đó, mang những chuyên gia từ các thị trường phát triển và thành công để chia sẻ cùng Chính phủ trong việc xây dựng chính sách và lộ trình hợp lý, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng trên chặng đường Việt Nam tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Xin cảm ơn Bà!