Chuyển biến hoạt động khuyến công Thủ đô

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với chức năng xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã có những đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Hà Nội ngày nay trở thành vùng đất trăm nghề, nơi hội tụ của sự tài hoa, khéo léo trong ngành thủ công mỹ nghệ cả nước. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của các làng nghề đạt trên 7,6 nghìn tỉ đồng, bằng trên 8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều làng “trắng nghề”, tức là thuần nông. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa ở nhiều vùng ngoại thành diễn rangày một nhanh; Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dẫn đến một lượng lao động dôi dư không có việc làm; Công nghiệp nông thôn trở thành yêu cầu cấp thiết để ổn định và nâng cao đời sống cho người nông dân.
 
Trước thực trạng đó, thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và Thành phố về hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã triển khai thực hiện một loạt các chương trình khuyến công như: truyền nghề, nhân cấy nghề, đào tạo nâng cao tay nghề; chương trình đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm, chương trình hỗ trợ nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị và điều hành doanh nghiệp… nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn Hà Nội phát triển, từ đó tạo việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn. Năm 2010, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động và bố trí việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn công tác khuyến công cho cán bộ cấp huyện, xã và doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài nước… Các hoạt động khuyến khích phát triển làng nghề được đặc biệt chú trọng, thông qua việc tăng cường quảng bá, xúc tiến hợp tác, xuất khẩu, kết hợp du lịch…
 
Các chương trình khuyến công trên không những góp phần tháo gỡ khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và người nông dân mà còn phát huy được tiềm năng lợi thế nghề và làng nghề trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực ngoại thành Hà Nội theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.