Chuyển đổi số - lối thoát cho ngành du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch. Để phù hợp với tình hình, hình thức du lịch trực tuyến, khám phá các điểm đến trên thế giới bằng hình ảnh thực tế ảo thông qua chuyển đổi số đang trở nên hấp dẫn nhiều du khách.

Trải nghiệm ki-ốt thông tin du lịch tại diễn đàn Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. Ảnh: Phúc Bá
Cú hích du lịch chuyển đổi số
Tại diễn đàn du lịch “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhận định: Chuyển đổi công nghệ số là giải pháp quan trọng để khôi phục, phát triển lại du lịch Việt Nam theo hướng bền vững sau tác động tiêu cực của Covid-19. Đồng thời giúp các địa phương phát triển du lịch thông minh, tăng tính trải nghiệm cho du khách, đặc biệt là tận dụng ưu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, trong bối cảnh nhân sự du lịch hao hụt, việc tăng cường ứng dụng công nghệ số giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, dễ dàng quản lý công việc, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên internet, qua đó tiếp cận nhiều khách hàng. “Có thể nói, Covid-19 là một cú hích mạnh mẽ để tất cả các DN, đặc biệt là DN du lịch nhanh chóng chuyển đổi kinh doanh truyền thống sang kinh doanh thông qua công nghệ số” - ông Bình nói.

Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương đã từng bước đưa các công nghệ di động, thực tế ảo, thương mại điện tử… vào hoạt động du lịch. Nhờ đó, du khách có thể tự đặt dịch vụ tour, tuyến thông qua ứng dụng thông minh, thanh toán dịch vụ từ xa không phụ thuộc quá nhiều vào DN.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Mặc dù việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch hỗ trợ DN vượt qua Covid-19, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia du lịch, việc làm này không hề đơn giản bởi các DN hầu như đã kiệt sức do Covid-19. Hiện tại, có khoảng 30% DN du lịch đã đóng cửa hoàn toàn và dự báo tăng lên đến 55 - 60% trong năm 2021. Để có thể đẩy mạnh chuyển đổi số, các DN rất cần sự hỗ trợ, những hành lang pháp lý của Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu (big data), tăng cường quỹ đào tạo…

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch TravelLogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên nhận xét, hiện mức độ chuyển đổi số trong cộng đồng DN mới ở ngưỡng cơ bản, chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, marketing… Nguyên nhân là do thiếu cơ sở hạ tầng, DN mất nhiều chi phí, đồng thời e ngại sợ bị rò rỉ dữ liệu thông tin tới các đối thủ cạnh tranh. “Thời gian tới, Chính phủ và các hiệp hội cần tăng cường xây dựng các quy tắc, quy định thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ; hỗ trợ về tài chính cho ứng dụng công nghệ số; minh bạch hóa các quy tắc, quy định về quản lý dữ liệu. Đồng thời, Chính phủ cần khuyến khích DN ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh” - ông Tuyên kiến nghị.

Còn theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý giúp DN thay đổi nhận thức, mô hình kinh doanh. Mặt khác, các DN, địa phương cũng cần tăng cường liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; kêu gọi DN nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới này, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch. “Tổng cục Du lịch đã ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, giúp du khách dễ dàng tra cứu mức độ an toàn tại điểm đến. Đây là một trong những bước đi quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch số. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ đưa nhiều ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ hoàn thiện bản đồ du lịch Hà Nội dưới dạng số hóa, nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách dễ dàng tra cứu điểm đến. TP cũng chủ trương đẩy mạnh thương mại điện tử trong lĩnh vực này, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu
Tháng 5/2018, UBND quận Hoàn Kiếm đã vận hành trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ. Thông qua ứng dụng sử dụng tọa độ GPS, du khách sẽ có những tương tác và trải nghiệm thực tế về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, dịch vụ thương mại du lịch. Việc xây dựng trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của quận, kết nối với hệ thống du lịch Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong