Chuyện ghi bên lề về người lính già bị hành hung

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần chục ngày “ăn Tết” trong bệnh viện, người lính già Hoàng Tiến Vin về đoàn viên với gia đình…

Niềm vui là vậy nhưng đối với ông Vin cũng như đồng đội, người thân, láng giềng của người thương binh còn là sự trăn trở, lo lắng trước những hành vi bạo lực đã và đang còn tiềm tàng trong xã hội.
Họa vô đơn chí
Chúng tôi trở lại thăm người thương binh già Hoàng Tiến Vin khi biết tin ông chuẩn bị xuất viện. Nằm trên giường, cánh tay trái vẫn đang găm kim truyền thuốc, hỏi bà Đỗ Thị Thơm (vợ ông Vin) về việc đưa ông về nhà, ông Vin gượng dậy với vẻ mặt tỉnh táo, ông bảo: “Có ai mà muốn nằm viện đâu cháu, gia đình chú như vậy là mất cả cái Tết rồi!”. Hơn một tuần trong bệnh viện chăm sóc chồng, gương mặt bà Thơm hằn rõ sự mệt mỏi: “Mọi năm thì Tết đến đầm ấm bên con cháu, năm nay gặp phải chuyện tai bay vạ gió, ông ấy bị đánh, cả gia đình tôi tất tả chạy ngược, chạy xuôi. Đi lại mệt mỏi, đêm 30 Tết gần giao thừa, tôi đành phải thuê xe về để thắp hương tổ tiên, song lại vào viện với ông ấy”.

Ông Vin (trái) trò chuyện cùng đồng đội là thương binh Đỗ Văn Tạc tại nhà. Ảnh:  Đạt Lê

Bà Thơm cho biết, ông Vin là thương binh hạng 2/4, bị mất một bên chân phải do tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam hồi kháng chiến chống Mỹ năm 1974. “Khi đất nước hòa bình, ông ấy về quê làm đủ thứ nghề để lo toan cuộc sống. Mãi đến năm 1983, chúng tôi mới quen nhau rồi nên duyên chồng vợ. Hơn 30 năm cùng xây dựng tổ ấm, tôi với ông ấy sinh có được 5 người con. Hiện, cả 4 người con gái đã lấy chồng, cậu út đang học lớp 10” - bà Thơm chia sẻ.
Nhìn đứa con gái đang đứng ngoài cửa sổ, ông Vin bảo: “Truyền xong chai đạm, tôi muốn về nhà ngay, cả chục ngày nằm trong viện bứt rứt, khó chịu lắm!”. Hồi ức lại về tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, bỏ lại bao hoài bão của tuổi thanh xuân để lên đường vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông kể: “Tôi quê gốc ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Năm 1972, chiến trường miền Nam đang bước vào cuộc chiến ác liệt, lúc đó tôi 17 tuổi cùng với những bạn bè cùng trang lứa lên đường nhập ngũ, miền Bắc chi viện quân cho chiến trường miền Nam. Trong xã có gần chục anh em cùng lên đường, đơn vị tôi từng hành quân chiến đấu qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Kon Tum, Tây Nguyên…”. Trong trận chiến tại Quảng Nam năm 1974, ông bị thương cụt mất một chân. “Khi đó, pháo bắn, tôi cùng một số đồng đội dính mảnh đạn, sống chết trong gang tấc. Phút chốc đau điếng, tôi nằm trên đất, ngó xuống thì chân phải đã bị cụt gần đến đầu gối. Lúc này, người đồng đội (quê ở Hải Dương) vội vàng bẻ cây tre làm nẹp rồi lấy gạc quấn vo lại. Sau đó, tôi được chuyển về phía hậu cứ trị thương”.
Trở về sau trận chiến, ông bươn chải qua đủ thứ nghề, lo ruộng đồng, buôn bán, làm công nhân dệt ở HTX… Được hưởng chế độ thương binh, tuy nhiên khi lập gia đình, có thêm con cái, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông tiếp tục mưu sinh cùng chiếc xe ba bánh. “Từ những năm 2000, tôi chở xe thuê ở khu vực bến xe Hà Đông cũ (nay là đường Trần Phú). Mười mấy năm qua gắn bó với cái nghề này quen rồi. Thu nhập cũng chẳng là bao nhưng ngoài số tiền được hưởng chế độ (khoảng 2,6 triệu đồng/tháng) thì có đồng ra đồng vào... Hơn nữa, hàng ngày, tôi được gặp bạn bè đồng đội để cùng nhau chia sẻ buồn vui” - ông tâm sự.
Thuật lại về việc bị nhóm người hành hung, ông Vin bức xúc: “Nhóm người này hành xử không khác gì những kẻ côn đồ. Trước khi đánh tôi thì có xảy ra va chạm trên đường. Tôi có thấy tiếng động nhẹ, nhưng nghĩ không có vấn đề gì nên đi xe bình thường, đi được đoạn dài thì thấy có mấy thanh niên đi xe máy lượn lách. Vẫn nghĩ rằng đám thanh niên nghịch ngợm đánh võng. Ai ngờ, về đến khu vực xóm Phượng Đồng (xã Phụng Châu) thì bị cả nhóm người khống chế, đánh đập”.
Ông phân trần: “Nếu tôi điều khiển xe có xảy va quyệt và làm hư hỏng xe của họ thì họ chỉ cần yêu cầu dừng xe. Hai bên cùng nói chuyện giải quyết và đưa ra yêu cầu bồi thường. Chưa biết đầu đuôi ra sao, chặn được xe tôi, họ liền lao vào đấm, đá, kẹp cổ, khóa tay như bắt một tên tội phạm…”.
Không chỉ vi phạm pháp luật
Ngồi bên giường bệnh, khi mở điện thoại cho chúng tôi xem lại video clip về việc nhóm đối tượng hành hung ông Vin, cô con gái thứ 2 rơm rớm nước mắt: “Bố em ốm yếu như thế mà bị họ khống chế, bẻ quặt tay, ghì cổ để đấm đá. Người ngoài xem còn xót xa, huống chi em là con gái. Không gì hơn, em mong rằng các cơ quan chức năng sẽ làm nghiêm việc này, người nào có tội thì phải bị xử lý theo pháp luật”.
Trao đổi về quan điểm của gia đình trong việc xử lý vụ việc, ông Vin cùng người thân cho rằng: Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, gia đình mong cơ quan thực thi pháp luật làm đúng quy định… Bà Thơm cho biết, trong thời gian ông Vin nằm điều trị, những người hành hung ông Vin có đến bệnh viện có ý xin lỗi gia đình bỏ qua chuyện nhưng gia đình chưa đồng ý. Khi tiếp xúc, họ cũng không đề cập gì đến việc trả tiền viện phí hay bồi thường. Việc này không phải vì kinh tế mà vì thái độ của những người nói trên. Họ biết ông Vin là thương binh nhưng vẫn cố tình hành hung; lấy nạng gỗ để sau xe đánh ông rạn xương bả vai.
Biết tin ông Vin được xuất viện, người đồng đội là Đỗ Văn Tạc (sinh năm 1964, thương binh 4/4, hiện trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) vội vã vào thăm. Ông Tạc kể: “Hôm xảy ra sự vụ, tôi nhận được điện thoại của vợ chồng ông ấy. Nghe xong thì tôi đến ngay (khu vực xảy ra va chạm giao thông), thấy mặt mày ông ấy chảy máu, mắt sưng to. Lúc đó, tâm lý ông ấy hoảng loạn. Tôi cùng vợ con ông ấy dìu ông lên xe ba gác của tôi và chở về đồn công an. Khi công an lập biên bản xong, tôi chở ông ấy đi bệnh viện”.
Đối với vụ việc ông Vin bị hành hung, ông Tạc cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Xảy ra va chạm giao thông, ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc nhóm người hành hung một người thương binh già như ông Vin thì quá dã man. Cơ quan pháp luật phải xử lý đúng người, đúng tội để răn đe...”.
Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc thương binh Hoàng Tiến Vin bị hành hung, lần theo thông tin, chúng tôi tìm gặp người phụ nữ xuất hiện trong clip với những tiếng kêu thất thanh: "Thôi, đừng đánh ông ấy nữa", "Thôi, xin đừng đánh chú ấy nữa, chú ấy già rồi"... Chiều 6/2, có mặt tại xóm Phượng Đồng (xã Phụng Châu), nhiều người dân xung quanh nơi được xác định là địa điểm quay clip bày tỏ bức xúc trước hành động của nhóm người đánh ông Vin. Trong đó, chị H. (là người phụ nữ liên tục kêu thất thanh trong clip) bất bình kể lại: “Chiều hôm đó, tôi vừa đi tiêm về gần đến nhà thì thấy cả nhóm người chặn xe. Kẻ thì ôm, người thì bẻ tay, ghì siết cổ, có người cầm gạch để ném vào một người đàn ông già. Đi gần đến nơi, tôi vội hét lên và biết người đang bị đánh là ông Vin, người cùng xã”.
Cũng theo chị H., lúc đó nhiều người khác cùng can ngăn, tuy nhiên nhóm người kia quá hung hãn. Bất chấp lời nói, hành động ngăn cản của người dân, những thanh niên kia vẫn lao vào, người vật ông Vin ra đường rồi đấm đá, sau đó áp tải ông lên xe máy chở đi. “Bất luận thế nào đây là hành vi côn đồ không thể chấp nhận được. Hành vi đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn chà đạp lên các chuẩn mực đạo đức của xã hội về truyền thống kính già, yêu trẻ của người Việt” – chị H. nói.
Cuối giờ chiều, trong cái nắng ấm áp của ngày đầu Xuân, khi vợ con người cựu binh già đang tất bật chuẩn bị cơm nước cho ngày Tết đoàn viên cũng là lúc chúng tôi xin phép được ra về. Trên con đường làng thênh thang, những âm thanh rộn rã vang lên của lễ hội làng, tôi và bạn đồng nghiệp đều cảm thấy một niềm vui nào đó. Phải chăng đó là những lời trao đổi thẳng thắn của người phụ nữ trẻ, người dám đứng ra, để lên án những hành vi vi phạm đạo đức xã hội.
Về vụ việc nhóm thanh niên hành hung thương binh Hoàng Tiến Vin, Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Giám đốc Sở LĐTB&XH đã cử lãnh đạo phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ đến thăm, tặng quà và động viên. Đồng thời, kiến nghị với cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ hành hung ông Vin. Phía ông Vin cũng không đề đạt đến chuyển đổi việc làm. Nếu gia đình gặp khó khăn, ông ấy có nguyện vọng, chúng tôi sẽ giải quyết theo điều kiện, khả năng của địa phương, ngành.
Trưởng phòng Chính sách người có công,
 Sở LĐTB&XH Hà Nội  Trần Thanh Bình

Dịp Tết vừa qua, ông Vin và các gia đình chính sách khác trên địa bàn huyện đã nhận đầy đủ các chế độ. Gia đình ông Vin thuộc diện Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy rằng ông ấy đã xây nhà rồi nhưng chúng tôi sẽ xem xét hỗ trợ theo đúng quy định… Về mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, đến thời điểm này, gia đình ông Vin chưa có ý kiến. Nhưng, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện phối hợp với UBND xã Phụng Châu sẽ cố gắng tạo điều kiện cho gia đình ông Vin cũng như những người có công với cách mạng được đảm bảo cuộc sống.
Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Chương Mỹ  Nguyễn Đình Nghĩa
Thủy Trúc ghi