Chuyên gia Pháp khẳng định không “thay áo mới” cho biệt thự 49 Trần Hưng Đạo

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Mấy ngày qua dư luận phản ứng về dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo gây ra việc “thay áo mới” cho một công trình hơn 100 tuổi. Dự án UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, phối hợp cùng các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp) với nguồn kinh phí 14 tỉ đồng.

Chọn gam màu nhạt không phải là cách bảo tồn hay

Toàn cảnh biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sau 1 năm thực hiện trùng tu
Toàn cảnh biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sau 1 năm thực hiện trùng tu

Căn biệt thự có kiến trúc theo kiểu Pháp nằm ở số 49 Trần Hưng Đạo và 46 Hàng Bài thuộc phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) có diện tích đất lên tới hơn 990 m2, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, là một trong những công trình còn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc. Tháng 4/2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án trên. Qua 1 năm thực hiện, đến nay, công trình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện và ban đầu đã bị dư luận phản ứng vì màu vôi quá lòe loẹt so với công trình 100 tuổi.

Ông Emmanuel Cerise - chuyên gia hỗ trợ chuyên môn cho dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo và 46 Hàng Bài trả lời báo chí về công tác trùng tu công trình vào chiều ngày 15/4.
Ông Emmanuel Cerise - chuyên gia hỗ trợ chuyên môn cho dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo và 46 Hàng Bài trả lời báo chí về công tác trùng tu công trình vào chiều ngày 15/4.

Để lý giải về các nguyên tắc trùng tu công trình này, ông Emmanuel Cerise - đại diện vùng Ile-de-France tại Việt Nam, giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam, chuyên gia hỗ trợ chuyên môn cho dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo và 46 Hàng Bài đã bày tỏ:

Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo là công trình do tư nhân quản lý và sử dụng, được xây dựng giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Hà Nội nên gần như không có hồ sơ lưu. Do vậy, đơn vị thực hiện trùng tu dự án không tìm được tài liệu lưu trữ về công trình này. Chính vì thế trong quá trình tìm hiểu đặc điểm công trình, các chuyên gia dựa trên nghiên cứu mang tính chất đánh giá hiện trạng, thám sát vật liệu công trình.

“Trong quá trình thám sát các lớp vữa phủ bên ngoài, chúng tôi may mắn tìm được lớp vữa gốc là có gam màu đang được quét như hiện nay. Chúng ta hiểu rằng, sau gần 100 năm, lớp màu đó đã có những thay đổi nhất định nhưng đã dựa vào 1 số bức ảnh cũ chụp về Hà Nội (ảnh màu đầu tiên về Hà Nội) để áp dụng cho việc trùng tư dự án này” – ông Emmanuel Cerise cho biết.

Ngôi biệt thự trước khi trùng tu
Ngôi biệt thự trước khi trùng tu

Ông Emmanuel Cerise cho rằng: Trong thời gian gần đây có 1 số dự án tôn tạo, trùng tu các biệt thự cổ của Pháp đi theo hướng lựa chọn gam màu nhạt, cố tình thể hiện nó nhuốm màu thời gian. Nhưng đó không phải là cách hay để bảo tồn công trình. Nếu bảo tồn công trình hợp lý, chúng ta phải tôn trọng đặc điểm khi mới được xây dựng. Làm nhạt màu vôi, sau một thời gian nữa tác động của ánh nắng, mưa gió thì lại nhạt tiếp, không còn đúng đặc điểm công trình. “Do vậy, chúng tôi khẳng định, gam màu này trong thời gian tới có thể có chút điều chỉnh nhưng về cơ bản sẽ không thay đổi. Chúng tôi tôn trọng gam màu gốc của công trình” - ông Emmanuel Cerise bày tỏ.

 

Dự án trùng tu biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo không phải dự án khôi phục. Vì nếu là dự án khôi phục phải đưa về đúng thực trạng như ban đầu từ thời điểm được xây dựng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án này, có một số bộ phận gần như không thể khôi phục được như: Cầu thang ở trong ống thang đã bị phá bỏ từ rất lâu, bắt buộc chúng tôi phải trung tu, không phải khôi phục. Phần sàn gỗ cũng bị hư hại gần hết; nền sân đào thám sát phía trước cửa vào thấp hơn 45cm. Nếu khôi phục lại, chúng ta đứng thấp hơn 45cm, không phù hợp với cốt nền hiện nay” ông Emmanuel Cerise bày tỏ.

Nói thêm về việc sử dụng phối màu giữa line vàng và line đỏ, đường chỉ kẻ giả gạch, chuyên gia người Pháp cho biết kỹ thuật này đã được sử dụng ở nhiều công trình Pháp có ở Hà Nội. Chẳng hạn như dự án trường Trưng Vương, trước đây là màu vôi tương tự, nhưng khi làm dự án bảo tồn chúng ta có thay đổi 1 chút. Hay trong 1 vài bức ảnh tư liệu trưng bày tại triển lãm “Hà Nội - Khởi đầu một đô thị phương Tây ở Đông Nam Á” nếu quan sát kỹ phần hậu cảnh có những công trình được phối màu như thế này.

Khẳng định đảm bảo về nguyên tắc bảo tồn, Ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết thêm: “Quá trình chúng tôi tu bổ đã phát hiện màu vôi đầu tiên của công trình. Với nguyên tắc bảo tồn, công trình này được hoàn chỉnh bằng lớp vữa chát tam hợp gồm cát, vôi, xi măng. Chất liệu đưa ra màu hiện nay có nguồn gốc vôi, đảm bảo tính đồng nhất về mặt vật liệu”.

14 tỉ đầu tư là theo định mức

Dư luận ngoài việc phản ứng về màu vôi, còn đặt ra câu hỏi kinh phí đầu tư 14 tỉ đồng cho việc trùng tu công trình này có quá tốn kém.

Theo thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm, 14 tỉ đồng đầu tư trùng tu công trình được lấy từ nguồn ngân sách của Quận. Ngoài ra, hơn 1 năm qua, phía Pháp đã chi trả toàn bộ kinh phí cho các chuyên gia người Pháp trong việc tham gia quá trình đánh giá và tu bổ.

Ông Phạm Tuấn Long bày tỏ 14 tỉ này là chỉ dành cho việc trùng tu dự án, còn kinh phí cho nội thất bên trong của công trình đang tiêp tục được tính toán. Ông Long cho biết nguồn kinh phí này được duyệt trong định mức cho phép.

Triển lãm “Hà Nội - Khởi đầu một đô thị phương Tây ở Đông Nam Á” được trưng bày tại khuôn viên sân vườn ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo từ ngày 15/4.
Triển lãm “Hà Nội - Khởi đầu một đô thị phương Tây ở Đông Nam Á” được trưng bày tại khuôn viên sân vườn ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo từ ngày 15/4.

Sau khi hoàn thành, quận Hoàn Kiếm sẽ phát huy giá trị công trình trở thành trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội. Đây là một địa điểm thuận lợi để giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khu phố cũ; là nơi gặp gỡ, trao đổi, kết nối giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và người dân tìm hiểu, tham quan về các giá trị di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc.

Trùng tu các công trình biệt thự Pháp là cần thiết

Hiện nay, Hà Nội lựa chọn 30 biệt thự cũ do thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.

Ủng hộ cách trùng tu các biệt thự cổ của Pháp, KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá: “Đây là biểu tượng của hội nhập, văn hoá truyền thống của Hà Nội và là dấu ấn của quá trình phát triển Thăng Long – Hà Nội. Với dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội không chỉ mời chuyên gia trong nước mà nhiều chuyên gia, tổ chức phi chính phủ nước ngoài để cùng nghiên cứu. Tôi cho đây là sự quyết tâm rất lớn để gìn giữ, tạo lập bản sắc riêng của TP Hà Nội; không chỉ tôn vinh quá khứ mà còn để lại cho thế hệ mai sau”.