Chuyên gia y tế cảnh báo: Đừng chủ quan với bệnh dại

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 58 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, trong đó, miền Bắc chiếm số lượng cao nhất với 23 ca, sau đó đến miền Nam 20 ca, Tây Nguyên 10 ca và miền Trung 5 ca.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do người bệnh không đi tiêm vaccine phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương. Người dân thường nghĩ rằng chó mèo đã tiêm phòng thì không sao, hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng.

Tử vong vì bệnh dại sau 4 tháng bị chó lạ cắn

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 30 tuổi (Phú Thọ) đến khám do hốt hoảng, lo âu.

Qua khai thác, bệnh nhân cho biết: Khoảng 3 - 4 tháng trước, bệnh nhân bị con chó lạ cắn. Sau đó, bệnh nhân đã làm thịt luôn con chó này để ăn nhậu. Bệnh nhân cũng không đi tiêm kháng huyết thanh. Trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, bị kích động, sợ nước, sợ gió lạnh không dám tắm, đau mỏi đầu và hai vai. Khi đó, bệnh nhân đi khám ở phòng khám tư nhưng không đỡ.

Đến 10 giờ sáng ngày 21/12, bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám, được chẩn đoán và làm xét nghiệm virus dại có kết quả dương tính. Bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Khoa Cấp Cứu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đến chiều tối cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu hốt hoảng, cảm giác sợ nước sợ gió tăng dần. Sau đó, được bác sĩ giải thích tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

Trước đó, tháng 10/222, Hà Nội cũng đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại là một người đàn ông 50 tuổi (ở thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh). 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chiều 16/10, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt, mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng kèm cảm giác khó thở. Đến sáng 18/10, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Mê Linh khám, được test cúm B dương tính. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị kích động, nói nhảm, không hợp tác.

Đến ngày 19/10, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng loạn thần, kích động, sợ lạnh, sợ nước nên được bác sỹ chẩn đoán nghi ngờ bị bệnh dại. Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).

Tại đây, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng kích thích vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hoặc quạt gió. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (nước bọt, dịch não tủy, mảnh sinh thiết da gáy) gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân tử vong và được gia đình làm thủ tục đưa về quê mai táng. Sáng 20/10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời kết quả, bệnh nhân dương tính với virus dại.

Trước đó, trong vòng 2 tháng nay, người này có tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn. Hai con chó được giết mổ đều khỏe mạnh và đã nuôi hơn 5 tháng nhưng không được tiêm phòng. Người đàn ông tử vong vì bệnh dại này cũng chưa tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Gia đình nạn nhân cũng không rõ người này có bị cắn hay có vết thương khi giết mổ chó hay không.

Chủ động phòng bệnh

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 2 ca tử vong do dại tại huyện Phú Xuyên và Mê Linh. Cả 2 trường hợp đều có tiền sử bị chó cắn hoặc tham gia giết mổ chó nhưng đều không đi tiêm chủng phòng dại.

Để thực hiện mục tiêu “Không có người chết vì bệnh dại từ năm 2030” mà Chính phủ đề ra, ngành y tế Thủ đô tiếp tục tập trung tư vấn, tuyên truyền kiến thức phòng, chống bệnh dại để người dân chủ động xử lý ngay vết thương khi bị chó, mèo cắn và đến cơ sở y tế để tiêm phòng kịp thời.

Đối với người dân, cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành Thú y để phòng, chống bệnh dại.  Người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở tiêm phòng dại kịp thời.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời, đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

 

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 58 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người trong đó khu vực miền Bắc chiếm số lượng cao nhất với 23 ca, sau đó đến miền Nam là 20 ca, Tây Nguyên 10 ca và miền Trung 5 ca. Số ca tử vong tăng 5 trường hợp so với năm 2021 (53 ca).