Chuyện lạ: nơi người dân chỉ mong đảo chính!

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khủng hoảng chính trị, xung đột sắc tộc triền miên ở nhiều nơi khiến người dân châu Phi rơi vào cảnh sống mòn.

Khủng hoảng chính trị vẫn luôn là vấn đề nhức nhối ở châu Phi khi các cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền xảy ra như cơm bữa.

Chỉ từ năm 2020 trở lại đã có đến 9 cuộc đảo chính xảy ra tại Tây Phi, Trung Phi và Sahel (vùng bán khô hạn rộng lớn của châu Phi ngăn cách sa mạc Sahara), khiến kinh tế suy thoái trầm trọng, đẩy người dân vào muôn vàn khó khăn.

Đảo chính ở Thủ đô Niamey, Niger vào cuối tháng 7/2023. Nguồn: AP
Đảo chính ở Thủ đô Niamey, Niger vào cuối tháng 7/2023. Nguồn: AP

Tại Trung Phi, quân đội Gabon mới lật đổ tân Tổng thống Ali Bongo khi cho rằng kết quả bầu cử không minh bạch. Cuộc đảo chính này cũng chấm dứt triều đại 55 năm thống trị Gabon của gia tộc Bongo.

Bên cạnh đó, vào tháng 4/2021, quân đội Chad lập tức lên nắm quyền ngay sau khi Tổng thống Idriss Deby bị sát hại trong chuyến thăm lực lượng quân đội đang chiến đấu với phiến quân ở phía Bắc.

Quốc gia Bắc Phi Sudan lại rơi vào hỗn loạn chính trị khi phe chống đối đồng loạt nổi dậy chống phá chính phủ vào tháng 10/2021.

Trong khi đó, Tây Phi lại chính là khu vực khủng hoảng chính trị nặng nề nhất, liên tiếp xảy ra đảo chính. Mali đã xảy ra tận 5 cuộc đảo chính với việc Đại tá 37 tuổi Assimi Goita đứng lên lật đổ chính phủ đến 2 lần, trong khi Burkina Faso chứng kiến hai cuộc đảo chính lớn chỉ trong năm 2022. Tại Niger, Tổng thống Mohamed Bazoum bị phe đảo chính truất ngôi vào ngày 26/7/2023. Một số cuộc đảo chính cũng xảy ra tại Gambia, Guinea-Bissau nhưng đều thất bại.

Tuy không phải tất cả, nhưng nhiều cuộc nổi dậy ở châu Phi lại nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, thường đến từ đường lối lãnh đạo yếu kém của chính phủ.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính bắt nguồn từ nền dân chủ yếu kém của các quốc gia Tây Phi, đặc biệt là khu vực Sahel.

Ở những nơi này, tình trạng khủng bố, xung đột, bất bình đẳng giới diễn ra thường xuyên, trong khi các cuộc biểu tình dân chủ bị đàn áp thẳng tay bởi xe bọc thép và súng ống.

Bên cạnh đó, tham nhũng tràn lan kết hợp với mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo đang khiến các quốc gia này trở thành miếng mồi ngon cho nhiều siêu cường muốn mở rộng tầm ảnh hưởng.

Tất cả mọi yếu tố, từ thách thức kinh tế, chính trị cho đến mâu thuẫn xã hội đang khiến cho chính phủ khu vực này dễ bị tổn thương trước các cuộc đảo chính.

Sự thất vọng về nền dân chủ

Việc người dân những khu vực này thất vọng với nền chính trị hiện tại và hy vọng vào một cuộc lật đổ thành công là hoàn toàn có cơ sở. Theo một khảo sát đối với 34 quốc gia châu Phi, chỉ có 44% cuộc bầu cử nơi đây đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Kết quả từ cuộc khảo sát 30 quốc gia châu Phi trong giai đoạn 2011-2021 cho thấy 26 nước trong số này không còn đặt niềm tin vào các cuộc bầu cử, thường là những quốc gia hay xảy ra tình trạng đảo chính như: Sudan, Mali, Burkina Faso và Niger. Ngay cả với Nam Phi, nơi có bầu cử gần như là tự do và công bẳng nhất, tỷ lệ ủng hộ bầu cử đã giảm 20 điểm phần trăm trong thập kỷ qua.

Theo Jonathan Asante-Otchere, một nhà phân tích chính trị và giảng viên Đại học Cape Coast, Ghana, công dân ở nhiều quốc gia châu Phi không thấy được tính dân chủ và sự công bẳng, do vây họ ủng hộ các cuộc đảo chính với mong muốn thay đổi thực tại bất chấp rủi ro.

Trả lời Al Jazeera, Mutaru Mumuni Muqthar, giám đốc điều hành tại Trung tâm chống chủ nghĩa cực đoan Tây Phi, cho biết: “Một thể chế hoạt động kém hiệu quả và thiếu dân chủ đang khiến mọi thứ ngày càng tồi tệ hơn”.

Tại Mali và Guinea, người dân thường xuyên ủng hộ các cuộc đảo chính khi cho rằng giới chính trị gia và tinh hoa vẫn sống tốt bất chấp tình trạng kinh tế khó khăn, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng vọt.

Nỗ lực từ Pháp khó thành công

Các quốc gia bất ổn đã tìm đến sự trợ giúp của các siêu cường trên toàn cầu, trong đó có Pháp và Nga.

Năm 2017, với sự giúp đỡ của Đức và Liên minh Châu Âu, Pháp đã thành lập Liên minh Sahel nhằm tăng cường viện trợ cho các quốc gia gặp khó khăn. Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho liên minh này.

Tuy nhiên, mọi chuyện vô cùng khó khăn đối với mối quan hệ giữa chính phủ Paris và Tây Phi khi các quốc gia tại khu vực này từng là thuộc địa của Pháp trong quá khứ. Bên cạnh đó, việc siêu cường này chưa thực sự quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của người dân châu Phi cũng khiến mối quan hệ hai bên ngày càng rơi vào bế tắc.

Tổng thống lâm thời của Chad Mahamat Idriss Deby và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Cung điện Elysee ở Paris. Nguồn: Al Jazeera
Tổng thống lâm thời của Chad Mahamat Idriss Deby và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Cung điện Elysee ở Paris. Nguồn: Al Jazeera

Muqthar, Trung tâm chống chủ nghĩa cực đoan Tây Phi, cho biết: “Mối quan hệ giữa các quốc gia Tây Phi và Pháp khó có thể đạt được kết quả, do sự phản đối mạnh mẽ từ đông đảo người dân”.

Thay vào đó, người dân châu Phi đang trông chờ vào những thế lực mới khác xem trọng tiềm năng của khu vực này như: Thổ Nhĩ Kỳ, UAE hay các siêu cường đang không ngừng củng cố tầm ảnh hưởng như: Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Tuy nhiên, về lâu dài, các chính phủ châu Phi vẫn cần phải giải quyết những thiếu sót trong thực hiện dân chủ và cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Có như vậy thì dân chủ vẫn sẽ là một khát vọng có ý nghĩa.