Chuyển thuốc, vật tư phòng chống Covid-19 mua sang nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chính phủ cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chưa sử dụng hết để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Chuyển thuốc, vật tư phòng chống Covid-19 mua sang nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh - Ảnh 1

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 129/NQ-CP ngày 18/8/2023 về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch Covid-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, một số địa phương, cơ sở y tế đã mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm cao hơn nhu cầu thực tế bằng nguồn ngân sách nhà nước để cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19. Đến nay, tình hình dịch Covid-19 đã được khống chế nên việc sử dụng số thuốc, vật tư, sinh phẩm trên cho nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 không còn cấp thiết.

Do vậy, Chính phủ quyết nghị: Cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chưa sử dụng hết để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế tối đa lãng phí.

Nghị quyết nêu rõ, đối với thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch Covid-19 thuộc danh mục Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thanh toán và thu từ phần đồng chi trả của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế bằng với giá mua vào theo quy định của pháp luật đấu thầu nhưng không được cao hơn giá do cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kể từ thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực.

Đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thu của người bệnh bằng với giá mua vào theo quy định của pháp luật đấu thầu nhưng không được cao hơn giá do cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kể từ thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực.

Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực, trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có giá do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán thì được căn cứ giá do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, nếu vẫn không có giá do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thì được thanh toán bằng giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đối với thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch Covid-19 không thuộc danh mục Bảo hiểm y tế thanh toán, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thu của người bệnh bằng với giá mua vào theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Nghị quyết nêu rõ, số kinh phí các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thu được thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động rà soát lại số lượng thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua nhưng chưa sử dụng hết từ nguồn ngân sách nhà nước để ưu tiên phục vụ công tác chống dịch, dự phòng chống dịch và điều chuyển sử dụng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa lãng phí.

Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện thanh, quyết toán theo quy định và nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Y tế, cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện liên quan đến giá, thanh quyết toán, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (18/8/2023) đến hết ngày 31/12/2023.

 

Trước đó, tại cuộc tọa đàm về truyền thông y tế tổ chức chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong tháng 6 sẽ có quyết định từ chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. 

Hiện tại, Bộ Y tế đã rà soát và đang xin ý kiến của Bộ Tư pháp để sửa đổi các quyết định về chính sách liên quan bệnh Covid-19 ở nhóm A.

Khi chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, công tác điều trị bệnh vẫn dựa trên phác đồ chung của ngành y tế, chỉ khác khi bệnh ở nhóm A thì ngân sách nhà nước sẽ chi trả chi phí khám chữa bệnh, khi sang nhóm B thì Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.