Chuyện về những “chiến sĩ” không sao

Phong Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng kiến những buổi tập của cán bộ, chiến sĩ Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ (C69) - Bộ Công an với những chú cảnh khuyển mới hiểu những mồ hôi, nước mắt, nhiều khi cả máu phải đánh đổi để có được những chú chó chiến sĩ đó.

 Ảnh: Anh Phong
Yêu nghề mới trụ được với nghề
Trung tá Đỗ Văn Long - Trưởng phòng Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ chân tình: “Nói ra có thể nhiều người không tin, nhưng sự thực là nhiều khi người thân ốm chưa chắc đã về chăm được, nhưng chó ốm thì phải ngồi chờ truyền từng chai nước. Tết nhất nhiều khi cũng không được nghỉ nếu chẳng may chú chó mình trực tiếp huấn luyện đang bị bệnh”.

Để huấn luyện một chú chó nghiệp vụ cần rất nhiều thời gian. Công việc ấy có thể nói là bắt đầu từ khi phôi thai các chú cún. Bởi công tác sinh sản phát triển giống được làm ngay tại đơn vị, được đủ 2 - 3 tháng tuổi sẽ mang tới nhà của các cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm nuôi, để khi đủ độ tuổi tuyển trở lại đơn vị để đưa vào huấn luyện.
Điều kiện đầu tiên để các chú chó được đưa vào huấn luyện là phải ít nhất 1 - 2 năm tuổi, đảm bảo đủ các tiêu chí về thể chất, trọng lượng cũng như thần kinh. Và dù đã đầy đủ các tiêu chí đó, thì các chú chó này vẫn phải trải qua một cuộc giám định khắt khe, căn cứ vào yêu cầu của từng chuyên khoa. Chẳng hạn huấn luyện đối với chó giám biệt mùi hơi phục vụ các vụ án hình sự, thì chọn những con nhanh nhẹn, thần kinh cân bằng, linh hoạt. Huấn luyện chó chuyên làm công tác bảo vệ, truy tìm tấn công tội phạm thì phải chọn giống to, khỏe, hung dữ.

Một điều mà các huấn luyện viên luôn ghi nhớ là dù bực mình thế nào cũng không được đánh chó, vì điều đó dễ tạo nên khoảng cách giữa huấn luyện viên với “học viên”. Thế nên, cách phạt phổ biến mà các huấn luyện viên cảnh khuyển hay dùng là giật dây cương. Việc này không chỉ làm các chú cảnh khuyển đau, mà còn giúp họ điều khiển được “học viên” của mình. Chỉ khi chiếc dây cương ở cổ con chó được tháo ra, cũng là lúc chúng hoàn thành khóa huấn luyện.

Riêng với các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp huấn luyện cảnh khuyển, thì tai nạn nghề nghiệp không hiếm. Họ vẫn thường đùa nhau, chưa bị chó cắn thì chưa phải là… lính huấn luyện chó. Bởi khi huấn luyện kỹ năng tấn công tội phạm, nhiều chiến sĩ phải đóng giả quân địch.
Nguyên Đại tá Lê Xuân Phong - Trưởng phòng đào tạo chó nghiệp vụ từng bị chó cắn phải vào bệnh viện điều trị suốt một tuần. Ấy là lần ông Phong giả quân địch, huấn luyện cho một chú chó Đức. Vì chưa có kinh nghiệm và kỷ luật, nên khi có khẩu lệnh tấn công tội phạm, chú chó lao đến cắn ông. “Giờ mà vạch đùi tôi lên, thì có cả một chùm sẹo" – ông Phong cười giòn.

Quả thật, nếu không có đam mê, nhiệt huyết, thì không thể theo đuổi công việc đầy hiểm nguy này. Nhiều người khi mới nhận công tác về C69 còn không tránh khỏi cảm giác tự ti với bạn bè, người thân và chính những đồng nghiệp của mình. Như như Đại tá Đỗ Xuân Long tâm sự: “Đó là cảm giác lúc ban đầu thôi, còn những ai đã trụ được với nghề đều là những người đam mê công việc này. Tình cảm mà các cán bộ, chiến sĩ dành cho những chú chó mình huấn luyện không đơn thuần là tình yêu thương, mà còn là sự tôn trọng bởi họ coi “cảnh khuyển” như những người lính thực thụ”.
 Ảnh: Anh Phong
Những “lính chiến” quả cảm

Từ C69 này, biết bao chú cảnh khuyển tinh nhuệ đã tham gia vào đội quân bảo vệ phòng ngừa và trấn áp tội phạm. Một trong số nhiều chiến công của các chú chó nghiệp vụ phải kể đến Chuyên án 279. Khoảng tháng 6/2014, nguồn tin trinh sát cho hay trên địa bàn Sơn La có 2 nhóm đối tượng vận chuyển ma túy số lượng rất lớn, có vũ trang.
Ngay lập tức lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Sơn La lập chuyên án để điều tra, khám phá. Ban chuyên án đã chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 3 - 16/6, có 8 cán bộ, chiến sĩ của Cục C69 sử dụng 15 chó nghiệp vụ, phối hợp cùng Công an tỉnh Sơn La, Cục C67, C52. Giai đoạn 2 của chuyên án tiếp tục từ 16 - 20/7, có 9 cán bộ cùng 6 chó nghiệp vụ kết hợp với các lực lượng tham gia phá án. Lần đánh án này để lại không ít dấu ấn với cán bộ chiến sĩ C69, bởi chú chó tên Zôn đã hy sinh.

Lần đó, điểm phục kích thuộc địa bàn giáp Mộc Châu, Lai Châu, Vân Hồ. Trung tá Lê Sĩ Hà - Phó trưởng Phòng sử dụng chó nghiệp vụ cùng 8 cán bộ khác sử dụng 6 chó nghiệp vụ tấn công. Khi phát hiện các đối tượng, các chiến sĩ phát loa yêu cầu quy hàng và bắn chỉ thiên, đối tượng vẫn chống trả quyết liệt, dùng súng bắn xối xả vào trinh sát đang làm nhiệm vụ. Anh Hà hô lớn, lần lượt 6 chú chó nghiệp vụ được thả, phi về phía đối tượng.
Con Zôn được chính tay anh Hà huấn luyện, được thả ra đầu tiên. “Khi con Zôn lao vào cắn và khống chế được một đối tượng, thì bị một đối tượng khác bắn vào cổ và chết ngay tại chỗ” – anh Hà bùi ngùi. Nhưng rồi ngay sau đó, 5 đối tượng bị bắt, 2 đối tượng chết ngay tại chỗ, 3 đối tượng còn lại bị thương. Cơ quan công an thu được 108 bánh heroin, 2 khẩu súng cacbin, 2 khẩu AK, 1 súng ngắn cùng 70 viên đạn.
Những chú chó nghiệp vụ không chỉ tham gia phá án mà còn được sử dụng vào công tác cứu nạn, cứu hộ vô cùng hiệu quả. Điển hình là vụ sập mỏ đá tại xã Thu Cúc, huyện Xuân Sơn (Phú Thọ). Hàng nghìn mét khối đất đá sập xuống, khiến việc tìm kiếm 2 thi thể nạn nhân vô cùng khó khăn. Sau khi sử dụng các loại máy móc, công nghệ dò tìm đều bất lực, 6 cán bộ cùng 3 chú chó nghiệp vụ đã vào cuộc. Chỉ một thời gian ngắn đã đánh hơi được chính xác nơi có thi thể của 2 nạn nhân xấu số.

Thiếu tá Lê Sĩ Hà chia sẻ: “Huấn luyện viên phải miệt mài tập luyện bất kể thời tiết nóng hay lạnh, ngày hay đêm. Bởi với đặc thù nghề nghiệp, nếu không được tập luyện và rèn luyện kỹ năng thường xuyên, sẽ không thể có những chú cảnh khuyển tinh thông, đáp ứng tốt yêu cầu nghiệp vụ”.