Có biểu hiện thất thoát do xử lý sau thu gom vật liệu nổ bom mìn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất kỳ, tổ chức, cá nhân nào vi phạm trong việc xử lý bom mìn đều sẽ bị xử lý, sai phạm đến đâu xử lý đến đó.

Đại tá Nguyễn Văn Tín - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng trả lời báo chí tại cuộc họp báo thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 30/3.
Bộ đội công binh rà phá bom mìn Quảng Trị. Ảnh: Trọng Đức
Theo kết quả điều tra đến năm 2014, 49/63 tỉnh có tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Đến nay, số nạn nhân bom mìn, vật nổ là 1.813 người, trong đó 919 người chết, 894 người bị thương.
Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến một số vụ nổ nghiêm trọng thời gian qua, nhất là vụ nổ ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Đại tá Nguyễn Văn Tín cho biết: Bộ Quốc phòng đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Trước Tết Nguyên đán 2018, đơn vị đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về việc bảo đảm kho đạn dược, quản lý rà phá bom mìn.
Theo ông Tín, vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông (Hà Nội), xã Văn Môn (Bắc Ninh) xuất phát từ việc kinh doanh buôn bán phế liệu của các hộ cá thể, nên không thể loại trừ được những vật liệu nổ sau xử lý còn sót lại và bị lẫn trong thu gom, buôn bán. Pháp luật đã có những văn bản quy định cấm buôn bán những vật liệu liên quan đến bom mìn, vật nổ; nhưng công tác quản lý chung của các địa phương còn nhiều vấn đề.
Trả lời phóng viên về nội dung có hay không việc thất thoát vật liệu nổ ra ngoài sau khi đã thu gom, ông Tín khẳng định: “Có biểu hiện thất thoát do xử lý sau thu gom vật liệu nổ bom mìn. Nhưng ở mức độ nào, ở đâu, ai vi phạm thì còn phải điều tra”.
Ông Tín cũng thông tin thêm, trong quân đội, lượng đạn cấp 5 dẫn đến cháy nổ trong thời gian qua không nhiều. Từ ngày thành lập quân đội có khoảng 33 vụ cháy nổ kho, so với tỉ lệ của các nước là rất thấp. Hiện nay, tỉ lệ đạn của Việt Nam có thời gian sử dụng khá cao. Ở các nước 20 năm đã xử lý trong khi Việt Nam có 93% lượng đạn trên 30 năm.
Đại tá Tín cũng chỉ ra 5 nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ kho đạn, đó là: Tự cháy; thời tiết quá nóng; nền kho bị sụt lún do địa chất, chập điện; con người bất cẩn trong quá trình vận chuyển; do phá hoại của các thế lực thù địch.
Phó Tổng Giám đốc trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ngày 3/4, các đơn vị sẽ công bố bản đồ về mức độ ô nhiễm bom mìn, đồng thời khẩn trương hoàn thiện quy định quy chuẩn chuẩn quốc gia về rà phá bom mìn. Mục tiêu chính của chúng ta là đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc làm sạch các khu vực ô nhiễm liên quan đến bom mìn. Từ nay đến đó, dự kiến mỗi năm làm sạch 30.000 - 50.000ha đất bị ô nhiễm bom mìn.