Cơ hội và thách thức

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 sáng 3/4, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ KH&CN và đại diện nhóm chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0 - Industry 4.0) - kỷ nguyên mà các công nghệ như thực tế ảo, vạn vật kết nối internet, in 3D, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Những chiếc ô tô tự lái, các thiết bị trợ lý ảo, công nghệ chế tạo kỹ thuật số và các tương tác với thế giới sinh học… So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc CMCN 4.0 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Hơn nữa, nó đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Các nhà nghiên cứu thế giới đã chỉ ra CMCN 4.0 cho phép nền kinh tế toàn cầu có thêm 14,2 tỷ USD thu nhập trong 15 năm tới và sẽ làm thay đổi hoàn toàn tới việc làm trong tương lai và tác động đến các ngành công nghiệp trên toàn thế giới.

 Ảnh minh họa

Nói như vậy để thấy rằng, nếu Việt Nam không nhanh chóng bắt nhịp sẽ tụt hậu. Thực tế, với dân số trẻ, quy mô lớn, được đánh giá cao về năng lực… nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đầy tham vọng trở thành nước mạnh về CNTT. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam mới chỉ dừng ở vị trí 80 - 90 trên thế giới theo xếp hạng của Liên Hợp quốc. CNTT chỉ tăng trưởng hơn 10%/năm. Thị trường dịch vụ CNTT chỉ đạt 3 tỷ USD so với con số 943 tỷ USD của toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói: Cuộc CMCN 4.0 không tự nhiên đem lại cơ hội cho mọi người. Làm sao chúng ta phát triển CNTT phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi thế giới đã tắt mạng 2G rồi thì chúng ta mới bắt đầu khai trương 4G và chất lượng mạng 3G tốc độ vẫn chưa ổn định? Làm sao chúng ta nói về cách mạng công nghiệp 4.0 khi chính sách thuế, tài chính, DN vẫn chưa tạo điều kiện để phát triển một xã hội thông tin? Làm sao chúng ta tận dụng được cơ hội khi các chính sách về dịch vụ CNTT vẫn còn nhiều vướng mắc khiến những người trẻ sáng tạo phải đầu tư sang Singapore, Mỹ; khi các kỹ sư CNTT tốt nghiệp vào làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia, thậm chí vào FPT phải đào tạo lại cả một năm?

Ngay cả chủ trương của Chính phủ là đơn giản hóa thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền thì đâu đó người dân, DN vẫn phàn nàn, khi hàng ngày người dân, DN vẫn phải xếp hàng làm các thủ tục liên quan đến hành chính. Đơn cử như với ngành thuế, hải quan áp dụng hệ thống điện tử song DN vẫn kêu trên thực tế các DN vẫn nộp hồ sơ giấy cho cơ quan hải quan. Nhiều DN phàn nàn, họ vẫn bị yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại giấy tờ không cần thiết, đặc biệt phải chờ đợi thủ tục kiểm tra chuyên ngành khiến tốn kém chi phí. Hay như ngành ngân hàng, nhìn ra khu vực và thế giới, họ đã áp dụng Basel Basel III, trong khi các ngân hàng Việt mới áp dụng Basel I và đang trong quá trình tiến tới Basell II. Các thống kê cho thấy có tới 1.200 dịch vụ công có thể thực hiện cấp độ 4 (người dân không phải đi đến tận nơi nộp, nhận kết quả - không có bất kỳ giấy tờ gì phải sao nộp, tất cả được làm qua mạng internet), nhưng có rất ít trong số dịch vụ này được triển khai trong cuộc sống…

Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ hối thúc các bộ, ngành về cuộc cuộc CMCN 4.0, bởi lẽ CNTT có vai trò quan trọng đối với đất nước, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0 và phong trào khởi nghiệp sáng tạo đang được đề cập ngày càng nhiều và Việt Nam đang cải thiện môi trường kinh doanh thu hút đầu tư… Các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra rằng, cuộc CMCN 4.0 đã và sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, mô hình quản trị DN, cấu trúc xã hội… Chính vì vậy, hàng loạt các vấn đề được đặt ra không chỉ là công nghệ, kết nối các hạ tầng cơ sở mà thậm chí là sự thay đổi về luật pháp, chính sách… Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, ngành, trước hết là Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí, kể cả các tập đoàn, DN, cần làm tốt công tác truyền thông để tăng cường hiểu biết về cuộc cách mạng 4.0. Qua đó làm cho từng người dân, DN, mọi cơ quan, tổ chức đều biết thời cơ và thách thức để có tư duy và biện pháp phù hợp. Cuối năm sẽ tổng kết, đánh giá xem việc triển khai cách mạng 4.0 đã đạt được gì và cần tiếp tục có những biện pháp để triển khai hiệu quả.