Đó là giải quyết những mâu thuẫn giữa sức lao động có hạn của đại đa số con người với đòi hỏi ngày càng cao của lao động, giữa giá trị cơ bắp và lượng trí tuệ tích lũy trong một sản phẩm.
Thế kỷ 19, nhân loại trải qua cách mạng công nghiệp lần thứ 2 với sự ra đời của máy hơi nước. Đó là một cuộc cách mạng đầy bùn và máu, như Các Mác đã nói. Máy hơi nước ra đời đã khiến năng suất lao động xã hội tăng đột biến, khiến nhiều thứ không tưởng thành hiện thực, nhiều điều không ngờ con người lại có thể làm được. Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 cũng đẻ ra phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa tàn bạo, khiến hàng triệu người thất nghiệp, bần cùng hóa hàng chục triệu người, tăng cường khoảng cách giàu nghèo, đẻ ra các nước phát triển và nước nghèo tồn tại cho tới ngày nay, làm đảo lộn nền tảng đạo đức xã hội trên toàn thế giới.
Hiện tại, cả thế giới đang tiến vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo cũng sẽ nảy sinh những mâu thuẫn đáng phải suy ngẫm, như các nhà kinh tế đã chỉ ra, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn, đặc biệt, nó có thể phá vỡ thị trường lao động. Việc thay thế nhân công bằng máy móc trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải. Lấy một thí dụ ngay ở khu vực Đông Nam Á, ở một ngành thu hút nhiều lao động phổ thông nhất là dệt may và da giày. Trong khu vực, ngành này thu hút khoảng 20 vạn lao động, hàng năm đóng góp trên 20 tỷ USD vào GDP của mỗi nước, tuy nhiên phần giá trị gia tăng trong các nhóm hàng này chỉ trên 10% và lao động chủ yếu là phổ thông, tay nghề thấp, dễ thay thế. Theo đánh giá của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), nếu triệt để thực hiện cách mạng công nghệ 4.0, sẽ có 9,4 triệu lao động trong các ngành này thất nghiệp vì bị máy móc thay thế, trong đó Việt Nam chiến 86%, Campuchia 88%...
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển trong điều kiện dân số vàng, với thu nhập bình quân đầu người chỉ là 2.200 USD (theo thống kê của Standard & Poor), đồng thời có đầy đủ những tiền đề thuận lợi cho cách mạng công nghệ 4.0 như internet và truyền thông, cấy ghép và in 3D, trí tuệ nhân tạo… trong đó nổi lên là trí thông minh nhân tạo. Điều hạn chế là, Việt Nam chưa đạt thành tựu cao trong đào tạo nghề, giáo dục nghề, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp. Một năm, Việt Nam có thêm 60 vạn lao động nhưng số lao động được đào tạo nghề chỉ 20%, lao động nông thôn còn ít hơn. Năm 2016, cứ mỗi giờ có thêm 12 doanh nghiệp ra đời, số lao động cần rất nhiều nhưng cũng năm 2016, có 20 vạn lao dộng có bằng từ cử nhân trở lên không có việc làm, đủ thấy trình độ lao động nước ta đang ở mức nào.
Thế giới đang chuyển mình để hòa vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy. Để tận dụng được những lợi thế đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghệ mới, chúng ta cần phải tìm ra các biện pháp và xây dựng các chính sách phát triển thích hợp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các bộ, ngành cần tăng cường nhận thức về cách mạng công nghệ 4.0. "Toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của cách mạng công nghệ 4.0; tránh tình trạng chỗ nào cũng nói cách mạng công nghệ 4.0, nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng” - Thủ tướng nhấn mạnh, và cho rằng, chỉ khi có nhận thức đúng đắn về bản chất của cách mạng công nghệ 4.0, mới có cách ứng xử, có định hướng, tư duy phát triển phù hợp. Mọi ngành, mọi người cần đổi mới, có nhiều tư duy mới, sáng tạo mới để đi tắt, đón đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0.