Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai phá “mỏ vàng” kinh tế thể thao

Bài 3: Để thể thao trở thành ngành “hái ra tiền”

Ngọc Tú – Bùi Lượng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển, thể thao không còn đơn thuần là hoạt động giải trí hay thi đấu, mà đã trở thành một ngành công nghiệp tiềm năng, mang lại nguồn thu khổng lồ.

Tại nhiều quốc gia, thể thao đã trở thành “ngôi sao kinh tế” nhờ sự kết hợp giữa hoạt động thi đấu, quảng bá và khai thác thương mại.

Xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn

Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 nhấn mạnh mục tiêu, hoạt động kinh tế thể thao có bước phát triển mạnh mẽ tới năm 2030, trong đó, tăng trưởng mạnh giai đoạn 2025 - 2030 về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh thể dục, thể thao và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thể dục, thể thao.

Mục tiêu tới năm 2045, thị trường thể thao phát triển, kinh tế thể thao đạt mức tăng trưởng hàng năm cao, từng bước đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.

Mỗi năm Việt Nam có 40.000 giải thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, ở mọi cấp độ. Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy niềm đam mê thể thao tại Việt Nam và tiềm năng rất lớn cho các hoạt động có doanh thu liên quan đến những giải thể thao.

Một trong những loại hình đang thu hút đầu tư là du lịch thể thao. Các sự kiện thể thao thu hút đông đảo khách du lịch tới địa điểm tổ chức, tạo ra tác động lớn cả về kinh tế và xã hội. Du lịch thể thao trên phạm vi toàn cầu đang tăng trưởng nhanh gấp hai lần mức tăng trưởng của du lịch nói chung. Bên cạnh đó, đây cũng là kênh xúc tiến, quảng bá điểm đến hữu hiệu, thúc đẩy giao lưu văn hóa.

Điển hình tại Hà Nội, các giải thể thao thường niên thu hút đông đảo khách du lịch như: Cầu lông quốc tế Hà Nội, Marathon quốc tế di sản Hà Nội, Vô địch Pool 9 bóng Hà Nội mở rộng - Hanoi Open Pool Championship hay một số giải golf tạo sân chơi cho khách du lịch quốc tế… Thông qua các sự kiện thể thao, vận động viên trong nước chính là các đại sứ du lịch giới thiệu vẻ đẹp, con người của TP Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế.

Người dân Hà Nội tham gia thi đấu Pickleball trên địa bàn. Ảnh: Như Đạt
Người dân Hà Nội tham gia thi đấu Pickleball trên địa bàn. Ảnh: Như Đạt

Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Giải chạy đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Phải nhìn nhận thực tế, việc các đơn vị kết hợp thể thao với du lịch để khám phá từng vùng miền tạo kích thích cho người chạy sẵn sàng bỏ chi phí mua bib (số đấu) tham dự. Hiện nay, các giải nâng tầm hơn nhờ có nhiều vận động viên nước ngoài thi đấu”.

Trong số các môn thể thao thế mạnh, golf đang đi đầu trong thu hút khách du lịch. Việt Nam vừa được Tổ chức Giải thưởng golf thế giới (World Golf Awards) lần thứ 11 vinh danh là "Điểm đến golf tốt nhất châu Á năm 2024". Đây là lần thứ 8 liên tiếp Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng World Golf Awards. Đáng chú ý, Hà Nội được vinh danh là "Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2024".

Việt Nam được đánh giá là điểm đến chơi golf lý tưởng trong khu vực châu Á nhờ phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu nhiệt đới thuận lợi. Việt Nam hiện có khoảng 100 sân golf 18 hố đang hoạt động, trong đó 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc kết hợp khu nghỉ dưỡng sang trọng.

 

Từ góc độ quản lý, chủ trương xã hội hóa phát triển kinh tế thể thao nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực thể dục thể thao thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý cũng như điều kiện thuận lợi cho hoạt động thể thao phát triển. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chủ trương, chính sách xã hội hóa thể thao được ban hành kịp thời đã tháo gỡ được những vấn đề phát sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Golf được biết đến không chỉ là một bộ môn thể thao mà còn là một ngành kinh tế có giá trị cao. Trong các chiến lược, quy hoạch cũng đã chỉ rõ du lịch golf là thế mạnh vượt trội để phát triển ngành du lịch”.

Với định hướng phát triển du lịch bền vững, hướng tới các thị trường tiềm năng, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định, du lịch golf là một loại sản phẩm chuyên biệt quan trọng, cần được quan tâm đầu tư phát triển mạnh thời gian tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành "Thiên đường golf của châu Á".

Tín hiệu từ các chính sách tạo đà

Với xu hướng phát triển ngành kinh tế thể thao, Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư và mở rộng các dịch vụ như thể thao giải trí, du lịch thể thao, sản xuất thiết bị thể thao. Trong đó, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo đà giúp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, các công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, nâng cao chất lượng huấn luyện, quản lý, quảng bá và phát triển kinh tế thể thao.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu khi đã đề xuất những kế hoạch góp phần tạo thuận lợi cho công tác xã hội hóa phát triển kinh tế thể thao. Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội so với pháp luật hiện hành, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh đúng với nội dung mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo. Hoạt động của các đơn vị văn hóa, thể thao TP từng bước nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và đã hướng mạnh về cơ sở. Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP có sự phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện.

Việc quản lý, sử dụng khai thác các công trình thể thao cũng được bổ sung như Điều 41 Luật Thủ đô 2024 về Quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng nêu rõ, cơ quan, tổ chức đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình là tài sản công trên địa bàn TP được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với nhà đầu tư, DN để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định.

Hay Điều 39 đối với thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có 2 quy định đặc thù: bổ sung 2 lĩnh vực văn hóa, thể thao được thực hiện đầu tư theo phương thức PPP; HĐND TP được quyết định tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án trong những trường hợp cần thiết. Đặc biệt, Điều 43 có chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội trong đó các dự án đầu tư mới lĩnh vực thể thao và các ngành công nghiệp văn hóa.

"Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua đã tháo gỡ những vướng mắc về quản lý tải sản công và có quy định cụ thể về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó có quy định cụ thể về đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế… Hà Nội đã rà soát các thiết chế thể thao từ cấp cơ sở đến các công trình quốc gia trên địa bàn, từ đó có những chính sách xây dựng công trình thể thao mới tầm cỡ quốc tế như Asiad và xa hơn là Olympic” - ông Đỗ Đình Hồng cho biết thêm.

Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã cụ thể hóa Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bằng Đề án phát triển ngành thể dục thể thao TP đến năm 2035, với mục tiêu tạo nên một phong trào thể thao phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, đưa TP trở thành trung tâm thể thao lớn của khu vực Đông Nam Á.

"Chiến lược tạo cơ hội phát triển ngành kinh tế thể thao, khuyến khích các DN đầu tư vào các dịch vụ thể thao, thiết bị, sự kiện thể thao và thể thao giải trí, đóng góp quan trọng vào GDP của quốc gia. Đề án đề cập đến việc huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích hợp tác công - tư, đây là yếu tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư từ tư nhân, tạo nguồn lực bổ sung cho phát triển thể thao trong bối cảnh ngân sách công hạn chế" - Giám đốc Sở VHTT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Nhân nhận định.

Theo các chuyên gia, để kinh tế thể thao Việt Nam phát triển bền vững, việc xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, chú trọng vào công nghệ và liên kết với các ngành du lịch, văn hóa là điều cần thiết. Bằng cách tận dụng lợi thế từ các môn thể thao truyền thống và khuyến khích sự tham gia của DN, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo dựng một ngành kinh tế thể thao vững mạnh, mang bản sắc riêng.
(Còn nữa)

 

Các sân golf của Việt Nam được đầu tư bài bản, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể tổ chức những giải lớn. Chúng ta có lợi thế cảnh quan đa dạng, đẹp và hùng vĩ, cùng đội ngũ chuyên môn ở lĩnh vực golf được đào tạo bài bản, nên thuận lợi phát triển ngành công nghiệp golf. Những năm qua, nhiều giải golf quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, tạo ra công việc cho người dân và thu hút khách du lịch.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam Vũ Nguyên