Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 1

Xây dựng, phát triển văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một quan điểm xuyên suốt, thể hiện sự quyết tâm của TP Hà Nội để góp phần thúc đẩy Thủ đô ngày càng phát triển hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa. Gần 8 năm đi vào đời sống, Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội đã trở thành thông điệp thân thuộc, góp phần cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 2
Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 3

Văn hóa Thủ đô đóng góp vai trò quan trọng, không chỉ trực tiếp mà theo thời gian, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa của văn hóa và phát triển con người của Hà Nội ngày càng sâu sắc, toàn diện, cập nhật xu thế phát triển của thế giới.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, nhận thức về phát huy văn hóa trong xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô đã được lãnh đạo thành phố luôn quan tâm trong suốt 70 năm qua, đặc biệt, trong 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Trải qua 8 kỳ Đại hội liên tiếp, Ban Chấp hành Đảng bộ TP luôn có chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội bên cạnh các chương trình về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế… Điều đó thể hiệm sự kiên trì, bền bỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển về văn hóa, xây dựng con người Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ. 

Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 4

Trong những năm qua, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm; là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đồng thời cũng là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025”.

Trước những yêu cầu mới đặt ra, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, ngày 19/02/2024, ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị 30-CT/TU đã khẳng định tư duy vừa mang tính kế thừa, vừa bổ sung, hoàn thiện, thể hiện quyết tâm chính trị mới nhằm tạo ra kết quả mới trong một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt.

Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 5

Theo nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chỉ thị 30-CT/TU đã nêu khá đầy đủ các nhiệm vụ cần phải để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới. Trong 9 nhiệm vụ được đề cập tại Chỉ thị có thể khái quát lại thành 3 nội dung quan trọng: 

Thứ nhất: Phải nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của vấn đề văn hóa và vấn đề xây dựng con người nói chung. Với Hà Nội là xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Con người là chủ thể sáng tạo, chủ thể xây dựng Thủ đô mạnh cả về kinh tế, văn hóa quốc phòng và an ninh; phải tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của Thủ đô và tiêu biểu cho truyền thống của đất nước con người Việt Nam.

Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 6

Nội dung thứ 2: Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Chúng ta xây dựng phát triển kinh tế nhưng đồng thời phải coi trọng phát triển văn hóa, xây dựng con người. Hai cái đó không thể tách rời nhau được. Kinh tế phát triển vừa tạo nguồn lực vật chất để xây dựng văn hóa, con người; nhưng đến lượt nhân tố con người lại có tính chủ động để đẩy mạnh quá trình xây dựng phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Nội dung thứ 3: Đó là các nhiệm vụ cụ thể của các cấp các ngành cần phải thực hiện. Hay nói tóm lại là của toàn bộ hệ thống chính trị đều phải tham gia. Trong đó có lực lượng cụ thể: Như đội ngũ trí thức, các nhà khoa học có vai trò nòng cốt, trung tâm, vừa là người thực hiện nhưng vừa dẫn dắt quá trình này. Bên cạnh đó là các cấp, các ngành, các lực lượng, từ MTTQ, các tổ chức hội, đoàn thể đều phải vào cuộc, có trách nhiệm tham gia.

Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh vừa là nhiệm cơ bản lâu dài và vừa thời sự. Bởi đây không phải vấn đề mới, mang tính truyền thống, nhưng đồng thời ở mỗi giai đoạn lịch sử đều có yêu cầu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và luôn cần bôi đắp thêm những phẩm chất tốt đẹp mới cho người Thủ đô. Vừa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, vừa là sự hoàn thiện về phương diện văn hóa. 

Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 7
 
Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 8

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã bền bỉ đưa các bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống nhằm tạo nên một nét văn hóa riêng có cho Thủ đô. Việc triển khai rộng khắp với nhiều hình thức phong phú đã dần tạo ra nếp văn hóa mới trong cán bộ, công chức và Nhân dân.

 

Trong quá trình triển khai Quy tắc ứng xử vào cuộc sống, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương sáng tạo ra các mô hình hay, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Điển hình như MTTQ TP với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Hội LHPN TP Hà Nội với phong trào xây dựng người Phụ nữ Thủ đô "trung hậu - năng động - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch"; Thành Đoàn TNCS phát động Cuộc vận động "Xây dựng thế hệ trẻ Thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại"; Liên đoàn Lao động TP với cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp"; Công an Thành phố tập trung triển khai tốt phong trào "Công an Nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy"; Sở GD&ĐT với phong trào thi đua "Hai tốt"; triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng "Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch"…

Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 9

Triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử này, đến nay, TP Hà Nội đã phát hành hơn 30.000 sổ tay Quy tắc ứng xử, tổ chức gần 40 cuộc tọa đàm, hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng TPHà Nội. Nhiều đơn vị đang tiếp tục những cách làm sáng tạo như quận Cầu Giấy vừa chính thức ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng chợ văn minh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” vào cuối tháng 10/2024, nhằm bồi dưỡng ý thức xây dựng văn hóa ứng xử, cũng như tạo diện mạo mới hấp dẫn và văn minh hơn cho khu chợ truyền thống tại địa phương. Trước đó, không ít mô hình đã trở thành kiểu mẫu của Cầu Giấy trong bồi đắp văn hóa ứng xử, tiêu biểu như mô hình “Cầu thang văn hóa”, “Thư viện gia đình”, “Nhóm hộ gia đình tự quản”… Tại quận Hai Bà Trưng, chợ Hôm - nơi luôn có đông người dân và du khách đến tham quan, mua sắm đã có sự thay đổi rõ nét sau khi thực hiện mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”. 

Theo Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thị Việt Hà, từ thành phố tới cơ sở, hàng trăm cách làm hay, mô hình điểm đã và đang được triển khai, nhân rộng nhằm hiện thực hóa hai quy tắc ứng xử. Đáng nói, dù nhiều mô hình có nội dung tương tự, song việc triển khai không bị dập khuôn mà có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống.

Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 10

Bản thân người Hà Nội vẫn luôn cho rằng, văn hóa ứng xử chính là nét đẹp và là di sản văn hóa của Thủ đô. Việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử văn hóa đã góp phần tích cực trong việc xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, bồi đắp và hoàn thiện thêm lối sống đẹp của người Thủ đô.

Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 11

Trước những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang đòi hỏi những bước tiến mới.Việc thực hiện hai quy tắc ứng xử, nhất là quy tắc ứng xử nơi công cộng vẫn cần sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Thực tế cũng cho thấy, trong nhận thức, một số cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu vẫn còn tư tưởng xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn thiên về các giá trị kinh tế, chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người… Bởi vậy, cùng với thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch nhằm tăng cường xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025. Việc này nhằm đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, thực hiện hiệu quả hai bộ Quy tắc ứng xử là một trong những giải pháp cụ thể hóa các mục tiêu đặt ra.

Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 12

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng, các địa phương nên lồng ghép nội dung quy tắc ứng xử một cách linh hoạt với các phong trào, cuộc vận động… Xây dựng các hình thức tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng cho phù hợp, quan tâm tới những nơi trọng điểm, dễ xảy ra bất cập, như: Khu chợ, bến xe, vườn hoa… Đối với công sở, cần duy trì định kỳ đánh giá, nêu gương cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện hai quy tắc ứng xử; phê bình thẳng thắn những hành vi, thái độ đi ngược lại chuẩn mực ứng xử…

Có thể nói, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chính là xây dựng văn hóa đô thị, lối sống đô thị chuẩn mực và phù hợp, ở đó có sự hòa quyền giữa nét thanh lịch của người Tràng An với lối sống hiện đại, thích ứng trong thời hội nhập. Tuy nhiên, đó không phải việc có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Vì thế, yêu cầu chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, từng cơ quan, đơn vị và trong từng cộng đồng dân cư, đến mỗi gia đình vẫn đang đặt ra. Trong đó, việc tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử của TP Hà Nội; thúc đẩy các mô hình mô hình điểm, sáng kiến hay trong triển khai vẫn là một giải pháp quan trọng, để từ đó định hình chuẩn mực văn hóa ứng xử, lan tỏa lối sống vì cộng đồng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 13
Quy tắc ứng xử - nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ảnh 14

05:12 14/12/2024