
Với chính sách thuế quan mới của Mỹ, ngoài thách thức trực tiếp về mức thuế đối ứng thì rào cản gián tiếp chính là quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam cần hỗ trợ các DN nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất và kiểm soát chuỗi cung ứng để tránh bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.

Xuất khẩu Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi Mỹ áp thuế đối ứng. Theo ông, để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, các cơ quan quản lý và DN Việt Nam cần phải làm gì?
- Vấn đề giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, tôi cũng đã từng phân tích không ít lần. Theo tôi, DN Việt Nam cần khai thác tối đa các thị trường tiềm năng khác từ việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EVFTA, CPTPP, RCEP để vừa mở rộng xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế của Việt Nam sang các thị trường EU, Nhật Bản, Halal… vừa tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới. Bởi, tận dụng các FTA không chỉ tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu mà còn là "lá chắn" giúp DN ứng phó với các rủi ro thị trường.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là việc chuyển hướng sang thị trường mới bao giờ cũng khó khăn hơn giữ thị trường cũ, vì chi phí mở rộng thị trường mới thường gấp nhiều lần duy trì thị trường cũ. Do đó, cần có giải pháp để giữ thị trường Mỹ nhưng song song với đó là đa dạng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa.
Đối với Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chính sách tiền tệ linh hoạt bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển công nghiệp hỗ trợ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu; đồng thời, có chính sách hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ; cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường tài chính mở rộng khả năng tiếp cận vốn của DN.

Mỹ hiện là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là các mặt hàng như: thép, gỗ, sợi, tôm, cá tra… Ông có khuyến cáo gì đối với nhóm DN xuất khẩu những mặt hàng này?
- Việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, Mỹ sử dụng chi phí của một nước thứ 3 (nước thay thế) để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá, khiến mức thuế chống bán phá giá tăng cao, không phản ánh đúng thực trạng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế này đặt ra yêu cầu với các DN Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chủ động lưu trữ hồ sơ, sẵn sàng chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu liên quan đến xuất xứ hàng hóa để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao.

Bộ Công Thương và các hiệp hội, ngành hàng cần tổ chức hội thảo nhằm giúp các DN nâng cao khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng, để tránh bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế khi xuất khẩu vào Mỹ; giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Cùng với đó, hỗ trợ DN trong việc linh hoạt tìm kiếm, khai thác đa dạng nguồn nguyên liệu từ các quốc gia không nằm trong danh sách hạn chế của Mỹ.

Ưu tiên cho đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ là giải pháp được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề cập để thích ứng với chính sách thuế quan của Mỹ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đúng là như vậy! Việt Nam phải thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhanh hơn. Chính phủ cần phải bàn lại với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là các DN của Mỹ trong từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể về khả năng tăng tỷ lệ nội địa tại Việt Nam hoặc gia tăng tỷ trọng đầu vào từ Mỹ. Sở dĩ nói như vậy vì phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều dùng các DN phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam và được hưởng ưu đãi, còn ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không thể có cơ hội phát triển. Đây mới là nguồn gốc để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị của Việt Nam trong hàng hóa xuất khẩu. Do đó, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cao cho DN để làm nhanh, làm hiệu quả về công nghiệp phụ trợ. Điều này không chỉ thích ứng với bối cảnh hiện nay mà về lâu dài sẽ đưa kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn, chủ động hơn và hưởng lợi nhiều hơn.

Ông có thể nói cụ thể hơn về giải pháp nâng cao giá trị nội tại của sản phẩm xuất khẩu?
- Việt Nam cần chuyển từ chiến lược xuất khẩu giá rẻ sang mô hình xuất khẩu dựa trên giá trị gia tăng cao. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thiết kế, phát triển thương hiệu và tích hợp công nghệ sẽ giúp hàng hóa Việt Nam giữ được vị thế dù phải chịu mức thuế cao. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững trên thế giới đang mở ra cơ hội cho các DN có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, truy xuất nguồn gốc và lao động. Đây cũng là thời điểm Việt Nam cần đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và từng bước làm chủ chuỗi giá trị. Bởi, việc quá phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu vừa làm gia tăng chi phí, vừa khiến DN dễ tổn thương trước biến động thương mại toàn cầu.

Quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc được xem là rào cản thương mại lớn đi kèm với chính sách thuế của Mỹ. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
- Chắc chắn quy tắc xuất xứ của Mỹ sẽ ngày càng khắt khe hơn, giám sát chặt chẽ hơn với hoạt động trung chuyển, nơi hàng hóa được đóng gói lại hoặc dán nhãn lại tại Việt Nam để tránh thuế sản phẩm từ nước thứ 3. Điều này sẽ gây khó khăn cho các ngành hàng của Việt Nam và tăng chi phí sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ. Bởi vậy, điều DN cần làm là bảo đảm tuân thủ quy định về xuất xứ, theo dõi nguồn gốc hàng hóa, qua đó cũng tạo cơ hội cho nguyên vật liệu từ Việt Nam. DN cần đẩy mạnh cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường, thích ứng với yêu cầu mới từ chính sách của Mỹ.
Tôi được biết, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng từng công bố danh sách cảnh báo sớm đối với 17 mã ngành hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có nguy cơ điều tra về phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Được biết, Mỹ có hệ thống giám sát thương mại rất chặt chẽ và sở hữu đầy đủ các công cụ pháp lý để xử lý hành vi lẩn tránh thuế hoặc gian lận xuất xứ. Vậy, ông có khuyến cáo như thế nào đối với các DN xuất khẩu Việt Nam?
- Theo quy định hiện hành, nếu phát hiện trường hợp trung chuyển hàng hóa hoặc giả mạo xuất xứ nhằm né thuế phòng vệ thương mại, Mỹ có thể áp dụng mức thuế trừng phạt lên đến 540% (mức thuế đủ sức triệt tiêu lợi thế cạnh tranh của hàng hóa liên quan). Đây là rủi ro mà DN Việt Nam cần nhận diện rõ ràng và có phương án phòng ngừa phù hợp.
Để giảm thiểu nguy cơ bị Mỹ áp dụng các biện pháp thuế trừng phạt, Việt Nam cần tăng cường minh bạch hóa quy trình sản xuất và bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa cao hơn trong hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Điều này đòi hỏi DN phải kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng, bảo đảm sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam với giá trị gia tăng nội địa đủ lớn để không bị xếp vào nhóm hàng hóa có xuất xứ từ nước thứ 3. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể khuyến khích đầu tư từ nước thứ 3 theo hướng sản xuất ngay tại Việt Nam thay vì chỉ nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu đầu vào. Việc này sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng giá trị sản xuất trong nước và giảm thiểu nguy cơ bị Mỹ áp đặt các biện pháp chống lẩn tránh thuế. Tuy nhiên, Mỹ cũng có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa bán vào nước này nếu có khoảng 20% tỷ lệ hàm lượng sản phẩm của Mỹ trong từng sản phẩm.
Xin cảm ơn ông
