
Trong 3 ngày, từ 19 đến 21/5/2025, Đảng ủy - Chính quyền và người dân phường Tương Mai, quận Hoàng Mai sẽ long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Đình Tương Mai (13 phố Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội) nhằm tri ân, tưởng nhớ công đức của Thượng tướng Trần Khát Chân – Danh tướng thời nhà Trần - Người có công khai ấp lập điền vùng đất Cổ Mai xưa nay là phường Tương Mai để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Tương Mai xưa là một vùng đất cổ nằm ở phía nam Kinh thành Thăng Long, nay thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo sử sách và các tài liệu địa chí, Tương Mai không chỉ nổi tiếng là vùng đất trù phú, dân cư đông đúc với truyền thống văn hiến lâu đời, mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử và nhân vật kiệt xuất, đặc biệt là danh tướng Trần Khát Chân – người có công lớn trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ Đại Việt vào cuối thời Trần.

Đất Cổ Mai được người Việt cổ khai phá làm ăn sinh sống từ 3- 4000 năm trước. Tên gọi “Tương Mai” xuất hiện từ thời Lý - Trần, khi vùng này là một phần của kinh đô Thăng Long mở rộng về phía Nam. Theo truyền thuyết dân gian và tư liệu Hán Nôm, Tương Mai nghĩa là vùng đất cổ của đất Cổ Mai, và cũng có nghĩa gắn với hình ảnh thơ mộng của vùng đất nơi có những cây mai vàng. Ngoài ra, đây cũng là nơi buôn bán sầm uất ở phía Nam kinh thành Thăng Long có con đường thiên lý từ Nam ra Bắc và là cửa ngõ chiến lược dẫn vào thành Thăng Long.
Trải qua hàng trăm năm biến thiên, nơi đây vẫn lưu giữ được hồn cốt Thăng Long xưa, là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa và lịch sử hào hùng của thủ đô Hà Nội.

Nhắc đến vùng đất Cổ Mai xưa và vùng đất Tương Mai ngày nay là gắn liền với tên tuổi của Thượng tướng Trần Khát Chân - vị tướng tài đã chỉ huy chiến đấu bảo vệ kinh thành Thăng Long và xây dựng, phát triển vùng Kẻ Mơ. Ông cũng đã trở thành một biểu tượng về cốt cách văn hóa - lịch sử của vùng đất này.


Trần Khát Chân (1370 - 1399), là hậu duệ của Bảo Nghĩa Trần Bình Trọng, quê làng Hà Lãng, phủ Vĩnh Ninh (nay là thị xã Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Năm 1388 (năm Mậu Thìn), ông thi đỗ Thái học sinh; sau đó được triều đình trọng dụng phong làm tướng quân chỉ huy đội quân Long Tiệp. Năm 19 tuổi, ông đã chính thức tham gia triều chính và được giao những chức vụ quan trọng.
Tháng 10, năm 1389 (năm Kỷ Tỵ), đích thân vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga chỉ huy đại quân xâm lược Đại Việt. Trước nguy cơ đất nước chịu họa xâm lăng, vị tướng trẻ Trần Khát Chân đã khảng khái nhận nhiệm vụ đi đánh giặc.

Năm 1390, với tài mưu lược trong quân sự và sự táo bạo của vị tướng trẻ, ông lập được công lớn trong trận đánh tiêu diệt Chế Bồng Nga - quốc vương Chiêm Thành. Chiến thắng lịch sử này của ông có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng mang tính sống còn với Đại Việt thời bấy giờ. Chiến công hiển hách này đã chấm dứt gần 20 năm đất nước liên tục bị quấy nhiễu từ thế lực ngoại xâm phương Nam, bảo vệ vẹn toàn đất nước khỏi nguy cơ bị xâm lược và cứu dân chúng khỏi cảnh lầm than. Chiến công này đã đưa vị tướng trẻ tài cao lên thẳng chức Thượng tướng quân - một chức quan võ tối cao trong thứ bậc của triều đình lúc bấy giờ. Đồng thời, để tuyên thưởng cho công lao to lớn của ông, vua Trần đã lấy vùng Kẻ Mơ trù phú, vị trí quan trọng phía Nam kinh thành Thăng Long để ban cho ông làm thái ấp. Vùng đất đó chính là quận Hoàng Mai rộng lớn ngày nay.
Năm 1399, Hồ Quý Ly chuyên quyền, lấn át vua Trần. Trần Khát Chân với phẩm chất trung quân và lòng tận trung, khảng khái của một danh tướng nhà Trần đã lên kế hoạch ám sát Trần Quý Ly để bảo vệ và khôi phục cơ nghiệp nhà Trần. Thật tiếc, mưu sự không thành, ông đã bị Hồ Quý Ly sát hại. Ông mất khi mới 29 tuổi, khép lại cuộc đời anh hùng của một danh tướng trên đỉnh núi Đốn Sơn, Vĩnh Lộc - quê hương ông.

Sau khi ông mất, trên cả nước có nhiều nơi lập đền thờ nhưng có hai nơi thờ được đánh giá là quan trọng nhất và linh thiêng nhất đó là di tích quốc gia đền thờ Trần Khát Chân tại thị xã Vĩnh Lộc, Thanh Hóa (quê hương ông) và di tích lịch sử văn hóa đình Tương Mai, phường Tương Mai (là nơi thái ấp xưa của ông). Đình Tương Mai là ngôi đình có kiến trúc đẹp, được dựng lên vào khoảng đầu thế kỷ XV và qua các thời kỳ đều được quan tâm trùng tu khang trang.
Đình Tương Mai - nơi thờ Thượng tướng Trần Khát Chân đã được Nhà nước xếp hạng “Di tích lịch sử” ngày 24 tháng 12 năm 1984. Hàng năm lễ hội đình Tương Mai được tổ chức long trọng vào ngày 24 tháng 4 âm lịch (nhân ngày hóa Thánh của ông - 24/4 năm Kỷ Mão, 1399). Đây là một lễ hội quan trọng của Nhân dân Tương Mai để tưởng nhớ đến công ơn của người Danh tướng Trần Khát Chân và cũng là tôn vinh ghi nhớ công lao của những thế hệ trước đã hy sinh vì dân vì nước.
Thượng tướng - Đức Thánh Trần Khát Chân được sử sách đánh giá là tấm gương tiêu biểu của lòng trung quân, yêu nước, dũng cảm trong công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc ta. Với người dân Tương Mai ông là biểu tượng về đức, trí, dũng, nhân của con người và một vùng đất của Thủ đô anh hùng.

Tháng 10/1982, phường Tương Mai được thành lập thuộc quận Hai Bà Trưng. Đến tháng 11/ 2004, phường Tương Mai thuộc địa giới hành chính của quận Hoàng Mai. Với diện tích đất tự nhiên không lớn là 0,74km nhưng với đặc trưng riêng là nơi hội tụ dân cư từ nhiều đời, phường Tương Mai vẫn luôn vừa là khu vực dân cư đông đúc, vừa là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử và truyền thống làng nghề, góp phần tạo nên bản sắc riêng giữa lòng Thủ đô.
Trên mảnh đất Tương Mai còn ghi sâu tấm gương anh dũng hy sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ - Nguyên ủy viên Ban thường vụ trung ương Đảng - nguyên Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ. Hiện nay, nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh đã được Thành phố Hà Nội công nhận là di tích kháng chiến và trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ Nhân dân Tương Mai.

Bằng sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương, Tương Mai đã luôn chứng minh được vai trò là một phường sớm đô thị hóa, có những giá trị riêng biệt và đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển chung của quận Hoàng Mai trong suốt hơn 2 thập kỷ qua.
Bước vào giai đoạn cách mạng mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, địa giới và diện tích đất tự nhiên của Tương Mai đã được mở rộng tăng lên gần 4km2 và dân số trên 136 nghìn người. Đây thực sự là sự thay đổi mang tính lịch sử để tạo tiền đề cho sự phát triển của phường Tương Mai trong tương lai. Sau sắp xếp địa giới hành chính, phường vẫn giữ nguyên tên phường Tương Mai như một minh chứng về sự trường tồn của những giá trị tốt đẹp không mai một.

Nói về địa danh lịch sử này, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh cho biết: nói đến Tương Mai là gợi hình ảnh một vùng đất cổ xưa hữu tình, trù phú và giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Trải qua hàng trăm năm biến thiên, nơi đây vẫn lưu giữ được hồn cốt Thăng Long xưa nhưng cũng đầy triển vọng trong sự phát triển của giai đoạn cách mạng mới.
Tương Mai luôn có sự hòa trộn hài hòa giữa việc giữ gìn những truyền thống văn hóa tốt đẹp nhưng cũng hòa nhập vô cùng mạnh mẽ về phát triển đô thị của quận Hoàng Mai và Thủ đô tạo nên nhưng nét đặc trưng rất riêng. Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, phường Tương Mai đã được mở rộng địa giới hành chính rất lớn so với diện tích đất tự nhiên trước đây. Đây chính là tiền đề quan trọng trong việc mở ra không gian, lợi thế cho Tương Mai phát triển thành một phường đô thị văn minh hiện đại.
Tên phường sau sắp xếp đơn vị hành chính được giữ nguyên là TƯƠNG MAI. Đây là sự quan tâm của Thành phố đối với việc giữ gìn văn hóa, lịch sử của vùng đất Tương Mai nhằm tiếp nối những mạch nguồn văn hóa tốt đẹp từ ngàn xưa. Việc giữ lại tên Tương Mai thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng của các cơ quan chuyên môn và thể hiện sự trân trọng của Đảng, chính quyền đối với những giá trị tốt đẹp mang tính trường tồn của dân tộc. Giữ tên phường Tương Mai đã đáp ứng hoàn toàn nguyện vọng của Nhân dân. Do vậy, khi lấy ý kiến tỷ lệ đồng ý gần như tuyệt đối và tạo nên không khí phấn khởi, vui tươi trong Nhân dân trên địa bàn.
Sự tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ là tiền đề quan trọng và động lực mạnh mẽ để chúng ta cùng xây dựng và phát triển phường Tương Mai ngày càng phát triển.

