Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ là một trong những biện pháp chính để đạt được thỏa thuận về thương mại Việt - Mỹ. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục giảm mạnh thuế cho những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập như máy bay, khí hóa lỏng, ô tô, thiết bị công nghệ, phần mềm...

Tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ là chủ trương của Chính phủ nhằm cân bằng cán cân thương mại Việt - Mỹ, qua đó đạt được thỏa thuận về mức thuế đối ứng. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương và động thái của Chính phủ Việt Nam về đàm phán thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ?

- Để đạt được thỏa thuận thuế đối ứng với Mỹ, Việt Nam đang đàm phán tổng thể chứ không phải chỉ riêng cân bằng cán cân thương mại. Việc tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ được coi là một trong những biện pháp chính để đạt được thỏa thuận về thương mại công bằng giữa hai nước, đôi bên cùng có lợi.

Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp công bố các mức thuế quan đối ứng đối với hàng hóa nhập vào Mỹ, trong đó có Việt Nam bị áp thuế ở mức cao (46%). Lý do rất đơn giản vì Việt Nam đứng thứ 3 về xuất siêu sang Mỹ. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa có trị giá 120 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 15,1 tỷ USD. Tuy nhiên, chính quyền Trump sau đó đã hoãn quyết định này trong 90 ngày để hai bên đàm phán.

Thực ra, Việt Nam đã thể hiện sự thiện chí và có một số biện pháp để ngăn chặn và từ trước khi Mỹ chuẩn bị tăng thuế. Điển hình là việc Bộ trưởng Bộ Công Thương sang Mỹ từ giữa tháng 3/2025, trong chuyến đi đó chúng ta đã cam kết mua hàng của Mỹ với trị giá khoảng 90 USD. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành nghị định kiểm soát thương mại chiến lược để tạo khung pháp lý cho nhập khẩu công nghệ cao. Ngày 31/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung mức thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng của Mỹ.

Sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng, ngày 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Mỹ đề xuất Việt Nam sẵn sàng giảm thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0%. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc là đặc phái viên của Tổng Bí thư đến Mỹ từ 6 - 9/4 để trao đổi với Mỹ về nhiều nội dung trong đó có câu chuyện chuẩn bị sang đàm phán. Ngày 12/4, Chính phủ lập đoàn đàm phán Chính phủ với Mỹ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn và thành viên là thứ trưởng các bộ liên quan.

Tất cả các động thái trên đều thể hiện Việt Nam rất coi trọng cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng phù hợp, cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả, hai bên cùng có lợi. Việt Nam đang có nhu cầu lớn nhập hàng từ Mỹ. Theo ông, trong bối cảnh hiện tại và thời gian tới, Việt Nam cần nhập khẩu những loại hàng hóa nào? Mức thuế suất áp dụng ra sao?

- Đúng vậy! Vấn đề đặt ra là bây giờ ai nhập? Nhà nước nhập hay DN nhập? DN nào nhập? Nhập hàng hóa gì?

Theo tôi, nhập khẩu hàng Mỹ nên chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất mặt hàng đã nhập khẩu nay tăng cường nhập gồm sản phẩm nông nghiệp (bông, đậu nành, ngô, lúa mì, hoa quả, thịt bò, gia cầm...); thức ăn chăn nuôi gia súc; khí hóa lỏng; máy bay, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện máy móc, thiết bị, dụng cụ... Nhóm thứ hai là các mặt hàng mới, gồm: gỗ nguyên liệu; máy móc, thiết bị công nghệ, phần mềm (để phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo); trang thiết bị quốc phòng (vũ khí, tàu ngầm, máy bay, xe tăng...).

Về thuế suất áp dụng với hàng hóa Mỹ, cần thực hiện theo chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với tổng thống Trump là Việt Nam là sẵn sàng hạ về 0% đối các mặt hàng của nước bạn.

Tại cuộc đàm phán Mỹ - Trung ngày 12/5, hai bên đã đạt thỏa thuận tạm thời giảm thuế đối ứng lẫn nhau 115%. Điều này có tác động như thế nào tới đàm phán thương mại của Việt Nam và Mỹ sắp tới, thưa ông?

- Đây là tín hiệu tốt cho thấy đàm phán giữa Mỹ - Trung đã có những tiến triển tích cực tạm thời. Mỹ vừa ra "đòn nặng" với Trung Quốc nhưng lại nhanh chóng chấp nhận nhượng bộ. Điều này cho thấy Mỹ khá thực dụng, họ sẵn sàng nhượng bộ với đối thủ cạnh tranh về kinh tế cũng như địa chính trị. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán của Việt Nam sắp tới. Đáng chú ý, việc Mỹ nhượng bộ cho thấy giới hạn sức mạnh của Mỹ, Việt Nam cần tính đến yếu tố này khi đàm phán.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ áp thuế với Trung Quốc và nhiều nước khác thì hiện nay chính quyền Trump cũng nhận thấy thuế đối ứng toàn cầu này tác động tiêu cực lên chính kinh tế Mỹ cả ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc ngay lập tức, sau khi mà họ hoãn thuế thì thị trường chứng khoán phục hồi ngay. Cùng với đó, xã hội Mỹ bắt đầu thiếu hụt hàng tiêu dùng, giá hàng hóa tăng cao; mâu thuẫn trong các phe nhóm Mỹ cũng tăng nóng (giữa phe ủng hộ áp thuế và phe chống lại áp thuế). Về dài hạn, việc áp thuế đối ứng khiến tiêu dùng sẽ giảm và nền kinh tế Mỹ nguy cơ rơi vào suy thoái.

Giả sử khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa Mỹ với mức thuế ưu đãi, thậm chí bằng 0%. Vậy theo ông, Việt Nam nên ứng xử như thế nào với hàng hóa nhập khẩu tương tự ở các nước khác, mức thuế nhập khẩu sẽ như thế nào?

- Thuế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các đối tác hiện nay dựa trên kết quả đàm phán của nước ta với các đối tác. Mức thuế Việt Nam áp dụng vào hàng của nước bạn và ngược lại đã được thỏa thuận rõ trong các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương và đều đã có lộ trình và có mức thuế. Ví dụ với Nhật Bản, có Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP). Với Hàn Quốc, có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA). Với Trung Quốc, có Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Với ASEAN, có Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Hiện Việt Nam đang trao đổi hàng hóa, thương mại với 220 nền kinh tế nhưng mới có FTA với 60 nền kinh tế. Như vậy, với các đối tác không có FTA thì thuế nhập khẩu được thực hiện theo các hiệp định thương mại song phương hoặc là trên cơ sở cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Đâu là những vướng mắc mà các DN, ngành hàng Việt Nam gặp phải khi giao dịch thương mại, nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, thưa ông?

- Có thể kể đến những vướng mắc chính, đó là: một số mặt hàng thuế xuất vẫn còn khá cao, ví dụ như ô tô hạng sang. Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì hàng rào phi thuế quan, ví dụ vệ sinh an toàn thực phẩm đối với một số sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, giá hàng tiêu dùng ở Mỹ cao so với mặt bằng thu nhập của Việt Nam, chưa phù hợp với đa số người Việt. Máy móc, thiết bị của Mỹ là có chất lượng cao nhưng kèm đó là giá cũng cao, nên hầu hết các DN Việt chọn nhập khẩu máy móc, thiết bị từ châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc...) vì chất lượng vừa đủ và giá rẻ.

Đáng nói, Mỹ cấm vận hoặc hạn chế xuất khẩu rất nhiều sản phẩm công nghệ cao (họ chỉ bán cho đồng minh thân cận vì do lo ngại lọt vào tay các đối thủ cạnh tranh). Trong khi đó, Việt Nam chưa phát triển mạnh ngành công nghệ cao và chưa có nhiều về quy định pháp lý để quản lý các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là các sản phẩm có tính ứng dụng cao. Mỹ hiện nay không sản xuất hoặc sản xuất rất ít nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành gia công xuất khẩu mà Việt Nam cần như dệt may, da giày. Ngoài ra, khoảng cách địa lý của hai nước Việt Nam và Mỹ quá xa khiến cho giá vận chuyển cao, thời gian vận chuyển lâu.

Ông có khuyến nghị gì đối với cơ quan quản lý Nhà nước và DN về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nâng kim ngạch nhập khẩu hàng Mỹ, tiến tới cân bằng cán cân thương mại Việt - Mỹ?

- Trước mắt, Chính phủ nên giảm mạnh thuế nhập khẩu nông sản, ô tô... để thể hiện thiện chí hoặc có thể đợi đàm phán lại với Mỹ; đồng thời, nên tăng nhập khẩu một số nguyên vật liệu đầu vào từ Mỹ mà hiện nay họ còn sản xuất như gỗ, đồ nhựa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét, giảm bớt những rào cản phi thuế quan đặc biệt là đối với nông sản; sớm ban hành các quy định pháp lý để cho phép nhập khẩu và quản lý các sản phẩm công nghệ cao có tính ứng dụng mà Mỹ hiện nay vẫn e ngại xuất khẩu do Việt Nam vẫn chưa có các quy định.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Minh bạch nguồn gốc hàng hóa để giữ thị trường Mỹ

Minh bạch nguồn gốc hàng hóa để giữ thị trường Mỹ

06 May, 06:36 PM

Kinhtedothi - Với chính sách thuế quan mới của Mỹ, ngoài thách thức trực tiếp về mức thuế đối ứng thì rào cản gián tiếp chính là quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam cần hỗ trợ các DN nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất và kiểm soát chuỗi cung ứng để tránh bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.

 Củng cố hơn vị thế “trái tim của Thủ đô”

 Củng cố hơn vị thế “trái tim của Thủ đô”

25 Mar, 08:57 AM

Kinhtedothi - Phá dỡ tòa nhà “Hàm cá mập”, di dời các cơ quan, đơn vị, nhà tại khu vực phía Đông Hồ Gươm nhằm thực hiện chủ trương quy hoạch, cải tạo không gian khu vực Hồ Gươm và Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)...

Thiết lập kỷ cương để xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Thiết lập kỷ cương để xây dựng văn hóa giao thông an toàn

19 Mar, 04:04 PM

Kinhtedothi - Thời gian qua, người dân dễ dàng nhận thấy, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến. Để tìm hiểu về nguyên nhân và giải pháp đã đem lại những tín hiệu tích cực cho giao thông Hà Nội...

Kỳ vọng chính sách đột phá cho doanh nghiệp tư nhân

Kỳ vọng chính sách đột phá cho doanh nghiệp tư nhân

10 Mar, 06:03 AM

Kinhtedothi - Để kiến tạo môi trường kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển đột phá, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, trước tiên phải giải quyết điểm nghẽn của điểm nghẽn đó là cơ chế và pháp luật...

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ