Cổ Loa - Cố đô của 2 triều đại

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với đức Vua Ngô Quyền, người đã lên ngôi vương sau trận đại thắng quân Nam Hán năm 938, ngài đã có công cực lớn vì chấm dứt trên một ngàn năm nước nhà bị giặc phương Bắc đô hộ. Ngài xứng đáng được hậu thế lập đền thờ tại Cố đô Cổ Loa vì đây là nơi ông định đô. Thế nhưng nay thì không còn bao nhiêu những dấu tích về Ngài cũng như triều đại của ngài.

Di tích Cổ Loa (thuộc Đông Anh, Hà Nội).

Vừa qua, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng tập thể Bộ Chính trị về làm việc, cho ý kiến và thông qua kế hoạch Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, ông đã 2 lần nhắc đến Cổ Loa như một cố đô ghi đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Tôi nghĩ, đây là chuyện hoàn toàn có lý của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta khi mà lâu nay, mỗi khi nhắc đến truyền thống lịch sử ngàn năm của Thủ đô Hà Nội, người ta thường chỉ nhắc đến Thăng Long, Đông Đô mà gần như không có địa danh Cổ Loa đi cùng.

Chúng ta đều biết, Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Nơi đây cũng là kinh đô của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền thế kỷ thứ X sau khi Ngài cầm quân đánh tan tác 20 vạn quân Nam Hán trên cửa biển Bạch Đằng chỉ trong đúng 1 ngày của năm 938 rồi về Cổ Loa định đô. 

Bữa đó (19/9), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong đoạn đầu bài phát biểu, ông nói: “Vị thế Hà Nội bây giờ khác xưa nhiều, quy mô lớn, không chỉ có 36 phố phường, không chỉ có Cổ Loa, mà bây giờ mở rộng ra rất nhiều. Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ”.

Rồi ở một đoạn tiếp đó, ông nói: “Hà Nội có lịch sử ngàn năm văn hiến, nền văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng vẻ vang; tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Cổ Loa, Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội là tiêu biểu cho lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Hà Nội linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng...”. Với một chính khách lớn và kiến văn như ông, tôi nghĩ ông thật tinh tế và sâu sắc khi đề cập câu chữ như vậy.

Việc vừa rồi Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô tổ chức tọa đàm khoa học, nghe báo cáo đề tài khoa học phục dựng nỏ Liên Châu thời An Dương Vương Vương đã cho thấy “nỏ Thần” tuy có thêu dệt trở nên Huyền bí nhưng lại là chuyện có thật khi mũi tên Cổ Loa được kỹ sư tên lửa Vũ Đình Thanh (làm việc tại một tập đoàn vũ khí bên Liên bang Nga phục dựng và bắn thử rất thuyết phục). Qua đó, khẳng định truyền thuyết “nỏ Thần“ và triều đại Thục Phán An Dương Vương với nhà nước Âu Lạc là có thật trong lịch sử dân tộc ta.

Với đức Vua Ngô Quyền, người đã lên ngôi vương sau trận đại thắng quân Nam Hán năm 938, ngài đã có công cực lớn vì chấm dứt trên một ngàn năm nước nhà bị giặc phương Bắc đô hộ. Công lao đó thật to lớn và vĩ đại hơn trời bể. Ngài xứng đáng được hậu thế lập đền thờ tại Cố đô Cổ Loa vì đây là nơi ông định đô. Thế nhưng nay thì không còn bao nhiêu những dấu tích về ngài cũng như triều đại của Ngài. 

Tôi được biết, hiện trên đất nước ta có 48 nơi lập đền và miếu thờ Vua Ngô Quyền, trong đó, riêng tại Hải Phòng, nơi xảy ra trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng với quân Nam Hán, nhân dân ta qua nhiều thế kỷ đã lập 36 đền và miếu thờ Ngài. 

Thực chất, theo cổ nhân, những đền, miếu thờ nói trên không phải chỉ thờ riêng Ngô Quyền hoặc một ai có công lớn với giang Sơn đất nước. Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ cho tôi biết, cách gọi này là do thói quen. Người ta gọi gọn lại chứ thường là nơi đặt nhiều bát hương thờ, gọi là hợp tự. Đó là những người theo Ngài chiến đấu và đã ngã xuống vì đất nước và vị trí mỗi bát hương hoặc bài vị sẽ đặt cao thấp khác nhau tuỳ công trạng mỗi người. 

Tiếc rằng, tại chính nơi Ngô Quyền quyết định định đô sau khi đại thắng giặc Nam Hán, đến nay lại vẫn chưa lập đền thờ Ngài.

Ngày 1/10, tại di tích Hoàng thành Thăng Long, một cuộc hội thảo khoa học lần thứ tư về Ngô Quyền với vai trò là “vị Tổ Trung hưng đất Việt" được UBND TP Hà Nội cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đứng ra tổ chức nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội . 

Chúng ta hy vọng sau lần hội thảo này (lần trước tổ chức vào tháng 3/2019) nhân 1080 năm Ngô Quyền về Cổ Loa định đô, nguyện vọng của người dân cả nước và của giới khoa học sử học nước nhà sẽ được đáp ứng. Một đền thờ trang trọng, ý nghĩa  sẽ được Hà  Nội xây dựng sớm bởi ý nghĩa của nó trong lịch sử. Từ đó, các thế hệ con cháu mỗi khi đến Cổ Loa là được đến với mảnh đất linh thiêng, thờ 2 vị vua An Dương Vương và Ngô Quyền với những chiến công hiển hách cũng như bài học cảnh giác trước giặc ngoại xâm của cha ông...