Họa nét Đông Hồ - trải nghiệm văn hóa dân gian cho người trẻ

Mai Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Workshop nghệ thuật mang tên “Họa nét Đông Hồ” được tổ chức tại địa chỉ số 18 Hoàng Diệu đem lại cho các bạn trẻ những trải nghiệm mới về nghề làm tranh truyền thống của người Hà Nội.

Tìm về những giá trị cội nguồn

Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam, là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được vật thể hóa. Hiện nay, tranh dân gian Đông Hồ đang dần mai một và đứng trước nguy cơ bị lãng quên.

Tại Workshop nghệ thuật mang tên “Họa nét Đông Hồ”, những người yêu nghệ thuật đã tụ họp, khám phá và học hỏi một phần quý báu của di sản văn hóa tranh Đông Hồ. Để làm ra một bức tranh Đông Hồ hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn.

Những bức tranh này đều được in thủ công từ ván khắc gỗ, kết hợp với nét chữ, màu sắc và câu chuyện trong mỗi bức tranh tạo nên nét độc đáo của tranh Đông Hồ. Không chỉ có những đặc điểm riêng biệt về đường nét và bố cục, tranh dân gian Đông Hồ còn đặc sắc ở màu sắc và chất liệu giấy in.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả chia sẻ với các bạn trẻ về dòng tranh Đông Hồ.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả chia sẻ với các bạn trẻ về dòng tranh Đông Hồ.

Đặc biệt, tại workshop “Họa nét Đông Hồ” có sự tham gia của nghệ nhân nổi tiếng Nguyễn Hữu Quả. Ông là con trai thứ sinh ra trong gia đình có 14 đời làm tranh Đông Hồ. Ông Nguyễn Hữu Quả không chỉ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, mà còn có đóng góp lớn vào việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật tranh Đông Hồ cho các bạn trẻ hiện nay.

Với sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cùng một số nghệ nhân khác, các bạn trẻ đã có trải nghiệm được in màu vàng, màu đen lên tranh Đông Hồ. Ông Quả không chỉ là một nghệ nhân, mà còn là người thầy, người bạn luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và câu chuyện cho các bạn trẻ.

Ông Nguyễn Hữu Quả cho biết: “Qua buổi trải nghiệm hôm nay, tôi mong muốn tranh Đông Hồ được chia sẻ với nhiều người hơn và giá trị văn hóa của tranh sẽ được lan tỏa trong đời sống. Tôi muốn mang thông điệp về giá trị văn hóa truyền thống cũng như kỹ thuật in, chất liệu, màu sắc để kể cho các bạn trẻ hiểu. Hy vọng trong buổi trải nghiệm này, sẽ có bạn biết và làm được tranh Đông Hồ. Đấy là sự thành công của chúng tôi”.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cho biết, làm tranh Đông Hồ thì công đoạn nào cũng quan trọng. Với kỹ thuật in, có thể khi nhìn thì thấy rất dễ, nhưng để in được 1 tờ tranh đảm bảo về thẩm mỹ hay đạt một trình độ kỹ thuật cao thì lại là một chuyện không hề đơn giản.

Bà Nguyễn Thị Dung (vợ ông Nguyễn Hữu Quả), chia sẻ thêm: “Để cho bức tranh Đông Hồ sống được với thời gian, đi vào lòng người thì vẫn là công đoạn sáng tác mẫu tranh đầu tiên. Bởi tranh Đông Hồ là kể một câu chuyện về đời sống. Bởi vậy, sáng tác được tranh nghĩa là kể được một câu chuyện. Việc tham gia trải nghiệm, cảm nhận làm tranh như này có thể giúp những bạn trẻ phát triển kỹ năng và niềm đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật làm tranh Đông Hồ.”

Những trải nghiệm quý giá của các bạn trẻ

Thông qua việc làm tranh Đông Hồ, các bạn trẻ có cơ hội khám phá nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Được tiếp cận với lịch sử, nền văn hóa lâu đời có ý nghĩa sâu sắc đối với loại hình nghệ thuật này. Từ đó, các bạn trẻ có cơ hội giao lưu và kết nối với những người có cùng niềm đam mê nghệ thuật.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả hướng dẫn các bạn trẻ in tranh Đông Hồ.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả hướng dẫn các bạn trẻ in tranh Đông Hồ.

Tham gia vào quá trình làm các tác phẩm tranh Đông Hồ, mỗi người sẽ phát triển khả năng sáng tạo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Không những thế Workshop còn là một trải nghiệm giáo dục đầy ý nghĩa cho các bạn trẻ.

Bạn Hoàng Long (21 tuổi), hiện đang là sinh viên Học viện Ngân hàng tâm sự: “Khi tham gia workshop "Họa nét Đông Hồ", mình cảm thấy ý nghĩa và hiểu hơn về lý do tại sao dòng tranh này lại tồn tại. Trước đây, mình chỉ biết là một dòng tranh dân gian của Việt Nam và chưa có hiểu biết nhiều về dòng tranh này. Khi tham gia làm tranh mình ấn tượng nhất công đoạn nghệ nhân đã giúp mình in màu lên tranh”.

Một số người trẻ tuổi khi trải nghiệm chia sẻ, ngày bé được nhìn ngắm các tác phẩm tranh Đông Hồ qua sách vở, ti-vi. Giờ đây, khi được tận tay trải nghiệm nên mong muốn được bảo tồn, giới thiệu và quảng bá dòng tranh này...

Sinh viên Hoàng Long hoàn thành một bức tranh Đông Hồ.
Sinh viên Hoàng Long hoàn thành một bức tranh Đông Hồ.

Với thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc, ban tổ chức chương trình hy vọng rằng sự kiện không chỉ mang lại trải nghiệm văn hóa độc đáo cho các bạn trẻ, có cơ hội trải nghiệm đầy đủ về nghề làm tranh dân gian. Workshop "Họa nét Đông Hồ" còn là một minh chứng cho việc bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa xưa trong xã hội ngày nay.

“Chúng tôi rất vinh dự khi mời nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đến chia sẻ, hướng dẫn trong sự kiện hôm nay. Ông là một trong những nghệ nhân còn duy trì và gìn giữ dòng tranh dân gian Đông Hồ. Những chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả rất giá trị, để mọi người biết được từ quy trình làm tranh cho đến những câu chuyện về quá trình thăng trầm của dòng tranh này. Chúng tôi kỳ vọng, trong số những người đến đây sẽ có ai đó muốn tìm hiểu, phát triển dòng tranh Đông Hồ" - chị Vân Anh - thành viên Ban tổ chức chương trình cho biết.