Có nên giao bài tập về nhà cho học sinh dịp nghỉ Tết?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Học sinh nghỉ Tết mang theo nhiều phiếu bài tập trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của các em mà còn của phụ huynh. Chính bởi thế, khi một hiệu trưởng Hà Nội gửi thư ngỏ hứa không giao bài tập về nhà dịp Tết lập tức nhận được sự tán dương của cộng đồng.

Không giao bài tập Tết

Mới đây, thư ngỏ của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội khẳng định sẽ không giao bài tập Tết cho học sinh được đông đảo học sinh, phụ huynh đồng tình, tán thưởng.

Học sinh Trường Marie Curie tham gia hoạt động gói bánh chưng Tết
Học sinh Trường Marie Curie tham gia hoạt động gói bánh chưng Tết

Trong thư, thầy Khang viết: "Thay mặt các thầy cô giáo, tôi đã hứa với học sinh của trường từ nay thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Nhân dịp Tết Giáp Thìn, tôi nhắc lại lời hứa được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Chúng ta dành cho các con được hưởng một cái Tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình".

Chia sẻ về bức thư ngỏ, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng, sau một học kỳ, Tết là dịp để học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Vì vậy, thầy cô không cần giao bài tập để học sinh được vui chơi, tham gia các hoạt động cùng gia đình một cách thoải mái, không bị áp lực bài vở.

Tại trường, nhiều năm nay đã quán triệt thầy cô không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trước khi học sinh nghỉ học, thầy cô nhắc nhở, khuyến khích các em tham gia, phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, trò chuyện nhiều hơn với người thân để gắn kết tình cảm.

Nêu quan điểm về việc có nên giao bài tập dịp Tết cho học sinh không, nhà giáo Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) bày tỏ: Nếu với người lớn, không ai muốn trong kỳ nghỉ mà bị cơ quan giao thêm việc thì với học sinh cũng vậy, các em nên được nghỉ đúng nghĩa. Thầy cô không cần thiết phải giao một loạt các bài tập về nhà một cách nặng nề, cứng nhắc ở nhiều môn cho học sinh những ngày Tết. 

Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa) Nguyễn Cao Cường đồng quan điểm cho rằng, không nên giao nhiều bài tập ngày Tết để ngày nào các em cũng phải làm bài tập hoặc phải làm bài tập nhiều trước, sau Tết. Thay vì giao bài tập nhiều, thầy cô hãy giao nhiệm vụ cho các em như tìm hiểu phong tục tập quán ngày Tết, những việc làm của học trò cùng gia đình đón Tết, dọn dẹp góc học tập gọn gàng...

Nhà giáo Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) thông tin: “Nhà trường quán triệt các giáo viên tuyệt đối không giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết. Chúng tôi muốn các con dành trọn vẹn thời gian nghỉ Tết cùng những người thân trong gia đình, cảm nhận được hương vị Tết ở quê nội, quê ngoại... Đó là những việc làm ý nghĩa nhất trong những ngày Tết”.

Phụ thuộc nhu cầu từng học sinh

Ngay sau khi đọc thư ngỏ của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, chị Ngô Thu Hà, phụ huynh tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Các con đi học quanh năm và luôn mong muốn Tết không phải làm bài tập. Khi nghe thầy Khang đưa ra lời hứa, cả con cả mẹ như trút được gánh nặng. Tết không có bài tập, đồng nghĩa với việc Tết con được vui chơi, nghỉ ngơi, không lo nghĩ, bớt áp lực. Chỉ mong trường con cũng không giao bài tập giống trường thầy Khang”.

Không khí Tết rộn ràng tại các trường học Hà Nội
Không khí Tết rộn ràng tại các trường học Hà Nội

“Tôi luôn phản đối nhà trường giao bài tập Tết cho các con và nhiều lần có ý kiến lên nhóm lớp nhưng chưa năm nào được toại nguyện vì nghỉ Tết con vẫn mang một ôm đề cương, bài tập về nhà. Mục đích của việc giao bài tập là để các con không quên kiến thức nhưng thực tế, hầu hết các con nghỉ Tết, chơi Tết, để dành sát ngày đi học trở lại mới gấp gáp làm bài tập. Như vậy, không mang lại hiệu quả như mong đợi. Vậy chẳng thà không giao bài tập để tâm lý học sinh và bố mẹ được thoải mái”, chị Nguyễn Thị Hoa Mai, quận Thanh Xuân cho biết.

Việc giao bài tập Tết cho học sinh cũng sẽ xảy ra việc, học sinh không muốn làm nhưng bị bố mẹ nhắc nhở, bắt ép mang sách vở ra làm đối phó trong những ngày Tết. “Nhà tôi từng… mất Tết vì bố mắng con, bắt đi làm bài tập Tết. Con muốn đi chơi với anh chị họ bởi cả năm mới gặp nhưng bố lại yêu cầu con làm hết bài tập mới được chơi. Cả nhà căng thẳng, mệt mỏi vì bữa ăn nào cũng nhắc con làm bài tập xong chưa”, chị Hà Linh kể chuyện gia đình mình năm trước.

Anh Hoàng Hải, một phụ huynh ở quận Hai Bà Trưng cho hay: “Tôi được nghe cô giáo quán triệt là bài tập Tết chỉ khuyến khích, không ép buộc. Học sinh nào hoàn thành sẽ được điểm thưởng, học sinh không làm cũng không bị trừ điểm. Nhiều con muốn có điểm thưởng, cố gắng làm nên mấy ngày Tết lại vất vả cày bài tập. Một số học sinh khác thì ngại không làm bài nhưng ra Tết lại tiu nghỉu vì không được điểm thưởng. Điều này tạo không khí kém vui trong những ngày đầu Xuân năm mới”.

Thực tế cho thấy, bên cạnh đa số học sinh và phụ huynh không muốn thầy cô giao bài tập Tết thì vẫn có một bộ phận học sinh, bố mẹ muốn có bài tập để làm vì “nghỉ Tết quá dài, không học sẽ quên kiến thức".

“Em đã chủ động xin cô một số phiếu Toán và Lý để làm dịp Tết. Em sắp thi nên không muốn lãng phí thời gian”, em Nguyễn Minh Tiến, học sinh Trường tiểu học và THCS Newton 5 chia sẻ.

Với cô Hà Thị Thu, giáo viên THCS tại quận Hoàng Mai thì đúng là trong kỳ nghỉ Tết, việc không giao bài tập chẳng những làm học sinh, bố mẹ vui mà thầy cô cũng thấy được giảm áp lực. Nếu có chủ trương từ ban giám hiệu, cô và đồng nghiệp rất thoải mái khi không phải giao bài tập Tết cho học sinh.

"Với học sinh có nhu cầu làm bài tập, luyện đề, ôn thi dịp Tết  thì có thể nhắn riêng cho cô, cô sẽ gửi riêng để học sinh in và làm chứ không gửi đồng thời cho cả lớp như trước. Suy cho cùng, chơi/học hay vừa học vừa chơi dịp Tết đều là nhu cầu chính đáng và nếu đó là nguyện vọng của tự thân học sinh thì rất đáng được ủng hộ", cô Thu nói.