Cơ quan chức năng lên tiếng việc hành khách khi về sân bay Tân Sơn Nhất không đồng ý phí khách sạn

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo thông tin về các quy định, mức phí cách ly cho người nhập cảnh tại TP này sau khi có trục trặc trong việc áp dụng hình thức cách ly hành cho khách quốc tế trở về Việt Nam trên các chuyến bay thương mại.

Hành khách không tuân thủ thỏa thuận?
Trước đó, ngày 30/9 tại nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, 158 hành khách trên chuyến bay VJ 963 từ Hàn Quốc về TP Hồ Chí Minh đã phải chờ đợi hơn 10 tiếng để xử lý các sự cố liên quan đến giá lưu trú tại khách sạn.
Hành khách cũng phản ánh, họ đã phải mua vé máy bay với giá 11 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với giá niêm yết... Sau khi có sự nhập cuộc của các cơ quan chức năng, phần lớn hành khách trên chuyến bay VJ 963 đã được đưa về khu cách ly tập trung tại Cần Giờ.
Tại buổi họp báo, các cơ quan truyền thông đặt ra hàng loạt vấn đề từ sự cố tại sân bay Sân Tân Nhất ngày 30/9.
Ông Đoàn Quốc Bình - Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết, trước khi lên máy bay hành khách chấp nhận cách ly tại khách sạn. Thực tế sau khi máy bay hạ cánh, chỉ có 3 hành khách đồng ý theo cam kết, còn lại không đồng ý tuân thủ thỏa thuận, gây mất hình ảnh ngành hàng không Việt Nam. Quá trình diễn ra nhiều đối tượng livestream thông tin không đúng sự thật.
Các cơ quan ban ngành vào cuộc, cơ quan vận chuyển mặt đất đã miễn phí vận chuyển, cung cấp suất ăn miễn phí. Có 43 hành khách ra khách sạn và đồng ý cách ly trong phòng có giá 1,3 triệu đồng/ngày nhưng khi ra đến nơi họ đòi 1,3 triệu đồng/phòng 4 người, vi phạm quy định phòng chống dịch.
Nhờ sự can thiệp của TP, cuối cùng 144 hành khách trên chuyến bay được đưa về cách ly tập trung tại Cần Giờ, kể cả 43 người đã về đến khách sạn, chỉ có 14 hành khách cách ly tại khách sạn.
Ông Đoàn Quốc Bình cũng đề nghị, cần có một quy trình chặt hơn về nơi lưu trú sau khi nhập cảnh, thu phí trước các chi phí khách sạn, xét nghiệm, vận chuyển mặt đất để tránh tái diễn như vụ việc đáng tiếc.
Đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh khẳng định đủ cơ sở vật chất để cách ly.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Bình - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần hàng không Vietjet, việc mở lại đường bay quốc tế nhằm phục vụ cho mục tiêu khôi phục kinh tế. Việc mở lại đường bay quốc tế của Vietjet có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn phòng chống dịch bệnh. 100% hành khách trước khi bay đều đã ký vào thỏa thuận về việc cách ly an toàn trong các khách sạn nằm trong danh sách. Trong quá trình triển khai chuyến bay, có thể do hiểu sai, kỳ vọng hơi quá nên có một số trục trặc...
Giải thích về việc vì sao khách hàng phải mua giá vé quá cao, gần gấp đôi so với giá vé niêm yết, đại diện Vietjet cho biết, giá vé được niêm yết công khai, minh bạch, các đại lý có thu phần nào hay không đó là thỏa thuận riêng.
“Phí khách sạn cách ly, chúng tôi không quyết định điều này. Chuyến bay ngày 30/9, chúng tôi đã nỗ lực tối đa, kinh phí tốt nhất. Với nỗ lực lớn của các sở ngành, giá phí thấp nhất giá khách hàng đã thỏa thuận trước khi bay rất nhiều”, đại diện Vietjet cho biết.
Cũng theo đại diện Vietjet, Vietjet không có trách nhiệm thông báo giá khách sạn, giá như thế nào? Trước khi lên máy bay, dự kiến 100 USD/đêm, không có phát ngôn nào Vietjet thông báo giá từ 100 USD đến 5 triệu đồng/phòng/đêm, nếu có thông báo về giá phòng thì đó đại diện cho thông tin lúc đó, Vietjet không được phép công bố giá khách sạn.
Đủ cơ sở lưu trú phục vụ cách ly
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại TP có 8 khách sạn, gồm 940 phòng nằm trong danh sách đủ điều kiện làm cơ sở cách ly có thu phí. Giá phí của các khách sạn thuộc nhiều phân khúc, biểu giá dao động từ 1,25 đến 5 triệu đồng/phòng/ngày.
Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đưa thêm 15 khách sạn, gồm 1.025 phòng vào danh sách khách sạn cách ly có trả phí. Các khách sạn được chọn làm cơ sở cách ly có thu phí phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng chống dịch bệnh, được thẩm định cơ sở vật chất, phương án cách ly, tập huấn cho nhân viên, đúng theo Quy định 1246 của Bộ Y tế.
Sắp tới sẽ phối hợp tiến tục khảo sát thêm 15 khách sạn 892 phòng và sắp tới tìm kiếm thêm các khách sạn thuộc phân khúc 1 đến 2 sao để đa dạng hóa, tạo sự cân bằng giữa các nhóm. Các khách sạn nâng giá sẽ bị xử lý theo quy định.
Giải thích về các biện pháp can thiệp sau sự cố ngày 30/9, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, các khách sạn có biểu giá từ 1,7 triệu đến 1,8 triệu/phòng/ngày, sau khi có vận động, can thiệp đã hạ xuống 1,3 triệu đồng; đơn vị vận chuyển mặt đất đã miễn phí vận chuyển. 
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, người nhập cảnh vào TP được phân ra đối tượng có nguy cơ khác nhau. Đối với các chuyến bay giải cứu công dân, khi nhập cảnh sẽ được cách ly tại các trung tâm cách ly do quân đội quản lý. Hành khách trên các chuyến bay thương mại khi nhập cảnh bắt buộc phải cách ly tại các cơ sở lưu trú, phải có phương án cách ly mới được phép nhập cảnh. Quy định cách ly một người/phòng; trong trường hợp có quan hệ họ hàng cũng không quá 2 người/phòng. Người nhập cảnh đòi ở 3 - 4 người/phòng là không được.
Cũng theo đại diện HCDC, theo quy định hiện hành, cơ quan y tế và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ cách ly đối với người nhập cảnh, cách ly tại các cơ sở lưu trú; hàng tuần HCDC kiểm tra và báo cáo Sở Y tế.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Tại buổi họp báo, báo chí đặt ra ai phải chịu trách nhiệm cho sự cố từ chuyến bay VJ 963?
Đại diện Vietjet cho rằng: “Chúng tôi chia sẻ để đoàn kết, hãng hàng không không đổ lỗi cho ai, chúng tôi lắng nghe và giải thích, cùng nhau chung tay khôi phục kinh tế đồng thời tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh". 
Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho rằng, chúng tôi không đổ lỗi mà chỉ nêu ra sự thật để cùng giải quyết. Chúng tôi nghĩ rằng chuyến bay 158 hành khách là chuyến bay thương mại, hành khách cách ly tự nguyện, khi máy bay đáp xuống chúng tôi nghĩ cũng bình thường nhưng thực tế rất phức tạp. Cùng thời điểm chuyến bay VJ 963 hạ cánh, có một chuyến bay giải cứu hơn 300 hành khách từ Nhật Bản về, việc giải tỏa hành khách rất nhanh.
Qua vụ việc thấy rằng sự phối hợp với cơ quan chức năng là rất tốt, có mặt tức thời ngay thời điểm đó. Hành khách có dấu hiệu kích động, cơ quan chức năng kiểm soát tốt tình hình, giải quyết nguyện vọng cho dù họ thay đổi liên tục. Việc hành khách livestream thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng nhiều đến ngành hàng không.