“Cởi trói” cho quảng cáo

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực quanh Hồ Gươm, khu phố cổ Hà Nội và các quảng trường… thay vì cấm quảng cáo sẽ đưa vào danh mục được phép quảng cáo trong điều kiện hạn chế.

Đó là nội dung của dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đang được lấy ý kiến và chờ ban hành. Người đồng tình thì cho rằng sự thay đổi này mang tính tiệm cận với tư duy quảng cáo mới trên thế giới nhưng với những người suy tư theo cách xưa cũ: Hà Nội vẫn cần nói không với quảng cáo ở một số nơi để xây dựng nét văn minh riêng biệt trong khu vực trung tâm.

Phải nhắc đến câu chuyện của thế giới, từ những năm 90 của thế kỷ trước các tấm biển quảng cáo lớn đã trở thành một phần không thể thiếu ở Quảng trường Thời đại (Mỹ) và Piccadilly Circus (Pháp). Những DN lớn như giải khát Cocala, Google… phải chi mức tiền khủng mới có thể được sắp xếp quảng cáo ở các vị trí này. Thậm chí, những năm đầu thế kỷ XX, bảng quảng cáo điện tử đã trở thành “đặc sản” hút khách ở các quảng trưởng nổi tiếng.

Sang đến nước khu vực châu Á, như Nhật Bản cũng là nơi gắn liền với những tấm biển quảng cáo điện tử khổng lồ. Khu Giao lộ Shibuya được coi là địa điểm lý tưởng nhất để đặt quảng cáo ngoài trời tại Tokyo. Khu này được coi là giao lộ đông đúc nhất thế giới dành cho người đi bộ, với khoảng 2.500 người sang đường mỗi khi đèn giao thông chuyển màu.

Tính ra, mỗi ngày có khoảng 1 triệu người đi bộ đi qua giao lộ này. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng nơi vùng lõi trung tâm của Hà Nội như hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Quảng trường Cách mạng Tháng 8… không thể tư duy theo cách cũ: Khu vực cấm quảng cáo mà nên đổi thành khu vực quảng cáo có điều kiện.

Từ năm 2016, Hà Nội đang quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời theo Quyết định 01/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, quy định quản lý này đã bộc lộ nhiều hạn chế, khiến các DN quảng cáo khó phát triển. Trong khi, quảng cáo là một trong những lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa, nên không thể giữ vững quan điểm cấm hoặc hạn chế quảng cáo ở khu vực đông người. Hơn nữa, trên thế giới quảng cáo ngoài trời đang thay đổi. Các tấm biển quảng cáo kỹ thuật số đang được dựng lên cùng với các hình thức quảng cáo tương tác đầy sáng tạo. Chính vì vậy, cách thức quản lý cũng cần cập nhật theo xu hướng mới để từng bước xây dựng văn hóa quảng cáo cho Hà Nội.

Hiện nay, Sở VH&TT Hà Nội đã tiến hành các bước lấy ý kiến, từng bước hoàn thiện dự thảo Quy chế, báo cáo UBND TP Hà Nội ban hành theo hướng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn cho phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn. Nhiều người kỳ vọng với việc ban hành Quy chế hoạt động quảng cáo ngoài trời mới, đặc biệt là cập nhật hình thức quảng cáo điện tử, quảng cáo công nghệ thì tình trạng lộn xộn, quảng cáo thiếu thẩm mỹ sẽ được chấn chỉnh.

Tại Hà Nội, hoạt động quảng cáo tăng trưởng chậm, đem lại lợi ích kinh tế kém hơn so với một số tỉnh, TP khác. Hoạt động quảng cáo trên địa bàn liên quan nhiều cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Trong khi đó, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh đối với lĩnh vực quảng cáo, như: Luật Quảng cáo, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh… Nhưng lãnh đạo TP Hà Nội vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp để đáp ứng nhu cầu phát triển của quảng cáo, đồng thời, tạo dựng bộ mặt văn minh đô thị.