Thận trọng trong thanh toán điện tử

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt ngày càng trở thành phương thức được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. Tuy nhiên, người dùng cũng gặp không ít rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thanh toán, giao dịch chuyển tiền, dẫn đến việc mất mát tài sản hoặc thông tin cá nhân.

Rủi ro thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản ngân hàng, số thẻ visa... có thể bị đánh cắp thông qua các website giả mạo, email lừa đảo, hoặc phần mềm độc hại. Kẻ gian có thể sử dụng thông tin giả mạo để thực hiện giao dịch trái phép hoặc bán thông tin cho các bên thứ ba. Rủi ro về tài chính là bị lừa đảo, mất tiền trong tài khoản. Còn có trường hợp chuyển nhầm sang tài khoản khác, thậm chí nhiều người chuyển nhầm đến vài chục triệu đồng.

Chuyển khoản nhầm và được trả lại là chuyện không hiếm trong giao dịch trực tuyến hiện nay. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng tự giác trả lại tiền chuyển nhầm. Theo quy định, chủ tài khoản nhận phải phối hợp hoàn trả lại khoản tiền chuyển nhầm vào tài khoản của mình.

Trong trường hợp người nhận đã sử dụng số tiền chuyển nhầm, có thể thỏa thuận với người chuyển về thời gian để hoàn trả tiền. Nếu quá thời gian quy định mà người nhận vẫn chưa hoàn trả, ngân hàng sẽ thông báo đến khách hàng để khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Gần đây, cơ quan công an đã khởi tố một loạt vụ hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Theo Bộ Công an, trường hợp người được chuyển tiền không biết thông tin người chuyển nhầm thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Hiện nay, thương mại điện tử ngày càng phát triển, vì vậy, nhu cầu thanh toán khi mua hàng online cũng tăng lên. Với công nghệ ngày càng phát triển, các hình thức thanh toán ngày càng đa dạng, tiện ích.

Sự thuận tiện của thanh toán điện tử không thể phủ nhận, nhưng người dùng cần tỉnh táo với các rủi ro tiềm ẩn trong thanh toán trực tuyến. Ngoài việc khách hàng cần cẩn thận, bằng cách thức thiết lập các biện pháp phòng ngừa để bảo mật thông tin cá nhân; kiểm tra kỹ mọi trường thông tin trước khi bấm lệnh chuyển tiền.

Khi chuyển nhầm tiền đến tài khoản của người khác, hoặc nhận được tiền chuyển vào tài khoản của mình mà không xác định được người gửi nên chủ động báo ngay với ngân hàng về số tiền được chuyển nhầm để xác minh, hoặc trình báo ngay với cơ quan công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể về biện pháp giải quyết. Đồng thời, cũng không nên tự ý chuyển trả lại tiền khi không có bên thứ ba chứng kiến, để tránh các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.