Con đã lớn khôn chưa?

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là băn khoăn khi chị nhận được điện thoại của đứa con gái lớn đang ở Bắc Âu, thông báo rằng nó không về Việt Nam ăn Tết với mẹ và ông bà nội - ngoại được.

Đứa con gái: “Con cũng muốn về lắm nhưng công ty có việc gấp phải giải quyết”…

Đứa con gái còn cho biết, nó và các bạn sẽ cùng nhau ăn một “cái Tết Việt Nam” gồm bánh chưng, giò chả… mà các công ty trong nước xuất khẩu dịp lễ Tết. Nó nói: “Không thiếu thứ gì mẹ ạ! Chỉ thiếu mẹ mà thôi!”. Nghe nó nói như vậy, chị ứa nước mắt vì nhớ nó.

Chị nuôi con cái một mình từ khi đứa con gái lớn vừa vào lớp 1, đứa nhỏ thì mới 2 tuổi. Chúng nó không may vắng bố vì bố bị bạo bệnh qua đời. Đứa con gái lớn sau này vẫn hình dung phần nào người bố thuở thơ ấu; riêng đứa nhỏ không biết gì cả. Đứa nhỏ sau này lại coi người bố thứ hai, một doanh nhân người Anh, như bố duy nhất của mình. Sau này, khi lớn lên, qua chắp nối câu chuyện từ người lớn, nó cũng hiểu rằng, nó từng có người bố…

Con gái lớn của chị tuy vẫn nhớ bố mình, nhưng vẫn tôn trọng người mới của mẹ. Nó tuy nhỏ tuổi nhưng cư xử với bố mới một cách lịch thiệp và xác định phải học chăm, ngoan để không phụ lòng sự chăm sóc vất vả của mẹ và phần nào là của bố dượng.

Đứa bé học đều các môn, nhưng nổi trội ở môn tiếng Anh. Những năm cuối học phổ thông, nó học thêm tiếng Pháp, tiếng Ý và Tây Ban Nha.

Chị nói: “Con tập trung học tiếng Anh thôi chứ?”. Nó nói: “Tiếng Anh là căn bản, các thứ tiếng khác bổ trợ lẫn nhau mẹ ạ. Quan trọng là con thích học”.
Đương nhiên, trừ tiếng Anh, nó được mẹ đầu tư vào trung tâm ngoại ngữ uy tín, những thứ tiếng còn lại thì nó tự học qua mạng.

Lúc nó thi tốt nghiệp phổ thông trung học xong, mẹ nó hỏi: “Con định đi học trường nào trong mấy trường con đã đậu?”. Nó không trả lời thẳng vào câu hỏi, nói: “Con đủ 18 tuổi rồi. Con sẽ tự lập mẹ nhé?”.

Chị hỏi: “Vậy con lấy tiền đâu đóng học phí? Rồi tiền ăn, sách vở…?”.
Nó nói: “Học phí con sẽ vay mẹ rồi trả dần. Con sẽ đi làm thêm ở quán ăn; làm gia sư… để trang trải chuyện học”.

Chị biết tính nó, kiểu đại diện cho lớp trẻ bây giờ, muốn xác lập cuộc sống tự lập sớm. Chị đành đồng ý với nó, nhưng rất lo và tự hỏi: “Nó đã kịp lớn khôn hay quá dại dột vì không tự lượng sức mình?”.

Thế rồi, đứa con gái lớn không vội vào đại học, với hồ sơ khá đẹp do điểm học cao, tham gia công tác xã hội nhiều, có điểm IELTS là 7,5 cùng vốn ngoại ngữ tiếng Pháp, Ý…, nó được một tập đoàn đa quốc gia nhận vào làm ở vị trí tập sự, lương 600 USD/tháng.

Đến lúc này chị vẫn không biết mục tiêu thực sự của nó. Khoảng 6 tháng sau, nó khoe chị đã được một trường đại học danh tiếng ở châu Âu nhận vào học với học bổng toàn phần. Nghe nó nói, chị mới biết: khi xin đi làm việc, nó đã nói với ông giám đốc là đi làm để có hồ sơ thêm đẹp để dễ xin học bổng. Sau đó, chính vị giám đốc này viết thư tới trường đại học để giới thiệu nó như một hình mẫu cầu tiến, chịu khó và sống tự lập…

Khi đi học, con gái lớn dù thỉnh thoảng nhận viện trợ của mẹ để mẹ an lòng, nhưng chủ yếu nó tự kiếm tiền để chi tiêu lặt vặt. Công việc của nó chủ yếu là dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh và ngược lại về chủ đề kinh tế theo đúng chuyên ngành nó đang theo học.

Nó còn tự bỏ tiền túi đề làm đề tài và báo cáo khoa học ở Indonesia mới đây. Nó nói: “Cùng lĩnh vực nghiên cứu của con có nhiều giáo sư, tiến sĩ giỏi nên con không đạt giải. Con được báo cáo là may lắm rồi”.

Mấy tháng gần đây, nó tốt nghiệp đại học. Chị và các chú của nó nghĩ đến chuyện tìm việc làm cho nó. Qua điện thoại, nó nói: “Con sẽ tự tìm việc mẹ ạ. Con sẽ ở châu Âu làm việc lấy thêm kinh nghiệm rồi làm ở đâu sẽ tính”.
Rồi nó có việc làm và vừa rồi thông báo không về Việt Nam ăn Tết được. Chị vẫn lo và tự hỏi: “Nó đã lớn khôn thật chưa?”.