Công nhận Lễ hội Đền Trần Thương là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tối 10/2, tức 14 tháng Giêng năm Đinh Dậu, tại di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã tổ chức Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Khai lễ Phát lương Đức Thánh Trần Xuân Đinh Dậu năm 2017.

Tới dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; các đồng chí: Mai Tiến Dũng - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Đình Khang - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Sỹ Lợi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đông – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh và đông đảo nhân dân, du khách thập phương.
 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh tới dự lễ. Ảnh: baohanam.com.vn
Trước khi các nghi lễ hành chính và tâm linh diễn ra trong buổi tối, vào hồi 15g 30 phút lễ rước lương thảo từ kho đặt tại miếu Thổ thần (xóm 2, thôn Trần Thương) đã được nhân dân xã Nhân Đạo thực hiện. Lễ rước lương trang nghiêm nhưng cũng không kém phần sống động với những sắc màu và âm thanh. Đi đầu đội rước lương là đội sư tử múa theo nhịp trống chiêng rộn ràng, tiếp theo đội cờ ngũ sắc 100 chiếc bay rợp trời. Theo sau đội cờ ngũ sắc, những cô gái thanh tân mặc áo dài màu đỏ trên đầu đội các mâm lương thảo tiến vào đền, theo sau là đội rước bộ bát bửu và đội rước kiệu. Đội rước kiệu do 9 thanh niên mặc áo màu đậu đỏ, chân đi giày, ống chân quấn xà cạp viền xanh kiệu 3 túi lương lớn. Đi sau cùng đoàn rước là đội tế nam, tế nữ của xã, các đoàn đại biểu khách và nhân dân.. Đúng 21 giờ, các nghi lễ hành chính và tâm linh được bắt đầu. Đầu tiên là nghi thức công bố Quyết định công nhận Lễ hội Đền Trần Thương là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong không khí linh thiêng và trang nghiêm của lễ hội, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Trần Thương cho đại diện địa phương.
 Lễ trao Bằng ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cho lễ phát lương Đức Thánh Trần. Ảnh: baohanam.com.vn
Lễ hội Đền Trần Thương có nghi thức tái hiện lại việc phát quân lương của quân đội nhà Trần khi xưa. Nghi thức Phát lương Đức Thánh Trần năm nay là năm thứ 8 được phục dựng, là một nét văn hoá riêng có của quê hương Hà Nam và cũng là bản sắc của nền văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng nơi người dân luôn coi trọng giá trị nguồn lương thực. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) công nhận Lễ hội Đền Trần Thương là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên) và Hội vật võ Liễu Đôi (Liêm Túc, Thanh Liêm) của Hà Nam. 

Lễ phát lương được tổ chức vào đúng giờ Tý ngày rằm tháng Giêng tại đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân - nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ thứ 13. Ban Tổ chức phối hợp với nhà đền chuẩn bị 150.000 túi lương để phát tại 37 điểm. Mỗi túi lương gồm có ấn, thẻ và năm loại hạt: đỗ đỏ, đỗ xanh, ngô đỏ, đậu tương và thóc nếp cái hoa vàng.
 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao túi lương cho nhân dân và du khách thập phương. Ảnh: baohanam.com.vn
Đền Trần Thương là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật, tâm linh. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông thế kỷ thứ 13.

Trong số các di tích thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương trên đất Hà Nam và cả nước, đền Trần Thương là di tích tiêu biểu, có quy mô kiến trúc lớn, ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính tọa lạc trên đất thiêng “Hình nhân bái tướng” “Ngũ mã thất tinh,” được xây kiểu “Tứ thủy quy đường.”

Kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng.

Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời... tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm hàm chứa triết lý dân gian. Đồ thờ, cổ thư của ngôi đền rất phong phú, quý hiếm./.