Công tác hòa giải ở cơ sở: Gặp khó vì thiếu kinh phí

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Hòa giải ở cơ sở chưa quy định nguồn kinh phí để chi cho công tác hòa giải, vì vậy việc triển khai, bố trí kinh phí cho công tác này tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn.

 Một buổi tập huấn kỹ năng, kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên.
Chưa đáp ứng được nhu cầu
Theo Bộ Tư pháp, chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hòa giải thành tiếp tục tăng so với những năm trước, góp phần tích cực vào việc xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Các địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên. Nhiều địa phương có sáng kiến, cách làm hay, như TP Hà Nội có mô hình Tổ hòa giải 5 tốt.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ những hạn chế, trong đó nguồn kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ. Thậm chí, một số tỉnh chưa thực hiện chi hỗ trợ cho tổ hòa giải cũng như chi thù lao hòa giải như: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Bình, Phú Thọ, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

Hà Nội là một trong những địa phương quan tâm và đạt nhiều thành công trong công tác hòa giải ở cơ sở. TP hiện có 5.357 tổ hòa giải với tổng số 33.802 hòa giải viên. Trong năm 2017, các hòa giải viên đã hòa giải thành 6.025/7.445 vụ việc, đạt tỷ lệ 81%. Kinh phí hỗ trợ cho các vụ việc hòa giải thành hiện tùy thuộc vào điều kiện địa phương với mức từ 100.000 - 200.000 đồng/vụ. Những đơn vị tích cực thực hiện chi kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở là: Mỹ Đức, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Đống Đa.

Bên cạnh kết quả đạt được, Hà Nội cũng gặp một số khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí chi cho hòa giải. Luật Hòa giải ở cơ sở chưa quy định nguồn kinh phí để chi cho công tác hòa giải. Thực tế chỉ những đơn vị xã, phường có nhiều nguồn thu mới có điều kiện quan tâm đến chi kinh phí hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Sẽ tổng hợp, đánh giá toàn diện

Mới đây, một số địa phương đã đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTP-BTC ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính theo hướng tăng mức chi hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là chi thù lao cho hòa giải viên.

Về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Lân - Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho hay, Luật Ngân sách Nhà nước quy định hoạt động ở cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm. Việc hỗ trợ cho tổ hòa giải theo đó do chính quyền xã bảo đảm. Thông tư liên tịch 100 quy định lập dự toán để hỗ trợ cho tổ hòa giải. Quy định là vậy nhưng thực tế hầu như không có, trong khi ngân sách T.Ư thường chỉ bảo đảm được kinh phí thường xuyên, không cấp cho các hoạt động đặc thù trong công tác hòa giải.

Hiện nay, việc thực hiện chế độ chi thù lao cho hòa giải viên trên phạm vi toàn quốc không đồng đều. Nhiều tỉnh, TP chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư liên tịch 100 và văn bản do địa phương ban hành theo thẩm quyền để cụ thể hóa các định mức quy định phù hợp với thực tiễn. Bộ Tư pháp nhận thấy cần có thêm thời gian để các địa phương tiếp tục triển khai thi hành Thông tư này, trên cơ sở đó, sẽ theo dõi, tổng hợp, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, xác định hạn chế trong thực tiễn thi hành. Từ đó đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch 100 theo thẩm quyền.
Luật Hòa giải ở cơ sở mới chỉ quy định về việc thanh toán kinh phí hòa giải cho từng vụ việc, nhưng chưa hướng dẫn đó là vụ việc hòa giải thành hay hòa giải không thành; trong khi nhiều vụ việc hòa giải không thành nhưng tốn nhiều thời gian, công sức của các hòa giải viên. 

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương