Công tác phòng cháy, chữa cháy: Nhiều cơ sở vẫn thờ ơ

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quý I/2019, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên 11.000 lượt cơ sở, phối hợp kiểm tra 79 lượt cơ sở, ra quyết định xử phạt 950 trường hợp. Tuy nhiên, việc tự nguyện khắc phục của một số cơ sở còn hạn chế.

Nhờn luật?
Đầu năm 2019, thực hiện tổng kiểm tra công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP, lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội đã phát hiện 1.577 lượt cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn trong công tác này.
 Diễn tập PCCC tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
Những cơ sở trên gồm nhiều loại hình như: Chung cư cao tầng, xưởng sản xuất, nhà hàng karaoke, chợ, cơ sở kinh doanh xăng dầu,… Từ tháng 5/2017, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội (hiện là Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (CNCH) - Công an TP Hà Nội) đã công bố danh sách 79 công trình chung cư vi phạm quy định về PCCC. Sau đó, UBND TP đã ban hành hàng loạt thông báo kết luận, chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vi phạm về PCCC đối với những công trình này.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 27 công trình trong số 29 công trình chưa thực hiện; trong đó có 13/14 công trình có khả năng khắc phục nhưng chủ đầu tư chây ỳ, 14/15 công trình khó có khả năng khắc phục.
Đáng chú ý, 5 công trình gồm: Chung cư mi ni Bồ Đề (quận Long Biên); tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng (quận Hà Đông); chung cư CT3A - Khu đô thị Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm); nhà ở nhiều hộ gia đình ở số 76 Cự Lộc (quận Thanh Xuân) và chung cư CT1 - Usilk City (quận Hà Đông) đã được lực lượng PCCC củng cố hồ sơ, chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Trong đợt tổng kiểm tra vừa qua, nhiều công trình trong danh sách 27 chung cư chưa hoàn thành khắc phục lại phát sinh thêm vi phạm mới. Điển hình như tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng (quận Hà Đông), tòa nhà Capital Garden (quận Đống Đa)…
Quy trách nhiệm cơ quan giám sát
Trao đổi về nguyên nhân các công trình vẫn chưa thể khắc phục, xử lý dứt điểm tồn tại, vi phạm, Trung tá Tô Hồng Nho - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết, chủ yếu là do các chủ đầu tư thiếu ý thức, không chấp hành.
Trong khi đó, ở một số chung cư, người dân không đồng tình cho chủ đầu tư sửa chữa hoặc đang chờ cơ quan chức năng xây dựng phương án, xin ý kiến các ngành liên quan về giải pháp thay thế.
Ngoài ra, thực tế cho thấy một số giải pháp cưỡng chế như cắt điện, nước, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra lập hồ sơ... cũng khó áp dụng khi đa số chung cư đang tồn tại vi phạm đều đã bố trí hộ dân vào sinh sống, nên dễ phát sinh tác động đến đời sống Nhân dân.
Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, những bất cập trong quá trình xử lý các công trình chung cư vi phạm PCCC đã được chỉ ra. Vì vậy, thời gian tới Công an TP tiếp tục triển khai kế hoạch của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP".
Trong quý II/2019, Công an TP sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng có nhiều vi phạm, đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa khắc phục triệt để, để có biện pháp xử lý nghiêm. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị có chức năng tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công hạng mục PCCC.
Mặt khác, bảo đảm các đơn vị này đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC cho chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành và cư dân đang sinh sống trong các tòa nhà chung cư vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hiểu, chủ động không vào sinh sống, kinh doanh, làm việc tại các công trình chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu về PCCC, để bảo đảm an toàn cho chính mình.