Công tác Phòng cháy chữa cháy tại quận Hai Bà Trưng: Nhiều chuyển biến tích cực

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với đặc thù đông dân, địa bàn phức tạp, quận Hai Bà Trưng trước kia có khá nhiều cơ sở tồn tại về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng gần đây công tác PCCC đã có chuyển biến rõ nét.

Nâng cao từ nhận thức
Ngay sau khi có Nghị quyết (NQ) 05 ngày 4/7/2017 của HĐND TP (quy định xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực) và kế hoạch triển khai của TP, UBND quận đã lập tổ công tác chỉ đạo thực hiện NQ, tổ kiểm tra rà soát cơ sở.
Trong đó, tổ chức ra quân kiểm tra 100% cơ sở thuộc diện điều chỉnh của NQ, hướng dẫn 20 phường, các đơn vị bổ sung danh mục công trình tồn tại được đưa vào sử dụng trước khi Luật có hiệu lực; yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý (BQL) đơn vị cam kết lộ trình khắc phục hạn chế của công trình. Đặc biệt, từ quận đến phường đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cá nhân, tổ chức; nhiều hoạt động tập huấn nghiệp vụ, diễn tập phương án chữa cháy cho cơ sở...
Đoàn khảo sát của HĐND TP Hà Nội khảo sát về công tác PCCC tại Nhà Z10 - Khu dân cư số 1 phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Thùy Linh
Thực tế cho thấy, tại cơ sở trọng điểm chợ Hôm - Đức Viên, gần đây rất quan tâm tuyên truyền, thực tập phương án chữa cháy. Với 700 hộ kinh doanh, hàng năm chợ tổ chức tập huấn cho đội PCCC cơ sở, hộ kinh doanh; định kỳ cấp GCN huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thực tập phương án chữa cháy 1 năm/lần; hàng ngày phát trên loa nội quy về PCCC; hàng tháng Ban chỉ huy PCCC tự kiểm tra an toàn PCCC để khắc phục thiếu sót về phương tiện. Chợ cũng trang bị 30 mặt nạ phòng độc, 235 bình chữa cháy… BQL chợ cũng phân công bảo vệ giữ an toàn PCCC khép kín 24/24h.
"Trước khi NQ ban hành, tại quận có nhiều cơ sở tồn tại về PCCC được đưa vào sử dụng; việc hướng dẫn cơ sở khắc phục tồn tại, xử lý sai phạm với các đối tượng này gặp nhiều hạn chế. Song, NQ ra đời đã tạo cơ sở pháp lý rõ hơn để cơ quan chức năng địa phương có căn cứ triển khai thống nhất với các đối tượng này. Chủ đầu tư, BQL những cơ sở đi vào hoạt động trước Luật PCCC số 27 đã có ý thức khắc phục tồn tại; cư dân chung cư cũng thấy TP quan tâm, từ đó coi trọng PCCC hơn" - Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung chia sẻ.
Tuyên truyền đến từng cơ sở
Dù đạt kết quả khả quan, song UBND quận Hai Bà Trưng cũng thừa nhận trên địa bàn, số cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của kế hoạch lớn, đa dạng loại hình nhiều tồn tại, dẫn đến thống kê nhiều khó khăn, nhất là kho hàng hóa, xưởng sản xuất xen kẽ khu dân cư, tập thể cũ. Trong khi, đa số công trình tồn tại là chung cư, tập thể cũ - nơi rất nhiều hộ sống qua nhiều thế hệ, dẫn đến vướng mắc lớn trong thực hiện biện pháp xử lý đúng quy định. Với những cơ sở ngoài ngân sách Nhà nước (NSNN), một số công trình sau hoàn thiện được chủ đầu tư bàn giao cả công tác quản lý cho các đơn vị khác, nên rất khó khắc phục.
Trưởng BQL chợ Hôm - Đức Viên Nguyễn Đức Chung cũng chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên đôn đốc hộ kinh doanh không lấn chiếm đường đi chung, lối thoát nạn; không bày hàng sát nguồn nhiệt dễ gây cháy nổ… Song, nhận thức của họ rất hạn chế nên chợ vẫn xảy ra các hộ lấn chiếm đường đi, lối thoát nạn… không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC”.
Từ thực tế này, lãnh đạo quận cho biết từ quận đến các phường, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền hơn về NQ 05 nói riêng, công tác PCCC nói chung đến từng cơ sở; thường xuyên rà soát cơ sở phát sinh, tập trung xác định cơ sở thuộc NSNN theo từng cấp, ngoài NSNN...
Quận cũng đề nghị BCĐ thực hiện NQ 05 của TP ban hành biểu mẫu kiểm tra, đánh giá chung với các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của kế hoạch để thống nhất trong xác định sai phạm; gia hạn thời gian triển khai đánh giá, phân loại đối tượng, đưa ra lộ trình khắc phục với từng cơ sở chính xác, hiệu quả.