COP28 giành được chiến thắng sớm

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc tại Dubai (COP28) hôm 30/11 đã thông qua một quỹ mới để giúp các quốc gia nghèo đối phó với những thảm họa khí hậu đặc biệt tốn kém.

Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber (ngoài cùng bên phải) trong phiên khai mạc Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc tại Dubai, UAE, ngày 30/11/2023. Ảnh: Reuters
Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber (ngoài cùng bên phải) trong phiên khai mạc Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc tại Dubai, UAE, ngày 30/11/2023. Ảnh: Reuters

Thành lập quỹ vào ngay ngày đầu tiên của Hội nghị COP28 kéo dài 2 tuần, đây được cho là cơ chế mới giúp chính phủ các nước đóng góp chô nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed al-Jaber cho biết, quyết định này đã truyền "động lực cho thế giới và cho nỗ lực của chúng ta ở Dubai".

Bước đầu, chiến thắng sớm này đã giúp khởi động một loạt cam kết nhỏ mà các quốc gia hy vọng sẽ xây dựng trong suốt hội nghị với số tiền đáng kể, bao gồm 100 triệu USD từ chủ nhà COP28 là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cùng ít nhất 51 triệu USD từ Anh; 17,5 triệu USD từ Mỹ; và 10 triệu USD từ Nhật Bản.

Tiếp đó, Liên minh châu Âu (EU) cam kết 245,39 triệu USD, trong đó có 100 triệu USD từ Đức.

Bước đột phá về quỹ thiệt hại mà các quốc gia nghèo hơn đã yêu cầu trong nhiều năm được tin có thể giúp thúc đẩy các thỏa hiệp khác được thực hiện trong thời gian diễn ra hội nghị.

Alden Meyer của tổ chức tư vấn E3G đánh giá, việc phê duyệt quỹ "tổn thất và thiệt hại" - cách gọi không chính thức của khoản phí này trong 2 năm qua - đồng nghĩa với việc "không bên nào có thể sử dụng nó làm con bài thương lượng cho các vấn đề khác".

Một nhiệm vụ khác của hội nghị thượng đỉnh sẽ là kiểm kê toàn cầu, đánh giá tiến bộ của các quốc gia trong việc đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.

Jennifer Morgan - đặc phái viên về khí hậu của Đức - tin rằng, việc áp dụng quỹ này "cho phép chúng ta tập trung vào việc kiểm kê toàn cầu và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, cũng như xây dựng năng lượng tái tạo".

Nhưng một số nhóm môi trường vẫn tỏ ra thận trọng trước "chiến thắng sớm" này, khi lưu ý rằng vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết, bao gồm cả cách thức tài trợ cho quỹ trong tương lai.

Harjeet Singh, người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu tại Climate Action Network International, nói với Reuters: "Việc không có chu kỳ bổ sung xác định đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững, lâu dài của quỹ".

Adnan Amin, Giám đốc điều hành của Hội nghị thượng đỉnh COP28, trong tháng này đã cho biết, mục đích là đảm bảo "vài trăm triệu USD" cho quỹ thảm họa khí hậu trong sự kiện lần này.

Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Jaber đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh COP28 bằng cách kêu gọi các nước và các công ty nhiên liệu hóa thạch hợp tác cùng nhau để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.

Các chính phủ đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán kéo dài về việc có nên lần đầu tiên đồng ý với việc loại bỏ dần sử dụng than, dầu và khí đốt phát thải CO2 - nguồn phát thải chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu - hay không.

Jaber, đồng thời là Giám đốc điều hành của công ty dầu khí quốc gia ADNOC của UAE, được cho đang nỗ lực xoa dịu dư luận sau nhiều tháng đối mặt với những tranh cãi liên quan đến vị trí đứng đầu COP28.

Ông ca ngợi quyết định của đất nước mình trong việc chủ động vào cuộc cùng các công ty nhiên liệu hóa thạch và lưu ý rằng nhiều công ty dầu khí quốc gia đã áp dụng các mục tiêu không có lãi cho năm 2050.

"Và vâng, như tôi đã nói, chúng ta phải tìm cách và đảm bảo sự tham gia có trách nhiệm của các biên liên quan đến nhiên liệu hóa thạch trong quá trình đối phó với biến đổi khí hậu" - Chủ tịch COP28 nói hôm 30/11.