Phép thử cho hợp tác Mỹ-Trung trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ xem xét khôi phục những nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu tại các cuộc gặp song phương sắp tới.

Ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, đã đến Bắc Kinh vào ngày 16/7. Ảnh: AFP
Ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, đã đến Bắc Kinh vào ngày 16/7. Ảnh: AFP

Ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, đã đến Bắc Kinh vào ngày 16/7 để hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua từ ngày 17-19/7.

Khó có đột phá

Nội dung hội đàm sẽ tập trung vào các vấn đề, gồm: giảm phát thải khí mê-tan, hạn chế sử dụng than, hạn chế nạn phá rừng và hỗ trợ các nước nghèo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Kerry là phép thử cho khả năng hai nước thải khí nhà kính hàng đầu thế giới hợp tác trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu bất chấp còn khác biệt về nhiều vấn đề.

Theo giới chuyên gia, bất kỳ tiến triển nào trong hợp tác Mỹ-Trung nhằm giảm phát thải khí mê-tan đều là bước đột phá trong cuộc chiến chống sự nóng lên của toàn cầu.

“Vấn đề giảm phát thải khí mê-tan đặc biệt quan trọng trong hợp tác khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh đã đồng ý sẽ công bố kế hoạch hành động về khí mê-tan trong các cuộc đàm phán trước đó với Washington ở Glasgow (vào năm 2021) và tại hội nghị khí hậu ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập vào tháng 11/2022” - ông Kerry nói trong một phiên điều trần trước quốc hội Mỹ tuần trước.

Theo Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua, nước này đã soạn thảo một kế hoạch với các biện pháp cụ thể để hạn chế lượng khí thải mê-tan trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn chưa công khai kế hoạch này.

Thec các nguồn tin gần gũi với nhóm cố vấn của ông Kerry, Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ công bố kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan trước khi diễn ra hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), được tổ chức vào tháng 12 tới tại Dubai.

Một số chuyên gia nhận định chuyến đi của ông Kerry có thể không mang đến kết quả đột phá tức thì nhưng có thể mở đường cho những tuyên bố hoặc cam kết sau này. Trước mắt, hai nước có thể nối lại hoạt động của nhóm công tác chung về hợp tác khí hậu và cam kết tiếp tục liên lạc.

“Tôi không kỳ vọng những đột phá trong các cuộc gặp song phương sắp tới nhưng hy vọng là chúng sẽ khôi phục lại sự gắn kết và ngoại giao bình thường về biến đổi đề khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc” - ông Michael Greenstone, giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago, nhận định với tờ New York Times.

Chuyến thăm của ông John Kerry diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc - quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính nhất thế giới - đang nỗ lực ổn định mối quan hệ căng thẳng do tranh chấp thương mại, căng thẳng quân sự và cáo buộc gián điệp, theo Reuters.

Đặc phái viên Kerry là quan chức thứ ba của Mỹ thăm Trung Quốc trong năm 2023 trong nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ song phương ổn định. Trước đó không lâu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã có chuyến thăm Trung Quốc.

Tín hiệu tích cực trước thềm thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc

Giới quan sát kỳ vọng các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy các mục tiêu tham vọng hơn trước khi các hội nghị khí hậu được Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra vào cuối năm nay.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định rằng họ có thể hợp tác về biến đổi khí hậu, bất kể có những bất đồng khác.

Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua (bên trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry có bài phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh COP27 ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập. Ảnh: AFP
Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua (bên trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry có bài phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh COP27 ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập. Ảnh: AFP

Ông Li Shuo, cố vấn chính sách toàn cầu của tổ chức môi trường Greenpeace tại Bắc Kinh cho biết các cuộc hội đàm theo lịch trình giữa hai bên cho thấy biến đổi khí hậu "vẫn là nền tảng cho mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới".

Trước đó, theo Reuters, các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh đã góp phần đặt nền móng cho Hiệp định Paris, theo đó đặt ra mục tiêu giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mỹ và Trung Quốc hiện có một số điểm chung liên quan đến vấn đề khí hậu. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đầu tư mạnh vào năng lượng sạch và cam kết cộng tác về lĩnh vực này trong tuyên bố chung đưa ra năm 2021.

Cả hai nước hiện cũng đối mặt tác động của thời tiết cực đoan. Chẳng hạn, thủ đô Bắc Kinh vừa trải qua ngày nóng nhất trong tháng 6 từng được ghi nhận với nhiệt độ lên đến 41,1 độ C. Trong khi đó, theo đài CNN, một đợt nắng nóng đang hoành hành ở Mỹ, với nhiệt độ ở miền Tây Nam có lúc tăng lên đến 49 độ C.

Theo một số nhà phân tích, nhiều kỷ lục nhiệt độ cao đã liên tục bị phá thời gian qua. Điều đó càng đòi hỏi Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng nối lại hợp tác trong vấn đề khí hậu bởi cuộc khủng hoảng này sẽ không đợi cho đến khi hai nước cải thiện được quan hệ. 

David Sandalow, giám đốc chương trình Mỹ - Trung tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) thuộc Đại học Columbia, nhận định: “Không có giải pháp chống biến đổi khí hậu nào thành công nếu không có sự chung tay của Trung Quốc. Hai nhà phát thải lớn nhất thế giới nên cùng nhau hợp tác để giải quyết mối đe dọa hiện hữu này”.