Cứ 1 phút, có 5 bệnh nhân tử vong vì không được chăm sóc an toàn

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên thế giới, mỗi phút lại có 5 bệnh nhân tử vong vì không được chăm sóc an toàn. Những mất mát này gây thiệt hại về sức khỏe, kinh tế, xã hội… nhưng đây là những điều có thể phòng tránh được. Vì vậy, cần phải tăng cường chăm sóc an toàn người bệnh hàng năm.

Ngày 15/9, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023”.

Phát biểu tại chức lễ mít tinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vấn đề an toàn người bệnh luôn được ngành y tế và người dân quan tâm hàng đầu.  

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại chức lễ mít tinh.
Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại chức lễ mít tinh.

Nhận biết được vai trò trung tâm của người bệnh, người nhà người bệnh và những người chăm sóc người bệnh trong việc bảo đảm an toàn KCB, Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2023 đã chọn chủ đề là “Người bệnh tham gia để bảo đảm KCB an toàn”.

Khi người bệnh được tham gia, hiểu biết về quá trình sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy an tâm và hoạt động khám chữa bệnh vì thế cũng được an toàn hơn”.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hình thức “Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh”, từ xây dựng các kênh thu thập ý kiến người bệnh như: Đường dây nóng bệnh viện, hộp thư góp ý, hội đồng người bệnh... đến thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và quy định.

Đơn cử như việc triển khai các đường dây nóng kết nối trực tiếp đến Bộ Y tế, tổ chức tiếp công dân trực tiếp do các Thứ trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng thường trực; thực hiện khảo sát hài lòng người bệnh thường quy, tiếp thu phản ánh của cơ quan báo chí truyền thông… để giải quyết những vướng mắc, phản ánh của người bệnh, người dân.

Vấn đề an toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa. Bộ Y tế đã thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn và quy định để các bệnh viện nghiêm túc triển khai như tại: Luật KCB số 15/2023/QH15 có quy định quyền được khám bệnh, chữa bệnh; phòng ngừa sự cố y khoa tại cơ sở KCB…

Thông tư quy định về nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện; Thông tư số hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; ban hành Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện, hướng đến người bệnh; Đề án “Xác định phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công”…

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục KCB, Bộ Y tế chia sẻ tại lễ mít tinh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục KCB, Bộ Y tế chia sẻ tại lễ mít tinh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục KCB, Bộ Y tế nhấn mạnh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống nhất chọn  ngày 17/9 hàng năm là Ngày An toàn người bệnh thế giới. Với mục tiêu nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiểu biết trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.

Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023 với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của người bệnh vì sự an toàn của người bệnh”.

Để nâng cao hơn vấn đề an toàn cho người bệnh, chúng ta cần tập trung các nguồn lực để quan tâm chỉ đạo các bệnh viện, xây dựng mạng lưới quản lý chất lượng, an toàn người bệnh; đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn và tư vấn giải quyết khói khăn trong quá trình thực hiện.

Song song với đó là khâu kiểm tra, giám sát cần được tăng cường đi cùng với cơ chế thi đua khen thưởng để đạt hiệu quả cao trong việc đảm bảo an toàn, lấy người bệnh làm trung tâm”.

Ông FAIRLIE, Shane Francis - Trưởng nhóm truyền thông sức khỏe Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, an toàn người bệnh là một trong những quyền cơ bản của người dân, những tổn hại của người bệnh, chăm sóc không được an toàn cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây những tổn thương trên khắp thế giới.

Trên thế giới, mỗi phút lại có 5 bệnh nhân tử vong vì không được chăm sóc an toàn. Những mất mát này gây thiệt hại về sức khỏe, kinh tế xã hội… đây là những điều chúng ta có thể phòng tránh được. Đó là lý do tại sao mà chúng ta cần phải tăng cường chăm sóc an toàn người bệnh hàng năm.

Bằng chứng hiện cho thấy, có 134 triệu sự việc y khoa không an toàn ở các bệnh viện của các quốc gia thu nhập thấp cũng như thu nhập cao đã khiến  khoảng 2,6 triệu người chết hàng năm.

”Vấn đề an toàn người bệnh Việt Nam đã trở thành một trong những vấn đề ưu tiên của ngành y tế, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và ngành y tế Việt Nam trong những năm qua.

Những vấn đề thiết thực như đưa ra những thông tư hướng dẫn, chính sách để quản lý nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, để phòng chống những tai nạn, sự cố y khoa, tăng cường chất lượng bệnh viện cũng như lắng nghe những phản hồi của người bệnh” - ông FAIRLIE, Shane Francis đánh giá.

 

Theo WHO, hiện nay, ngay tại các nước phát triển, khi tiếp nhận các dịch vụ KCB, khoảng 10% người bệnh lại bị tổn hại sức khoẻ của bản  thân do các sự cố y khoa. Trong các sự cố này có tới 50% nguyên nhân là có thể phòng tránh được như: phơi nhiễm với tia phóng xạ, nhiễm khuẩn bệnh viện, chẩn đoán chậm và không chính xác,… Chi phí để điều trị hậu quả do các sự cố y khoa gây ra chiếm hơn 14% chi phí chung tại bệnh viện.