Cùng bạn bè lên Mộc Châu… "tậu" đào

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đào rừng đôi khi không thắm, cánh dầy, không có thế như “đào nhà” [hoa đào dưới đồng bằng-pv] nhưng người ta yêu thích bởi sự hoang dã cũng như sức sống mãnh liệt của nó.

Năm nào cũng thế, cứ gần ngày “ông Công, ông Táo,” anh Lê Đức (Phương Mai, Hà Nội) lại cùng bạn bè lên Mộc Châu… "tậu" đào.

Anh bảo, cho dù đất Nhật Tân chẳng thiếu đào, nhưng chơi đào rừng lại có một nét rất riêng. Cành đào  rừng càng cổ thì càng “mốt” và thể hiện “đẳng cấp” của người sành sỏi và việc tận tay chọn được cành đào ưng ý mới là tuyệt thú…

"Xế hộp" lên rừng mua… củi

Trong một lần xe… còn chỗ, tôi được anh Hải rủ cùng đi lên Mộc Châu (Sơn La) để chọn đào. Chiếc xe mang biển kiểm soát Hà Nội vừa dừng lại ở thị trấn Mộc Châu, vài đứa trẻ trong trang phục người Mông đã xúm lại, tay cầm cành đào giơ lên “chào giá.”

Trong lúc tôi mải mê dò hỏi, anh Đức và mấy người đi cùng chỉ tủm tỉm cười rồi vào rảo chân vào quán nước ven đường. Sau cuộc điện thoại của anh Đức, một người đàn ông phóng xe máy đỗ xịch trước quán.

Chén chè nóng chưa kịp uống, Huynh-tên người đàn ông nọ hăm hở dẫn chúng tôi đi thăm các vườn đào. Vốn là chỗ quen biết, Huynh luôn miệng chỉ cho những vị khách cầu kỳ những cây đào có độ tuổi từ 5-10 năm tuổi.

Theo lời Huynh, những năm gần đây đào rừng bị đốn hạ khá nhiều để cung cấp cho thị trường Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Cũng bởi thế, nhiều cây đào mộc cổ thụ, nằm sâu trong rừng cũng đã được “bứng” theo nhu cầu của các đại gia.

Đào rừng đôi khi không thắm, cánh dầy, không có thế như “đào nhà” [hoa đào dưới đồng bằng-pv] nhưng người ta yêu thích bởi sự hoang dã cũng như sức sống mãnh liệt của nó. Khi đem từ rừng về, cành đào nom chả khác cành củi khô, nhưng chỉ một thời gian ngắn, những bông hoa, lá non sẽ đâm chồi này lộc mơn mởn từ cành cây khô khốc, báo hiệu một mùa xuân thịnh vượng.

Đặc biệt, những cây đào rừng có tuổi thọ cao, thân mốc, rêu bám, dáng vươn tự nhiên và có nhiều loại cây tầm gửi càng được chuộng. Cũng vì thế, tìm được gốc đào 20-30 năm tuổi giờ đây được xem là… của hiếm.

Ùn ùn về phố

Cuối cùng, sau một ngày cật lực tìm kiếm, anh Hải và bạn bè cũng đã có cho mình những cành đào rừng ưng ý với giá hợp lý. Chiếc xe 4 chỗ không thể đưa “hàng” về xuôi, Huynh đã gửi nhờ những cành đào của chúng tôi lên một chiếc xe tải trọng lớn cũng đang chuẩn bị vận chuyển hoa đào về Hà Nội để tô thêm nét xuân núi rừng cho người phố thị.

Trên chiếc xe tải ấy, những cành đào của chúng tôi lọt thỏm giữa nhiều cành đào cổ thụ. Anh Huynh bảo rằng, những cành đào to như vậy hầu hết đã có các “đại gia” đặt sẵn. Những người buôn đào lâu năm như anh vốn có nhiều mối ruột.

Số đào cành bé hơn, anh Huynh chuyển cho người em họ bán ở đường Hoàng Minh Giám (Cầu Giấy) cho khách đi đường.

Anh cũng cảnh báo, những người mua đào rừng ở phố, nếu non kinh nghiệm, người mua sẽ vớ phải “đào nhà đội lốt.” Bởi, nhiều người đã “bứng” cả cây đào rừng về dưới đồng bằng trồng vài năm. Khi ấy, màu vỏ của cây đào tuy vẫn giống với đào rừng, nhưng thực tế sức sống của nó khi đã “thuần hóa” ở đồng bằng sẽ không như trước.

Theo lời Huynh, người tiêu dùng cần chọn những cành đào có dáng dấp tự nhiên, thô mộc, thân xù xì gân guốc, nhiều rêu mốc. Khi bày bán trên đường, cành còn tươi, dáng đẹp, có đủ nụ, hoa, lộc, chồi và quả thì càng tốt, Ngoài a, trên thân có nhiều nhánh, nhiều dăm nhỏ, nụ trải đều…

Cũng vào thời điểm này, tại các cung đường khác như Yên Phụ, ngã tư Liễu Giai-Văn Cao-Đội Cấn…, nhiều chủ đào cũng đã bày bán những cành đào rừng khô khốc với giá từ vài trăm tới vài triệu đồng, có xuất xứ từ núi rừng Tây Bắc.

Thực tế, thú tiêu tiền không tiếc tay, tất cả cho ngày Tết của nhiều người dân thành phố đang đẩy đào rừng tới nguy cơ tận diệt. Nhiều chủ hàng khoe, những cành đào của họ đã được “vét hàng” từ vùng này, vùng nọ…

Còn theo quan sát của chúng tôi tại Mộc Châu, nhiều vườn đào rừng trơ khấc những gốc, chỉ còn lại vài cành bé nhỏ. Anh Huynh kể rằng, có những chủ nhà cứ ngần ngừ không bán, nhưng sau rồi vì muốn có thêm tiền mua thịt cá đón Tết, họ cũng đành ngậm ngùi cho lái buôn đốn hạ cây đào quý trước nhà.

Đã đành khi có tiền, người dân có quyền được hưởng thụ. Song với việc “nhà nhà đào rừng, người người đào rừng” như hiện nay, sắc xuân Tây Bắc sẽ dần chuyển về Hà Nội…