Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: thách thức cho Washington!

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chính sách hạn chế công nghệ mới nhất của Mỹ đang không thể làm khó Trung Quốc.

“Giảm thiểu rủi ro bao nhiêu là đủ?” - Kurt Campbell, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ gần đây ám chỉ rằng Mỹ gần như đã hoàn thiện các quy tắc mới nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ và đầu tư của Trung Quốc.

Ông cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng làm rõ sự khác biệt giữa giảm thiểu rủi ro trong phạm vi hẹp và rộng. Washington sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát với Trung Quốc vì mức độ vừa qua chỉ là vừa phải”.

Loại bỏ rủi ro liên quan đến Trung Quốc một cách tự nhiên, khiến chúng quay về mức kiểm soát đang là mối quan tâm hàng đầu của giới chức Mỹ, theo Foreign Policy.

Tổng thống Biden đã công bố loạt biện pháp hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng dừng lại ở phạm vi tương đối hẹp khi chỉ ảnh hưởng đến một số lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo.

Thời gian tới, Washington sẽ tiếp tục nhắm vào một số ngành chủ chốt như chip tiên tiến dùng cho mô hình AI, một lĩnh vực có ý nghĩa quân sự.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Washington sẽ đưa ra các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực quan trọng cho an ninh quốc gia.

Ông cho biết: “Chúng tôi đang bảo vệ các công nghệ cốt lõi bằng rào chắn khá vững chắc. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ nảy sinh rủi ro và kẽ hở mới, đồng thời áp lực từ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng. Do vậy, chúng tôi buộc phải mở rộng các quy tắc hiện tại”.

Suy cho cùng tất cả những động thái này nhằm giảm thiểu rủi ro và tránh lệ thuộc vào Bắc Kinh nếu xảy ra tranh chấp trong tương lai. Trọng tâm của các biện pháp này là một số ngành công nghiệp chiến lược như dược phẩm hay pin xe điện.

Thành công của phương Tây

Phương Tây đang vô cùng hài lòng khi việc sản xuất chất bán dẫn, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử, không còn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy ở Đài Loan.

Gã khổng lồ chip TSMC đang thúc đẩy toàn cầu hóa sản xuất, xây dựng nhà máy ở nhiều quốc gia khác nhau như: Đức, Mỹ và Nhật Bản. Dự kiến đến năm 2025, TSMC sẽ sản xuất khoảng 1/5 số chip tiên tiến ngoài Đài Loan. Dù vậy, Mỹ vẫn là đối tác quan trọng nhất của ông lớn công nghệ này khi các khoản trợ cấp, tín dụng và thuế trong Đạo luật CHIPS trị giá 50 tỷ USD của ông Biden đang hỗ trợ TSMC rất nhiều.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm nhà máy chế tạo chất bán dẫn TSMC tại Phoenix, Arizona, vào ngày 6/12/2022. Nguồn: Foreign Policy
Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm nhà máy chế tạo chất bán dẫn TSMC tại Phoenix, Arizona, vào ngày 6/12/2022. Nguồn: Foreign Policy

Ngoài ra, Intel đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Đức và UMC đang tăng cường sản xuất tại Singapore.

Tuy nhiên, cho dù phương Tây có đa dạng hóa nguồn sản xuất chip hơn nữa thì Trung Quốc vẫn nắm những ưu thế riêng biệt, bởi thành phần quan trọng trong sản xuất chip có chứa các nguyên tố đất hiếm - thứ tài nguyên có trữ lượng dồi dào ở nước này. Thêm vào đó, phương Tây sẽ vẫn phải phụ thuộc vào linh kiện sản xuất ô tô từ Trung Quốc khi chip của TSMC đang kém tiên tiến hơn.

Và ngay cả với các chính sách giảm thiểu rủi ro hiện tại vẫn được áp dụng, chuỗi cung ứng chất bán dẫn sẽ vẫn hội nhập sâu rộng trên toàn cầu, tương tự với dược phẩm hoặc sản xuất pin. Minh chứng rõ ràng nhất là việc các con chip vốn được sản xuất và đóng gói tại các nhà máy ở phương Tây lại phải vận chuyển trở lại châu Á.

Do vậy, ông Biden buộc phải thực hiện các bước giảm thiểu rủi ro hơn nữa, chẳng hạn như thuyết phục thêm nhiều nhà cung cấp chất bán dẫn rời khỏi Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, quốc gia này cũng đã đáp trả bằng việc kiểm soát xuất khẩu đối với gali và germani, hai kim loại hiếm được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn.

Wei Jianguo, một cựu quan chức thương mại cấp cao của Trung Quốc, cho biết rằng Bắc Kinh có thể sẽ đưa ra thêm các biện pháp tương tự nếu Mỹ vẫn duy trì hạn chế.

Cũng theo ông, Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển các lĩnh vực sản xuất và công nghệ tiên tiến mà không cần phải dựa vào Mỹ, trong khi đó phương Tây sẽ khó khăn hơn khi thiếu hụt nguồn cung từ quốc gia tỷ dân.