Cuộc chiến “ghìm cương” lạm phát còn kéo dài

Nguyễn Hường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, kinh tế toàn cầu đang trên đà “khởi sắc” nhưng lạm phát vẫn là một thách thức trong thời gian tới.

Lạm phát toàn cầu đã giảm hơn một nửa trong năm vừa qua. Các ngân hàng trung ương đã bắt đầu nới lỏng các chính sách tiền tệ vốn được siết chặt trước đây nhằm duy trì đà tăng trưởng và vực dậy nền kinh tế sau hàng loạt những cú sốc từ đại dịch và lạm phát leo thang thời gian qua. 

Trong một bài phát biểu tại Frankfurt, ông Agustín Carstens, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã bày tỏ quan điểm tích cực về tình hình kinh tế toàn cầu: “Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào chu kỳ giảm tốc, song sẽ không rơi vào suy thoái”.

Agustin Carstens - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Nguồn: Reuters
Agustin Carstens - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Nguồn: Reuters

“Các nỗ lực kiểm soát lạm phát đã diễn ra tương đối hiệu quả, tạo ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của nền kinh tế,” Carstens nói.

Thị trường kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ lần lượt hạ lãi suất trong tương lai gần. Cụ thể, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ tiên phong cắt giảm lãi suất vào tháng 6, tiếp sau đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tháng 7 và cuối cùng là Ngân hàng Anh vào tháng 8.

Tuy nhiên, các dấu hiệu gần đây ở cả Châu Âu và Hoa Kỳ đang dấy lên lo ngại rằng lạm phát có thể kéo dài lâu hơn so với những dự đoán lạc quan trước đó.

Người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết: “Không có gì đảm bảo cho sự ổn định của nền kinh tế. Ngay cả khi lạm phát đã giảm, nó vẫn cao hơn mức kỳ vọng của các ngân hàng trung ương”. 

Cuộc chiến chống lạm phát sẽ còn kéo dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía những nhà hoạch định chính sách, ông cho biết.