Cuộc sống mới của nạn nhân bị mua bán

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sứ mệnh luôn sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về, 15 năm qua, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation) chưa bao giờ từ chối sự cầu cứu của bất kỳ nạn nhân nào.

Blue Dragon cũng không bao giờ bỏ cuộc kể cả trong những trường hợp phức tạp nhất, bởi họ nhìn thấy tiềm năng ở tất cả các em.
Nỗ lực vượt qua rào cản xã hội 
Là một trong gần 1.000 nạn nhân bị mua bán trở về, em gái N.T.D. (18 tuổi ở Sa Pa) may mắn được Blue Dragon giải cứu và hỗ trợ các biện pháp ổn định tâm lý. Sau một thời gian dài, D. thoát khỏi sự mặc cảm và lựa chọn cho mình khóa học nghiệp vụ buồng phòng khách sạn. Vốn là một cô gái e dè trong giao tiếp nhưng sau khóa học 6 tháng, D. được giới thiệu vào làm tại một khách sạn 4 sao ở Hà Nội với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Nỗ lực vượt qua những rào cản của xã hội, nhờ sự hỗ trợ của Blue Dragon, đến nay, em N.T.H. (19 tuổi ở vùng miền núi phía Bắc) đã tìm được một công việc phù hợp với bản thân, đó là nghề làm bánh tại một công ty sản xuất bánh ngọt với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, H. đã được công ty dành cho nhiều chế độ đãi ngộ rất tốt. Do yêu thích công việc nên H. dự định sẽ mở một cửa hàng bánh nhỏ sau khi về quê.
 30% nạn nhân bị mua bán trở về có nhu cầu mong muốn đi học nghề và đáp ứng được yêu cầu của Blue Dragon.
Bà Đinh Thị Minh Châu – Quản lý Dự án hỗ trợ nạn nhân của mua bán người, Blue Dragon cho biết, đây chỉ là 2 trong số gần 1.000 nạn nhân bị mua bán trở về được Blue Dragon giải cứu và hỗ trợ thành công. Blue Dragon là một tổ chức từ thiện hỗ trợ trực tiếp các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.
Trẻ em được hỗ trợ tại Blue Dragon là trẻ đường phố, trẻ khuyết tật và các nạn nhân của nạn buôn bán người. Cho đến nay, Blue Dragon đã tiếp nhận và hỗ trợ việc làm cho 939 nạn nhân mua bán trở về ở các độ tuổi khác nhau. Nạn nhân trẻ nhất là 11 tuổi, nhiều tuổi nhất là 65 tuổi, chủ yếu là nữ ở độ tuổi từ 16 - 25.
Sau khi giải cứu các nạn nhân trở về, đội ngũ luật sư và nhân viên tâm lý của Blue Dragon hỗ trợ để nạn nhân bắt đầu lại một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh. Bên cạnh hỗ trợ về tâm lý cũng như tất cả những chi phí khác như nơi ăn, ở, đi lại, nhu cầu vui chơi, giải trí, khám chữa bệnh… cho các nạn nhân, Blue Dragon còn phát triển chương trình hỗ trợ về việc làm và học nghề dựa trên nhu cầu của các em. Tuy nhiên, không phải tất cả các nạn nhân Blue Dragon giải cứu về đều có nhu cầu đi làm đi học nghề.
“Thực tế, 70% nạn nhân quay về địa phương. Chỉ khoảng 30% nạn nhân có nhu cầu mong muốn đi học nghề và đáp ứng được yêu cầu của tổ chức (điều kiện biết nói tiếng Kinh). Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Độ tuổi, trình độ văn hóa, nhu cầu… Kinh phí hỗ trợ cho các nạn nhân (học nghề và các nhu cầu khác) rất cao, khoảng gần 100 triệu đồng/em nên Blue Dragon cũng phải cân nhắc, nếu không lựa chọn đúng sẽ mất đi cơ hội của những người khác” - bà Châu cho hay.
Muôn vàn khó khăn
Chia sẻ về vấn đề tạo việc làm, bà Nguyễn Thị Hương Lan – Điều phối viên chương trình hướng nghiệp, Blue Dragon cho hay, với các nạn nhân có nhu cầu và được đánh giá có khả năng học nghề để thay đổi cuộc sống, Blue Dragon sẽ có sự hỗ trợ như định hướng nghề. Các em có nhiều lựa chọn từ những ngành nghề về nhà hàng, khách sạn trong khoảng thời gian ngắn hạn, (từ 3 - 6 tháng hoặc 12 tháng) như: Nấu ăn, làm bánh, phục vụ bàn, bar, học về nghiệp vụ buồng phòng hay nghề làm tóc, làm đẹp, may dệt... Sau đó, phần lớn, các em đều đi làm ở Hà Nội.
Thời gian qua, với những nỗ lực của Blue Dragon cùng với sự chung tay góp sức của các tổ chức đào tạo miễn phí hỗ trợ cộng đồng như Reach, Trung tâm đào tạo ngành tóc L’Oreal… nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đã tìm được việc làm ổn định, với mức lương bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, có những em thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, đào tạo các em, Blue Dragon gặp rất nhiều khó khăn. Do phần lớn các em đến từ vùng núi phía Bắc, là người dân tộc thiểu số, người Mông, Nùng, Dao, Giáy, nhiều em chưa biết nói tiếng Kinh.
Theo bà Lan, thực tế cũng cho thấy, trong thời điểm, các em kết thúc việc làm ở TP quay về địa phương, Blue Dragon cũng chưa có nhiều những giải pháp giúp các em. Vấn đề tạo việc làm tại địa phương hay ở nông thôn (làm nông nghiệp) cũng là bài toán mà Blue Dragon đang cố gắng đi tìm lời giải. Blue Dragon mong muốn các địa phương, tổ chức quan tâm, rà soát, hỗ trợ kịp thời hơn nữa nạn nhân bị mua bán trở về, tạo điều kiện hỗ trợ cho các nạn nhân.

"Việc hỗ trợ học nghề, học văn hóa cho các nạn nhân bị mua bán trở về chính là giai đoạn giúp các em phục hồi tâm lý. Mục tiêu của Blue Drago là đầu tư cho sự phát triển bền vững, giúp đỡ các em cho đến khi có kết quả cuối cùng, thành công hoặc các em có những kế hoạch thay đổi khác thì thôi." - Điều phối viên chương trình hướng nghiệp, Blue Dragon Nguyễn Thị Hương Lan