Cứu hộ động vật hoang dã: Dấu ấn từ hợp tác quốc tế

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm hoạt động, chuồng nuôi gấu bán hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã trở thành “ngôi nhà” thiên nhiên đúng nghĩa của những chú gấu từng bị tổn thương do mắc bẫy, buôn bán trái phép.

 Các cá thể gấu được vui chơi trong khuôn viên chuồng nuôi bán hoang dã. 
Động vật cũng cần được yêu thương
Chuồng nuôi gấu bán hoang dã có sức chứa từ 15 – 20 cá thể gấu, nơi mà các chú gấu được thả sức khám phá, chơi đùa là dấu ấn trong hợp tác quốc tế về cứu hộ ĐVHD. Với tiêu chí phúc lợi động vật được đặt lên hàng đầu, khu chuồng nuôi được thiết kế khoa học: Phòng nuôi khép kín với cửa bán tự động và không gian thiên nhiên với cây xanh, bể bơi, đồ chơi... Toàn bộ khu chuồng được bao bọc bởi hệ thống tường rào, bên trong còn có hàng rào điện tử bảo vệ. Với thiết kế như vậy, chuồng nuôi vừa đảm bảo không gian thoáng đãng, độ an toàn cho động vật và tạo sự thân thiện khi chúng tiếp xúc với người. Hiện tại, khu chuồng gấu bán hoang dã có 8 cá thể gấu ngựa, được chăm sóc theo quy trình khép kín và đảm bảo vệ sinh, an toàn tuyệt đối.

Gắn bó với ĐVHD 17 năm, anh Nguyễn Mạnh Dũng, nhân viên kỹ thuật chuồng nuôi gấu bán hoang dã cho biết, các chú gấu ở đây đều được đặt tên và có sổ theo dõi hàng ngày. Kinh nghiệm lâu năm cùng với tình yêu dành cho động vật, anh Dũng thuộc như lòng bàn tay tính cách của từng cá thể gấu. Trong số 8 cá thể được nuôi trong khu chuồng thì Hy Vọng là lớn tuổi nhất, chậm chạp nhất và có sở thích cứ ăn xong là lên võng nằm. Nhỏ tuổi nhất là Em Bé nhưng rất tinh nghịch và dễ thương. "Lúc mới nhận về nuôi, Em Bé còn nhỏ xíu, yếu ớt và phải bú sữa bình. Vậy mà lớn lên nó rất hiếu động, ham chơi, nghịch nhất đàn" – anh Dũng nói.

Chia sẻ về công việc hàng ngày, anh Dũng cho biết, buổi sáng anh cùng một nhân viên nữa thường cho gấu ăn bí đỏ, chuối, tiếp đến là dọn dẹp vệ sinh, buổi chiều thì cho gấu ăn cháo và thả chúng ra khu bán hoang dã. Sau khi nhốt gấu vào chuồng, nhân viên sẽ dọn dẹp và kiểm tra lại hàng rào điện. “Từ khi chuồng nuôi đi vào hoạt động, như có sự khích lệ, chúng tôi đã dành thêm nhiều thời gian để chăm sóc đàn gấu kỹ lưỡng hơn. Anh em còn bảo nhau tận dụng các vật liệu đơn giản để sáng tạo làm đồ chơi cho gấu" – anh Dũng tâm sự.

“Ngôi nhà” thiên nhiên đúng nghĩa

Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Lương Xuân Hồng cho biết, sau 3 năm đưa vào sử dụng chuồng nuôi gấu bán hoang dã đã mang lại hiệu quả tích cực. Không chỉ có phúc lợi của động vật được tăng lên rõ rệt mà nhận thức của nhân viên chăm sóc động vật được nâng lên rất nhiều. “Thay vì chỉ ăn 2 bữa rồi nằm, giờ đây gấu còn được vui chơi hay nói cách khác là được giải phóng về mặt tư tưởng, được xả stress, từ đó chúng sẽ thân thiện, gần gũi với con người hơn” – ông Hồng nói.

Tháng 10/2014, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn ĐVHD nước Việt (Four Paws Việt), thuộc Tổ chức Quốc tế phi lợi nhuận FOUR PAWS International, trung tâm đã tiếp nhận tài trợ không hoàn lại với Four Paws Việt. Theo đó, Four Paws Việt tài trợ cho trung tâm 1,9 tỷ đồng xây dựng công trình chuồng nuôi gấu bán hoang dã với diện tích 1.000m2.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Lương Xuân Hồng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu của sự hợp tác, hỗ trợ của Trung tâm với Trung tâm Four Paws Việt trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn loài gấu. Với phương châm "Cứu hộ, bảo tồn các loài ĐVHD chính là bảo vệ nguồn đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ môi trường bền vững", Trung tâm mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn các loài ĐVHD tại Việt Nam.