Cứu nạn, cứu hộ là ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ LĐTB&XH xem xét, bổ sung công tác cứu nạn, cứu hộ vào danh mục ngành nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toán quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ LĐTB&XH xem xét, bổ sung công tác cứu nạn, cứu hộ vào danh mục ngành nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ảnh minh họa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ LĐTB&XH xem xét, bổ sung công tác cứu nạn, cứu hộ vào danh mục ngành nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và DN, tạo môi trường an ninh, an toàn, sự bình yên cho cuộc sống.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn tồn tại, hạn chế, yếu kém cần khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tập trung khắc phục:

Việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm phòng cháy chữa cháy, trật tự xây dựng ở nhiều địa phương chưa nghiêm để xảy ra xây dựng các công trình không tuân thủ quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy, chây ỳ, không kịp thời khắc phục vi phạm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng của người dân trong phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa được coi trọng. Việc thực hiện, diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại một số địa phương còn hạn chế, nặng về hình thức, chưa sát thực tế,

Bên cạnh đó, một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, người dân còn chủ quan, lơ là chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và nguy cơ xảy ra cháy, nổ để chủ động bổ sung các giải pháp bảo đảm an toàn cần thiết; thiếu kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ.

Một số Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ. Việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy còn chậm, chưa dự báo hết được tình hình, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương phải thực sự trăn trở, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao chất  lượng công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, ban hành Thông tư bổ sung danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lực lượng Công an nhân dân, trong đó xem xét bổ sung công tác cứu nạn cứu hộ vào danh mục ngành nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo khoản 3 Điều 105, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Còn tại Điều 113 quy định Nghỉ hàng năm: Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.